Học sinh nói gì về bạo lực học đường

Tuấn Anh,
Chia sẻ

Chúng em chỉ muốn thầy, cô chịu khó lắng nghe học sinh nói và không xúc phạm đến học sinh...

Tuấn, học sinh lớp 7 ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đại diện cho 10 học sinh đến từ Thái Nguyên kể về những trường hợp thầy giáo mắng học sinh, véo tai học sinh và bắt học sinh quỳ trên bục giảng để học.

"Có một bạn nói bậy, cô giáo bắt các bạn trong lớp lần lượt tát vào mặt. Không ai thực hiện, cô giáo bắt bạn ấy tự tát vào má mình". Câu chuyện của cậu học sinh Ngô Quang Tuấn khiến nhiều đại biểu dự Hội nghị phòng chống xâm hại trẻ em, ngày 22/8, phải giật mình.

Không riêng Tuấn, các thành viên tham gia tuyên truyền cách phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn dẫn chứng hàng loạt các câu chuyện khác liên quan đến việc xâm hại bạo lực học đường. Nguyễn Thị Ngọc Hải, học sinh lớp 9 trường THCS Tân Kim cho rằng, có thể thầy cô nghĩ rằng, xử lý như vậy sẽ tốt cho học sinh.

 Huỳnh Thị Ngọc Trâm (Đồng Tháp), bị rối loạn cảm xúc do Hiệu trưởng, Tổng phụ trách đội, công an xã dọa nạt, ép cung.
Ảnh: VnExpress

"Tuy nhiên, học sinh không thích như thế. Chúng em chỉ muốn thầy, cô chịu khó lắng nghe học sinh nói và ứng xử khéo léo hơn để không xúc phạm đến học sinh", Hải nói.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) cho biết, trong số những vụ việc xâm hại từ 2005 - 2007, xâm hại bạo lực trong học đường tăng cao hơn cả. Trong khi xâm hại bạo lực gia đình chỉ tăng gấp 3 lần, cộng đồng tăng 7 lần thì xâm hại trong trường học tăng lên 13 lần so với những năm trước đó.

Tình trạng bạo lực đối với trẻ em thường diễn ra ở các môi trường có trách nhiệm chăm sóc giáo dục. Điển hình như Huỳnh Thị Ngọc Trâm (Đồng Tháp), học sinh lớp 5, bị rối loạn cảm súc hành vi và có biểu hiện tâm thần do Hiệu trưởng, Tổng phụ trách đội, công an xã dọa nạt, ép cung chỉ vì nghi ngờ lấy gần 50.000 đồng quỹ lớp. Hàng noạt những vụ xâm hại tình dục do chính thầy giáo trong trường là thủ phạm cũng diễn ra tại tại Bắc Ninh, Cần Thơ, Đồng Nai...

Đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện 50% các trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội hoạt động không phép. Cơ sở vật chất thiếu thốn khiến trẻ ở những ngôi trường này luôn có nguy cơ bị xâm hại tình dục. "Ở quận Thanh Xuân, lợi dụng một nhà trẻ không có rào chắn, giờ nghỉ trưa, một lao động tự do nhảy vào có hành vi đồi bại với một trẻ nhỏ ở đây...", đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội cho biết.

Ông Mark T.Pierce, giám đốc PLAN tại Việt Nam cho biết, ngày 7/10/2008, PLAN sẽ công bố chiến dịch "Phòng chống bạo lực học đường". Chiến dịch này nhằm ngăn ngừa tất cả những hình thức bạo lực học đường, tập trung vào 3 hình thức chính là trừng phạt thân thể và tinh thần, xâm hại tình dục và bắt nạt.

Đại diện tỉnh Đồng Nai, nơi xảy ra nhiều cụ xâm hại nổi tiếng như vụ hiếp dâm em bé dưới 13 tuổi mang thai, vụ ngược đãi trẻ em ở Nhóm trẻ tư nhân của bà Quảng Thị Kim Hoa cũng có mặt tại Hội nghị.
Theo bà Huỳnh Thị Nhĩa, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội, từ năm 2006 đến hết 6 tháng đầu năm 2008, địa bàn tỉnh xảy ra 152  xâm hại trẻ em. Nguyên nhân chính là do gia đình thiếu quan tâm đến con cái.
 
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu các địa điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ. Nhu cầu trông giữ trẻ ngày càng lớn trong khi trên địa bàn này có đến có 600 điểm giữ trẻ chưa được cấp phép.

Theo ông Nam, hệ thống pháp luật ở Việt Nam nghiêm khắc nhưng còn thiếu tính cụ thể. Thời gian tới, cần có chế tài mạnh, rõ hơn để đấu tranh với những hành vi vi phạm đối với trẻ em.

Tuấn Anh
Theo VnExpress
Chia sẻ