Hậu quả của những pha "trói" người yêu

,
Chia sẻ

Có người hy vọng vào một cái kết "có hậu", có người biết trước được kết cục chẳng mấy tốt đẹp. Nhưng vì mù quáng, họ chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, miễn là "trói" cho bằng được đối phương.

"Tình dục" - "bổn cũ soạn lại"

Biết Huy có cảm tình với cô bạn thân của mình nhưng vì quá yêu, Vân vẫn tìm mọi cách để được gần anh. Vốn có một thân hình "bốc lửa", Vân ra sức tận dụng "thế mạnh" của mình. Có việc gì cần "nhờ vả", Vân điện thoại ngay cho Huy với giọng điệu hết sức "thê thảm", "khẩn thiết". Vài phút sau, Huy có mặt ngay tức thì, tận tình giúp đỡ cô bạn gái xinh đẹp.

Những lần gặp nhau ngắn ngủi ấy, Vân lại biết cách "dụ dỗ" Huy bằng nhiều hành động khác nhau. Trước khi tiến hành "kịch bản", bao giờ cô cũng chọn cho mình những bộ cánh sexy nhất, khêu gợi nhất, tôn được vóc dáng chuẩn của mình. Rồi thì khi gặp "người trong mộng", lại phải sử dụng nhiều chiêu "vô tình lộ hàng" khác, ví dụ như giả vờ đánh rơi ví, cúi xuống để lộ vòng 1 nóng bỏng, "vô tình" va chạm vào người "đối phương"... Nhiều lần rơi vào tình trạng "không thể chống đỡ", Huy bắt đầu ngại tiếp xúc với Vân.

Ảnh minh họa

Nhưng Huy càng tìm cách tránh mặt, Vân càng cố tạo ra nhiều cớ để được gặp anh. Sự chủ động của Vân đã làm cho Huy nhiều phen rơi vào tình trạng "tình ngay lý gian" với bạn bè. Ngay cả "đối tượng" mà anh định tiếp cận là cô bạn gái của Vân cũng "chạy mất dép" vì nghĩ rằng: hai người đã thành một đôi.

Chưa là người yêu của nhau nhưng Vân luôn cố tình làm cho mọi người hiểu nhầm. Huy đi đâu, làm gì, Vân cũng cố tình "đeo bám" cho bằng được. Vốn lịch sự, lại hay cả nể, Huy đành "chậc lưỡi" để cho Vân đi theo. Báo hại, trong những lần "bám càng" ấy, Vân đã chủ động "đẩy" mối quan hệ của hai người sang một "trang" mới. Ngồi ở chốn đông người, có khi thì Vân nhờ Huy lấy dùm cái này, cái kia, có khi thì ngồi "sát sàn sạt" và chủ động "chăm sóc" tận tình, không quên kèm theo những câu nói ngọt ngào khiến ai nghe thấy cũng phải "nóng" mặt.

Đã nhiều lần Huy "bóng gió" với Vân rằng, anh chỉ xem cô như một người em gái. Nhưng chẳng bao giờ Vân chịu nghe cho hết câu. Biết được tính cả nể của Huy, Vân tìm mọi cách để đưa Huy vào thế bí. Kết quả, vì không muốn "sỗ sàng" làm tổn thương người đẹp, Huy đành phải để cho Vân "dính" lấy mình như hình với bóng.

Thấy chiêu "lỳ" của mình tỏ ra có hiệu quả, Vân chuyển sang giai đoạn tấn công tiếp theo. Những hôm gia đình có công chuyện, Vân "nài nỉ" Huy về nhà và "giới thiệu thẳng thừng": "đây là người yêu của con". Nhiều lần như thế, Huy không còn đường "rút". Nhất là khi Vân "thỏ thẻ": "Mình cưới nhau đi, em đã có thai 3 tháng rồi". Huy "giật nảy" mình, không nhớ là mình đã làm "chuyện đó" với Vân khi nào. Nhưng rồi cũng phải làm lễ ăn hỏi không thì lại bị mang tiếng "ác", "thiếu trách nhiệm".

"Đau ốm" cũng là một chiêu "trói" hiệu quả

Khác với chiêu "lỳ", "bắt vạ" của Vân, Miên lại dùng chiêu chiều chuộng, "khóc lóc", "dọa dẫm", gợi sự thương hại từ người đàn ông mình yêu để trói buộc.

Yêu nhau được một thời gian, nhận thấy tình cảm của người yêu càng ngày càng nhạt. Miên ra sức níu kéo. Hết chiều chuộng lại chăm sóc tỉ mẩn để cho Nam cảm động, Miên lại dùng "khổ nhục kế", luôn kêu đau ốm, bệnh tật. Nghĩ tình cảm đã có với nhau mấy năm, giờ người yêu lại đau ốm, mình bỏ đi lại mang tiếng "bất nhân, bất nghĩa" nên Nam cũng không nỡ.

Thế là một cuộc "hành xác" thực sự xảy ra đối với tình yêu của Nam và Miên. Cô cố tình nhịn ăn, nhịn uống để luôn ở trong tình trạng "xanh như tàu lá", trời mưa, trời nắng, Miên cũng mặc kệ, không chú ý giữ gìn sức khỏe vì mục đích cuối cùng của cô là "bị ốm để được người yêu chăm sóc". Chiêu này của Miên tỏ ra có hiệu quả.

Bằng chứng là: nhìn người yêu ngày càng gầy yếu, xanh xao, Nam thấy thương vô cùng. Anh mua nhiều thứ để Miên tẩm bổ, bồi dưỡng, không quên chăm sóc cô chu đáo. Thấy vậy, Miên "áp dụng" chiến thuật ngày càng "dày đặc" hơn. Báo hại, Nam đi đâu cũng bị Miên gọi điện thoại réo gọi. Khi thì: "Anh ơi, em bị sốt", khi khác lại: "Anh ơi, em thấy khó chịu trong người"... làm Nam không thể có chút thời gian dành cho riêng mình.

Lâu dần, Nam đâm chán. Anh cũng đủ thông minh để nhận ra: cứ mỗi lần anh có việc đi ra ngoài hay "lơ là" việc chăm sóc là y như rằng, người yêu "đổ bệnh". Cái kiểu "ốm" của Miên lại cứ dai dẳng, cứ phải có người yêu ở bên mới "đỡ" được. Nam thấy mình cứ như đang hành nghề "y tá nam" chứ không phải đang yêu một người phụ nữ. Có hôm, Nam hơi to tiếng một tí, Miên lại "xây xẩm mặt mày" lăn đùng ra giữa nhà làm anh một phen "hết hồn". Chút tình yêu còn sót lại với Miên cứ thế vơi dần, Nam thấy mình đang gánh trên vai một gánh nặng thì đúng hơn.

Ấy thế mà cái gánh nặng ấy lại khó bỏ. Trước kia, bố mẹ hai bên cũng đã biết chuyện hai người yêu nhau, đặc biệt là bố mẹ Miên, cả hai ông bà đêu rất quý Nam, dành cho anh nhiều sự ưu ái. Mới đây, chính bố Miên đã có công giúp anh thăng tiến trong công việc. Cứ lâu lâu không thấy anh đến chơi, ông bà lại nhắc. Nam nhiều lần muốn "dứt áo ra đi" nhưng vì nhiều chuyện trói buộc, nhất là việc Miên cứ đau ốm thường xuyên, rồi lại vì "nể" bố mẹ Miên, anh cứ dùng dằng mãi.

Những cái kết được báo trước

Đúng như mong muốn của những "người giăng bẫy", "con mồi" cuối cùng cũng đã thuộc về tay họ, không thể chạy thoát. Cả Vân và Miên đều đạt được ý nguyện bằng những đám cưới linh đình.

Nhưng họ không đủ tinh tế để nhận ra sự khó chịu, miễn cưỡng nơi người đàn ông của mình. Huy và Nam đều có cảm giác mình "bị lừa", bị bắt buộc. Vì tính cả nể, vì trách nhiệm, họ chấp nhận bị "trói buộc", nhưng như người ta vẫn nói, chẳng có gì trói buộc được một linh hồn.

Một thời gian sau ngày cưới, chính Vân đã phải nếm "trái đắng", khi chồng cô phát hiện chuyện có thai chỉ là một "màn kịch hoàn hảo" đã dựng sẵn. Chấp nhận đám cưới cũng chỉ vì cái thai, nên bây giờ, Huy thấy mình "ngu", cảm giác "bị lừa" làm anh không thể gần gũi với người vợ "ma mãnh". Chính anh đã thốt lên với vợ: "Cô đã đạt được ý nguyện của mình rồi thì tôi cũng xin nói thẳng, thể xác của tôi cô có thể nắm, còn tôi nghĩ gì, không bao giờ cô biết được đâu".
 

Tình trạng "đồng sàng dị mộng" làm Vân rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều người bảo Huy điên, có được vợ đẹp mà không biết đường giữ, nhưng chẳng mấy ai hiểu được, ngay từ đầu, Vân đã không cho anh cái quyền được tự do yêu đương và rung động.

Chuyện của Miên cũng chẳng sáng sủa gì mấy. Cứ thấy vợ xanh xao, gầy yếu, Nam đâm chán, chẳng còn hứng thú "gần gũi". Tình yêu đối với Miên cũng đã nhạt nên những việc anh làm với Miên bây giờ, có chăng cũng chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Vì bố mẹ Miên giục cưới, Miên cũng đã nhiều lần "dọa" nếu anh bỏ cô, cô sẽ "chết cho anh ân hận suốt đời" nên Nam cũng "nhắm mắt" cưới cho yên chuyện.

Nhưng khi cưới xong rồi, Nam lại chẳng mấy khi về nhà, mặc cho vợ "dọa chết". Anh "đóng đô" ở công ty và la cà thường xuyên với mấy ông bạn nhậu. Mới cưới vợ nhưng ít khi người ta thấy anh vui vẻ. Nam cũng tâm sự: "Vui vẻ gì nổi khi phải gánh trên vai một gánh nặng to đùng? Mình chẳng còn thấy yêu thương gì nữa, chỉ thấy mỏi mệt".

Đa số những cuộc hôn nhân "bị trói buộc" như của Huy và Nam đều khó có thể đạt được hạnh phúc. Bản thân những người "bị giăng bẫy" luôn cảm thấy ngột ngạt và khó chịu, bởi ngay cả quyền tự do yêu đương, tự do chọn lựa, quyền được tôn trọng họ cũng bị người khác "điều khiển". Về phía người "giăng bẫy", họ tìm mọi cách để "trói" cho bằng được nhưng rồi phải cay đắng nhận lấy những kết cục chẳng mấy tốt đẹp.

Thế mới biết, một cuộc hôn nhân hạnh phúc luôn cần sự tự nguyện của cả hai. Khi hai tâm hồn không đồng điệu, không tìm được sự hòa hợp thì việc ở chung dưới một mái nhà chỉ càng thêm "đày đọa" nhau, càng "đẩy" nhau rơi vào vũng sâu của bi kịch gia đình.
 
Theo Eva
Chia sẻ