Gánh nặng có chồng vụng

VnExpress,
Chia sẻ

Loay hoay tìm mãi không thấy chục trứng gà mới mua để làm bữa tối, chị Nụ gọi điện hỏi chồng thì anh hí hửng: "Hôm qua anh cất hộ em lên ngăn đá tủ lạnh rồi".

"Chẳng biết có ông nào vụng như xã nhà mình không. Mình tự làm hết mọi việc thì quá mệt, mà hễ nhờ chồng giúp là y như rằng phải đi làm lại hoặc tướt mồ hôi vì những 'sáng kiến' của anh ấy như cất trứng lên ngăn đá, cho quần áo con vừa nôn ra hay áo bị phai màu vào máy giặt chung với các đồ khác, rồi lấy nùi sắt cọ chảo chống dính hay nồi nấu cơm, tống cả bát thịt đông vào lò vi sóng hâm lại...", chị Nụ (Thịnh Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) than thở.

Chị cho biết, chồng mình vốn tốt tính, hiền lành, yêu vợ thương con, nhưng vì là cậu ấm, từ nhỏ đã không phải mó tay vào việc gì nên chỉ giỏi về chuyên môn, chứ cứ đụng đến các việc khác là hỏng. Tính chị tháo vát, đảm đang nên trước đây, biết tính chồng, chị thường cố gắng tự hoàn tất mọi việc nhà. Thế nhưng, từ ngày có hai đứa con, công việc ngập đầu, chị bắt anh phải san sẻ. Chồng chị không từ chối nhưng vì lóng ngóng, hay quên, anh luôn khiến chị tá hỏa.

"Nhờ ông ấy đi đón con 5 lần thì có tới 4 lần quên, để thằng bé chết đói đứng đợi ở trường. Chồng có hảo ý cắm hộ nồi cơm thì y như rằng hoặc không cọ nồi trước khi lấy gạo hoặc quên bật nút nấu, rồi hôm sống hôm nhả vì cho nước quá ít hay quá nhiều... Chán lắm. Nhắc bao nhiêu lần vẫn thế".
 

Cũng vì ông chồng quá vụng mà chị Luyến (Khâm Thiên, Hà Nội) bất đắc dĩ trở thành trụ cột của gia đình. "Nhiều khi cứ nói đùa với đám bạn là, sau khi kết hôn, mình thay đổi giới tính rồi, trở thành một người đàn ông thực thụ, việc gì cũng tới tay, từ kiếm tiền nuôi con, đến sửa chữa đồ điện, thông cống, thậm chí là xây nhà", chị Luyến kể.

Chị cho biết, từ hồi mới cưới, anh đã tuyên bố xanh rờn là không bao giờ làm việc vặt trong nhà. Thi thoảng, chị "biểu tình" bắt chồng tham gia thì anh cũng cố đụng tay đụng chân nhưng làm đâu hỏng đấy, phụ nấu bữa cơm thì chị phải tốn thời gian đi tìm các vật dụng được quăng khắp nơi để dọn dẹp. "Ai đời con rể lên nhà bố vợ mà cứ ngồi dán mắt vào TV hay đánh điện tử để mặc nhạc phụ nhạc mẫu làm cơm, chặt gà. Mình có góp ý thì ông ấy bảo không biết làm, cố làm hỏng ra đấy còn ê mặt hơn", chị nói.

Những việc vặt đã vậy, những "việc đàn ông" như sửa sang các đồ điện trong nhà, lo đối nội, đối ngoại, mua đất, làm nhà... anh cũng không đụng tới vì... không biết. "Nhìn những chị em khác thảnh thơi vì có chồng chia sẻ việc nhà, rồi đứng mũi chịu sào các công to việc lớn, mình thèm lắm. Có ông chồng 'vụng toàn tập' thấy oải và tủi thân vô cùng. Mình cũng thủ thỉ có, gay gắt có, nhưng ông ấy chẳng thay đổi thì biết làm sao", chị Luyến than thở.

Chuyên viên tư vấn Minh Hoa, Đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM, cho biết, từng có rất nhiều chị em than phiền với chuyên gia về nỗi ấm ức, bực bội khi có ông chồng vụng về.

Theo nhà tâm lý, do cách giáo dục của gia đình, hoặc vì bà vợ quá chu toàn, đảm đang nên nhiều ông chồng không biết hoặc ngại làm các việc gia đình. Những người vợ thường cảm thấy rất khó chịu vì điều này nên ôm đồm làm hết, sinh ra mệt mỏi, cáu gắt và càng như vậy, đàn ông càng tự ái, sĩ diện và không làm nữa.

Vì thế, theo nhà tâm lý, khi giao cho chồng việc gì, các bà vợ cần nói rõ ràng, cụ thể, từng việc một. Nếu biết tính chồng hay quên, khi gần đến giờ làm việc đó, chị em có thể gọi điện hay trực tiếp nhắc nhở, chẳng hạn như: "Sắp tới giờ tan học rồi, bố đến đón sớm là con vui lắm đấy"... Thật ra, theo bà, các ông chồng hay quên vì họ không coi đó là việc của mình mà chỉ là "làm hộ" vợ, vì thế, chị em hãy phân công cho chồng đảm nhận hẳn một nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Đứng trên góc độ nam giới, ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên Văn phòng TT&T, đường dây tư vấn 1088 TP HCM lý giải, người đàn ông vụng về trong việc gì đó chẳng qua là vì họ chưa làm thành thạo do không làm thường xuyên mà thôi.

Nhà tâm lý cho biết, có nhiều nguyên do khiến đàn ông vụng. Có thể do họ kém về thần kinh, chậm hiểu. Số này rất ít và thường không có cách nào khác là các bà vợ phải chấp nhận.

Một số nam giới có thể vì chưa từng gánh vác công việc gia đình bao giờ nên dù muốn làm nhưng do không quen nên thường "xôi hỏng bỏng không". Số này "cải tạo" khá đơn giản. Các bà vợ chỉ cần bỏ thời gian làm chung với họ, hướng dẫn tỉ mỉ, đến khi họ đã thành thạo thì để họ tự làm. Đồng thời với điều này, chị em nên luôn động viên chồng và chấp nhận những "tai nạn" khi ông xã... học việc.

Cũng có một số ông chồng luôn tỏ ra vụng về chỉ bởi họ không muốn làm việc. Những người này, có thể thực hiện các công việc rất giỏi giang, khéo léo, nhưng do có người vợ quá đảm đang, tự làm hết nên họ ỉ lại, không muốn đụng tay, chân. Đến khi được vợ nhờ, họ lại tỏ ra kém cỏi.

"Các 'ca' này vẫn chữa được, dù khó hơn. Việc của chị em là phải 'đánh' vào tư tưởng chồng. Phải cho anh ta những 'mệnh lệnh' nghiêm khắc nhưng thể hiện bằng cách nói nhẹ nhàng, dí dỏm. Chẳng hạn: 'Chủ nhật này anh ở nhà. Em muốn hai vợ chồng mình sửa sang lại khu vườn. Đối với em việc này rất quan trọng, nếu anh không ở nhà làm cùng em, đừng nhìn mặt em nữa'. Hãy đặt cho anh ta những câu hỏi buộc phải trả lời một cách nghiêm túc: Anh có yêu gia đình không, có yêu vợ không? Nếu có, anh phải làm gì cho vợ chứ? Và để họ phải lựa chọn: Nếu anh không cố gắng cho gia đình thì sẽ mất vợ, con", ông Thanh Sĩ gợi ý.

Theo ông, thời gian để xác định lại tư tưởng cho những ông chồng cố tình vụng này ít nhất là trong 6 tháng, và người vợ phải phải có hình phạt, cũng như sự động viên kịp thời.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý, cũng có không ít kiểu ông chồng cố tình vụng mà không thể cải tạo được. Đó là những người có bản chất ích kỷ, không muốn làm vì lười, vì chỉ thích được người khác phục vụ. Với những người này, mọi cố gắng hầu như sẽ không đạt kết quả bởi họ không quan tâm đến vợ, con, gia đình. Việc của người phụ nữ lúc này lại là phải xác định tư tưởng cho chính mình, xem mình đã tìm đúng người bạn đời chưa, xem thực sự người đàn ông này lấy vợ vì cái gì, có thực sự cần gia đình, yêu thương vợ con hay không, và họ có có xứng đáng để mình hy sinh? Nếu tất cả các câu trả lời là không, chị em sẽ tự biết phải làm gì để giải phóng bản thân.

Chia sẻ