"Em và chó, anh chọn ai?"

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Tối hậu thư của vợ làm Cường quá khó xử: “Giữa em và nó, anh chỉ được chọn một thôi. Anh chọn ai?”. Nó ở đây là… một chú chó.

Tình địch của các bà vợ không phải lúc nào cũng là những cô gái mắt xanh mỏ đỏ hay ngực nở, chân dài. Chuyện của Loan là một ví dụ. Cô ra sức cạnh tranh những vẫn không lại với con chó tên Bom.

So với chó, vợ chỉ là… kẻ đến sau

Hồi Loan chưa về, Bom, chú chó ngao nặng 64 kg, toàn ngủ chung với Cường. Khi có Loan, Bom bị “đẩy” xuống tấm thảm bên cạnh. Thế nhưng quen được ôm ấp, nó toàn trèo lên giường đòi vuốt ve. Và oái ăm nhất là hễ lúc nào vợ chồng Loan quấn lấy nhau âu yếm là nó cũng cuống quýt xô vào “chơi cùng”.

“Bọn em hôn nhau thì thằng Bom cũng chồm lên liếm lấy liếm để vào tay, rồi vào mặt hai đứa, đẩy ra không nổi. Anh ấy phải vừa hôn em vừa đưa tay ra vỗ vỗ vào đầu nó. Còn nếu làm chuyện ấy thì thật là tai họa. Mỗi lần ‘có ý đồ’ gì, bọn em toàn phải lừa nó ra ngoài khóa cửa, nhưng cũng không yên vì nó đập cửa rầm rầm, rên la ầm ĩ đòi vào”, Loan kể tội Bom.

Loan bàn với chồng tách Bom ra, cho nó ngủ phòng khác, nhưng Cường không đồng ý vì “sợ thằng bé buồn”. Đêm, hai vợ chồng ôm nhau ngủ, Bom cũng trèo lên giường nằm cạnh, thân hình nặng trịch ra sức chen lấn. Nhiều đêm Loan có cảm giác trông trống, lành lạnh, mở mắt ra thì thấy chồng đang quay lưng lại ôm “thằng Bom” ngủ ngon lành.
 
 
“Em ốm thì anh ấy đi làm bình thường, bảo em tự bắt taxi đi khám, cùng lắm là mua phở hoặc cơm hộp. Còn thằng Bom mà ốm ấy à, cuống cuồng cả lên, xin nghỉ làm để đưa nó đi khám, rồi mua đủ thứ thịt thà về nấu nướng cho nó. Em nói thì anh bảo em trẻ con vừa chứ, lại đi tị nạnh với cả chó, nó có biết tự chăm sóc như em đâu. Bó tay!”, Loan kể.

Dạo này Bom phát sinh chứng nghiện nhai đồ. Giấy tờ, khăn, thảm, giày dép bị nó gặm đã đành, ngay cả những bộ váy, túi đắt tiền của Loan đã treo lên cao hoặc đựng trong tủ cũng bị nó kéo ra “xơi tái”. Có hôm đã trang điểm, ăn mặc xong xuôi, Loan tức phát điên khi thấy cái túi có màu phù hợp mà cô định dùng hôm đó đã bị Bom nhằn rách quai. Cô gào:“Anh tống cổ nó ra khỏi nhà ngay!!!”. Dĩ nhiên là Cường bênh Bom chằm chặp, trách vợ không khóa tủ đồ cẩn thận. Anh còn nựng con chó: “Bạn Loan vô lý quá. So với bạn Bom, bạn Loan là kẻ đến sau mừ, Bom nhỉ”.

Lúc có bầu, Loan đã bàn cho Bom sang nhà bố mẹ để khỏi ảnh hưởng đến con, nhưng nay con đã hai tuổi mà Cường vẫn kiên quyết giữ Bom lại. Mới đây khi con trai được chẩn đoán hen phế quản, Loan ra tối hậu thư: ““Giữa anh và nó, anh chỉ được chọn một thôi. Anh chọn ai?”. Cả tuần trôi qua rồi mà Cường vẫn chưa đưa ra được câu trả lời.

“Đánh ghen” thật khó

Chuyện của Loan chỉ là một trong vô vàn trường hợp người vợ phải bó tay trước sự đam mê quá đáng của chồng đối với một vật cưng, một thứ đồ chơi hay thú vui nào đó, đến mức ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. Thuyết phục chồng “cân bằng” hơn một chút không được, các bà vợ nát óc nghĩ cách loại trừ “tình địch”. Nhưng cũng như những cuộc đánh ghen quá tay, nhiều khi họ đã chẳng đạt mục đích mà chồng còn có cớ để lao sâu hơn vào niềm đam mê của mình.
 

Hằng có chồng mê câu cá và sưu tập đồ câu. Anh miệt mài ở hồ câu tất cả các ngày nghỉ, thậm chí có thể bỏ việc để đi. Ngoài chuyện chồng quanh năm mất hút, Hằng còn khổ sở vì mùi hôi thối từ thùng cơm thừa canh cặn mà anh bắt trữ trong nhà làm thính, bởi anh không tín nhiệm thính bán sẵn. Tức quá, có lần nhân chồng đi công tác, Hằng đổ hết thính, bán rẻ mấy bộ đồ câu xịn cho ông hàng xóm. Về nhà thấy mất sạch “bảo bối”, anh chồng nổi điên, mắng chửi ầm ĩ, “cấm vận” vợ cả chục ngày liền. Và mặc cho vợ xót tiền, anh đi sắm ngay mấy bộ đồ câu mới loại sang nhất.

Còn Cúc, để “cải tạo” ông chồng nghiện game sau khi khuyên giải mãi không được, cô gửi con về ngoại, mua thêm một máy tính, vứt hết việc nhà, ngồi cạnh chồng chơi game miệt mài. Anh chồng biết ngay đây là “bài” của vợ”, nhưng sau một thời gian, chịu hết nổi với ngôi nhà ngập rác, bừa bộn, cơm nước không có, con cái biệt tăm, anh chàng đành “ký hòa ước” với vợ, cam kết chia sẻ công việc và dành thời gian cho vợ con.

Nhưng cũng với chiêu "lấy độc trị độc" đó, Hoài lại nhận kết quả ngược lại. Sau mấy tháng bỏ bê công việc chơi game cùng chồng, Hoài thấy mình như ngồi đống lửa trong khi ông chồng vẫn bình chân như vại. Anh không hề phiền lòng khi phải ăn mì gói, mặc đồ bẩn hay ngủ trên cái giường ga gối lâu ngày không thay. Mẹ chồng lẫn mẹ đẻ đều kêu ca, mắng mỏ Hoài, không chấp nhận lý do của cô. Đến khi thằng con trai học lớp bốn bị viêm phổi thì Hoài càng trở thành tội đồ. Đến ông chồng vô trách nhiệm còn mắng nhiếc cô thậm tệ và tuyên bố: “Cô là kiểu đàn bà gì thế hả?”.

Vậy làm thế nào để tách ông xã khỏi “kẻ tình địch oái oăm” đây? Quả là một câu hỏi khó với bất cứ ai. Việc “bốc thuốc” chỉ có thể hiệu quả khi dựa vào tạng người, tính nết của từng ông chồng, và còn có ai tường tận về điều này hơn các bà vợ?

Chia sẻ