Dìu nhau lên xe hoa là... hết chuyện?

Nhã Đan,
Chia sẻ

Hôn nhân là đoạn kết đẹp của tình yêu. Có người khi yêu đương thì vui nhộn hài hước, nhưng khi chính thức bước vào cuộc sống hôn nhân thì trở nên khô khan lạnh nhạt.

Cuộc sống hôn nhân cũng giống như một cỗ máy, vận hành lâu ngày đôi khi bị lỏng đinh, tuột ốc. Những lỗi tưởng chừng nhỏ nhưng sẽ khiến không khí gia đình ngột ngạt hơn bao giờ hết. 

Nói xấu chồng

Cũng có lý khi người ta cho rằng nói xấu chồng đã trở thành “bệnh mãn tính” của các bà vợ. Chỉ cần hai cô nàng giải lao giữa giờ ở công sở thế là có ngay một hội nói xấu chồng. Hai cô nàng chat hỏi thăm nhau, lại thêm một hội trách chồng...

Ngày nào cũng như ngày nào, Nga lại “tám” nhanh với bà cùng công ty, “Chồng mình thì tiêu hoang, chẳng biết vun vén gì cho gia đình, nấu cơm thì chán, ngủ thì ngáy như bò rống. Đến việc nhỏ nhất là cho con ăn cũng bó tay. Ôi, mình chán ông chồng này lắm rồi”.

“Đối tác” tiếp chuyện kia cũng không kém: “Tôi có đến nỗi nào đâu, ông ý cứ ra rả kêu như quạ bảo tôi là mẹ sề, lôi thôi này nọ mà trong khi đó, ông ta có hơn gì tôi chứ. Chồng thì ích kỷ, gia trưởng lại không bao giờ giúp đỡ vợ việc nhà…".

Nga ngày càng chán chồng hơn (Ảnh minh họa).

Vậy là, câu chuyện của hai nàng lại được “buôn dưa lê” xuyên ngày, bỏ lại đằng sau một đống việc đang chờ. Cứ vài tuần, hai cô nàng lại tíu tít kể chuyện “chồng tôi” cho nhau nghe. 

Hiếm có người phụ nữ nào lo trọn vẹn được cả sự nghiệp và gia đình nên phần lớn chị em đành hy sinh cho chồng con. Và, sự hy sinh đó không phải lúc nào cũng tự nguyện, vui vẻ. Đi kèm theo đó là cảm giác tự ti, thấy tiếng nói của mình ít giá trị. Hạ thấp chồng là cách chị em chọn để họ cảm thấy mình cũng có quyền lực và sức mạnh. 

“Chịu đựng cho xong”

Cứ đều như đếm, sau khi tan sở, Sa lại phóng như bay về nhà, nào là đón con, đi chợ, nấu cơm, dọn nhà, tắm cho con,… trong khi Minh vẫn điềm nhiên nhấm nháp li bia, vắt chân chữ ngũ, vểnh râu ngồi xem chương trình tivi yêu thích. Chị Sa hiền lành, chăm chỉ nhưng chị cũng nản, nản đến phát khóc nhưng chị lại nhịn cho xong vì chẳng muốn mấy chuyện cỏn con này làm xáo trộn gia đình. Cũng có mấy lần chị nhỏ to với Minh nhưng anh luôn nói: “Đó là chuyện của em, kêu ai?”.

Kiểu gì Minh cũng kêu được, dù thấy vợ bận tối mắt tối mũi, anh vẫn ra sức chê ỏng chê eo vợ. Từ chuyện ăn suốt vài món, đơn điệu tới chê cô lôi thôi như ô sin trong nhà. Sa cũng biết mình luộm thuộm nhưng cô chẳng còn có lấy một phút để thở nữa là làm đẹp.

Sa thuộc tuýp người chuộng hòa bình, điều đó hiển nhiên lâu ngày dài tháng, những chuyện nhỏ ấy khiến cô bị ức chế. Đó sẽ là nguyên nhân cho một trận tranh cãi nảy lửa diễn ra sau này.
 
Quá xa cách

Khoảng cách giữa bạn và chồng sẽ ngày càng lớn nếu cả hai cứ chúi mũi vào công việc, thú vui riêng. Ngọc và Nam lấy nhau được 1 năm. Nhưng cả hai đều cảm thấy giữa họ lúc yêu và cưới không khác nhau là mấy.

Cưới là... hết? (Ảnh minh họa).

Họ đến với nhau khi đã ngoài 30 tuổi. Lý do là vì cả hai quá đam mê sự nghiệp. Nam đang là Giám đốc một công ty về may mặc, Ngọc là Trưởng phòng của một Ngân hàng nọ. Phải công nhận một điều rằng kinh tế của họ rất mạnh. Nhưng ngày thường cũng như ngày nghỉ, họ có ngồi ăn với nhau nhưng bên cạnh của mỗi người là một chiếc laptop để check mail, làm việc, gọi điện cho đối tác. 

Họ chẳng còn thời gian để dành cho nhau, hôn nhân thật sự trở nên nhạt nhẽo. Rồi họ tự hỏi: “Tại sao người nằm bên cạnh mình lại xa lạ thế kia?”.

"Make up" cho hôn nhân

Trả lời về những rắc rối trong gia đình, chuyên gia tâm lý Nguyễn Giang (Trung tâm tư vấn tâm lý Tình yêu - Tình dục thuộc Thành phố Hà Nội) cho biết, những bà vợ của những trường hợp trên cần thay đổi. 

Bất cứ chuyện xấu nào của chồng, bạn cũng đều để tâm và tường thuật chi tiết cho người đối diện. Rồi không chỉ riêng bạn mà ai cũng sẽ không ưa chồng bạn. Và rồi, trong khi bạn cảm thấy mình đang phải sống với người đàn ông tệ nhất thế giới. Anh ấy sẽ nghĩ nếu cô ấy khăng khăng như thế rồi thì mình chẳng cần thiết phải thay đổi.

Bạn nên khéo léo lôi anh ấy vào việc gia đình (Ảnh minh họa).

Trong trường hợp này, bạn nên giữ thể diện cho chồng. Vì sao bạn không cố tìm ra ưu điểm của anh ấy thay vì nhai đi nhai lại những khuyết điểm nhỏ nhặt? Điều ấy chỉ khiến hình ảnh chồng trong mắt bạn trở nên xấu hơn mà thôi.

Để "trị" một người chồng lười không khó. Bạn đừng ngần ngại nói ra cảm giác của bạn. Tuy nhiên, thái độ và thời điểm rất quan trọng. Đừng nói khi anh ấy vừa về nhà hay vội đi cho kịp giờ làm. Hãy góp ý nhẹ nhàng và nhờ anh ấy giúp khi cần thiết.

Những ngày đầu có thể ông xã sẽ lúng túng và còn e ngại, bạn hãy dịu dàng khen thưởng bằng những lời nói, cử chỉ ngọt ngào để chồng bạn hiểu rằng bạn rất cảm kích khi anh giúp bạn và từ đó ông xã có thêm động lực vươn lên.
 
Và dù chồng nghiện công việc thì người vợ cũng cần thẳng thắn mà nói chuyện, trao đổi tâm tư, suy nghĩ của mình.
 
Người vợ có thể đưa ra một số điều khoản mà chồng nhất định phải tuân thủ: Dù bận công việc đến đâu, mỗi tuần phải dành thời gian về ăn cơm với gia đình một bữa, mỗi tháng phải đưa vợ con đi chơi một lần.
 
Vừa khéo léo, vừa kiên trì, bạn sẽ giúp chồng mình chia sẻ những gánh nặng mà bạn đang đeo mang. Và khi hai vợ chồng cùng đồng tâm hiệp lực thì mọi thứ có thể trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Thời đại công nghệ thông tin, rồi tính cách độc lập của mỗi người làm cho gia đình trở nên “công nghiệp” hơn. Kể cả khi hai bạn quá bận rộn, bạn cũng nên tận dụng thời gian rảnh để trò chuyện cùng nhau. Có rất nhiều mẹo nhỏ dành cho bạn. Sắp đến kỉ niệm ngày cưới, bạn hãy vui vẻ nhẹ nhàng gợi ý với anh ấy cả nhà sẽ cùng ra ngoài ăn tối một bữa ấm cúng. 

Một trong những bí quyết quan trọng để duy trì quan hệ  hôn nhân là thể hiện sự quan tâm, duy trì niềm say mê và lòng nhiệt tình đối với người bạn đời. Bất cứ cử chỉ thể hiện săn sóc nào cũng có thể làm tăng cảm giác yên bình, ấm cúng trong gia đình.

Hãy biết cách dành tặng anh ấy những câu khen ngợi đúng lúc
(Ảnh minh họa).

Chỉ cần một ánh mắt trìu mến, một cái chạm má trước khi đi làm, một cái nắm tay trước khi đi ngủ, một cái ôm bất ngờ từ phía sau... cũng đủ khơi gợi những cảm xúc yêu thương. Quan tâm, đó không chỉ là bó hoa hay món quà nho nhỏ được tặng, đôi khi đơn giản chỉ là một cái nhìn.

Một trong những điều kỳ diệu của tình yêu là nghe được ý nghĩ và mơ ước sâu thẳm của nhau. Nhưng thật là không công bằng nếu lúc nào bạn cũng chờ đợi người bạn đời của mình phải hiểu thấu những suy nghĩ trong tâm can bạn.

Hãy nói với người ấy bạn cần gì, sự thẳng thắn đó là dấu hiệu đáng quý trong tình yêu và là chất keo gắn vĩnh cửu. Đừng bỏ quên sự quan tâm và không nên tiết kiệm lời khen. Trong cuộc sống gia đình, đừng nên tự biến mình thành kẻ hà tiện với những lời khen ngợi. Sự động viên lẫn nhau là sức mạnh để vượt lên mọi sóng gió cuộc đời.

Bản chất của tình yêu là cho và nhận. Tình yêu thực sự đòi hỏi bạn phải gác lại yêu cầu cá nhân. Trong hôn nhân, cái “tôi” ích kỷ phải nhường chỗ cho cái “chúng ta”. Khi mà cái “chúng ta” càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn, đừng để cái “tôi” lấn át cái “chúng ta”, có như vậy ngọn lửa tình yêu mới không tắt lịm trong căn nhà bạn.

Đừng đánh mất những nụ cười và cái nhìn hài hước. Nụ cười, sự hài hước không phải chỉ dành cho lúc yêu nhau. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và đáng yêu hơn nhiều nếu như biết cách làm cho tình yêu nảy nở những nụ cười sảng khoái. Hôn nhân không nên là mốc chấm dứt những ngày tháng hẹn hò. Hãy biến cuộc sống vợ chồng thành những chuỗi ngày tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.

Hạn chế sự can thiệp của công việc vào đời sống riêng càng ít càng tốt, tránh nói chuyện công sở ở nhà. Một bữa tối đầy đủ thân mật sẽ giống như thứ “nước ép hoa quả” bổ sung vitamin cho đời sống vợ chồng. Nên thu xếp công việc khoa học để có thể về nhà sớm quây quần cùng các thành viên trong bữa cơm gia đình.

Kết hôn không phải chỉ cho hiện tại mà còn tính đến cả tương lai, tương lai ấy được tạo dựng nên từ hai con người. 
Chia sẻ