Con chung - con riêng

TH,
Chia sẻ

Nhiều chị em khi quyết định tái hôn sẽ phải đối mặt với cảnh “con anh, con em”, đây chính là rào cản lớn mà cũng là khó khăn nhất cho cuộc sống mới này

Một cuộc hôn nhân thất bại sẽ để lại những dấu ấn nặng nề trong tâm trí nên việc đi tiếp một bước nửa quả là một quyết định hết sức khó khăn. Thêm vào đó, hầu hết những người tái hôn thường không còn ở trong trạng thái “1 mình” mà có thêm một hay hai đứa con là kết quả của cuộc hôn nhân trước. Bởi vậy, vấn đề quan trọng lúc này không chỉ là chuyện hai người có thực sự yêu thương nhau hay không, mà còn phải có kỹ năng sống để cư xử khéo léo khi mình được gọi là “dì” hoặc “dượng”.

Cách đây hai năm, Hương ly dị với chồng - 1 con sâu rượu suốt ngày lè nhè làm khổ hai mẹ con chị. Vốn trẻ đẹp và ăn nói có duyên nên thời gian sau đó, rất nhiều người đàn ông cũng trong  hoàn cảnh “gà trống nuôi con” tìm đến với chị, nhưng chị vẫn chưa thực sự ưng ai. Sự xuất hiện của  Hoàng như đánh thức những gì tưởng như đã lụi tàn nơi chị. Hương quyết định đi tiếp bước nữa sau khi đã tìm hiểu kỹ Hoàng là người không ham cờ bạc, rượu chè và Trang con của anh cũng chỉ hơn bé Ngọc con gái chị ba tuổi.

Ngỡ tưởng hai người thật lòng yêu nhau và hai con trạc tuổi thì sẽ “êm cửa êm nhà” nhưng mọi chuyện  không đơn giản như Hương suy nghĩ. Khác với bé Ngọc, Trang tỏ ra là một người chị sành sỏi, khôn trước tuổi và rất hay bắt nạt em. Nhiều lần lặng lẽ quan sát cách cư xử của con gái chồng, Hương đã nhận ra được những tính xấu của Trang và lẳng lặng tìm biện pháp giáo dục con cho thích hợp. Những khi hai chị em tranh giành đồ chơi hay to tiếng với nhau, chị đều nhẹ nhàng khuyên giải và phạt con mình trước để tránh tiếng “dì ghẻ” và cũng hy vọng Trang sẽ biết ân hận và nhận ra khuyết điểm của mình. Kết cục mọi chuyện đều đi ngược lại với những mong đợi của chị. Tưởng chị không dám làm gì mình, bé Trang càng ngày càng lấn tới và tỏ ra hư hơn ngày trước. Trong khi đó, anh Hoàng luôn đi công tác xa nhà nên chẳng thể giúp gì được chị trong chuyện dạy bảo con cái. Mỗi khi chị nhắc nhở, Trang lại vùng vằng “Dì cứ mặc kệ con. Dì đi lo cho con của dì ấy”.
 
Cách đây ít lâu, Trang đi chơi cùng chúng bạn cả ngày không xin phép làm cho chị lo lắng gọi điện đi tìm cả buổi. Vậy mà khi về đến nhà, Trang còn không chịu nhận lỗi và cãi lại chị. Bực mình, chị tát cho nó một cái, vậy là nó làm bù lu bù loa, gọi điện cho bà nội, cho bố…làm chị bị mẹ chồng đay nghiến “cô ác lắm, trẻ con có biết gì đâu mà cô đánh nó. Thật là, dì ghẻ thì một ruộc như nhau cả”.

Trường hợp như chị Hương điển hình cho nhiều cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” phải đối mặt với cảnh “Con anh, con em” khi xây dựng hạnh phúc mới. Đây là rào cản lớn nhất, tế nhị nhất mà cũng là khó khăn nhất cho cuộc sống chung. Bước vào cuộc hôn nhân mới với những người đã từng đổ vỡ thật chẳng dễ dàng.

Hoàn cảnh gia đình chị Lan còn khó xử hơn. Khó xử là bởi chồng và các con của chồng đều nhuốm màu phân biệt đối xử với hai mẹ con chị. Khi các con tị nạnh nhau làm việc nhà, anh Kiên luôn miệng nói “em nhắc con em đi, để anh nhắc hai đứa nhà anh”  chị vừa bực lại vừa buồn cười. Không biết có phải lây tính của bố hay không mà hai con của anh động một chút là mách: con của dì thế nọ, con của dì thế kia…hay “khi trước mẹ con không làm như dì, không nói như dì…” làm Lan thấy ức chế và khó chịu.

Việc đi tìm một nửa còn lại của mình sau những gãy đổ là điều phù hợp với quy luật, dẫu rằng hành trình ấy chẳng hề dễ dàng. Phải thấy rằng, trong đời sống vợ chồng, dù là tình yêu thuở ban đầu hay “rá rổ” cạp lại, bản chất chung của hạnh phúc gia đình vẫn chính là sự cảm thông, chia sẻ, là sự “cho đi” để “nhận lại” thật nhiều. Dù đơn giản nhưng đòi hỏi nỗ lực và cả sự hi sinh của người trong cuộc.

 Theo các chuyên gia tâm lý, việc gạt bỏ cái tôi ích kỷ để thực sự yêu thương, chia sẻ, bù đắp cho nhau là “liều thuốc” hữu hiệu tránh mọi sự xung đột. Chính sự hy sinh, dẹp bỏ những toan tính, ích kỷ tầm thường sẽ là cầu nối giúp cho hạnh phúc mãi được bền lâu.

 TH

Chia sẻ