Chồng như khách trọ trong nhà

Thùy Liên,
Chia sẻ

Có những ông chồng luôn coi trọng công việc, bạn bè và các mối quan hệ ngoài xã hội hơn cả gia đình, làm các bà vợ phải ngao ngán đặt tên cho chồng là “khách trọ trong nhà”.

Chị Tâm (Đống Đa, Hà Nội) lấy chồng được gần 7 năm, anh Long (chồng chị) là một cán bộ có chức có quyền trong một cơ quan nhà nước. Anh chị có hai đứa con, một trai một gái kháu khỉnh, kinh tế gia đình khá giả, sung túc. Nhìn vào gia đình anh chị, ai cũng thầm ngưỡng mộ. Thế nhưng chỉ chị Tâm mới thấu hiểu nỗi khổ khi có chồng là con người của công việc và các mối quan hệ xã hội còn gia đình chỉ là thứ yếu. 

Chị Tâm than ngắn thở dài khi kể về chồng mình: “Chồng tôi chẳng khác gì khách trọ cao cấp trong nhà. Anh đi từ sáng sớm đến tối đêm mới về. Những bữa cơm có mặt anh ấy rất ít, dù ở cùng nhà nhưng có khi cả tuần bọn trẻ chẳng được gặp bố. Hôm nào anh ăn cơm ở nhà thì bữa cơm cũng lẳng lặng diễn ra nhanh chóng, chẳng ai nói với ai câu nào. Bọn trẻ thì sợ bộ mặt nghiêm nghị của bố, chúng ít tiếp xúc với bố nên cũng không mấy tình cảm với bố như những đứa trẻ khác. Còn chồng tôi ăn xong thì cũng đứng dậy đi về phòng làm việc, đó là thế giới riêng của anh ấy trong cái nhà này”. 

Vì các mối quan hệ xã hội nên ngày nghỉ anh Long cũng chẳng bao giờ có mặt ở nhà. Chị Tâm cho biết mới đầu cũng rất khó chịu chuyện này, chị hỏi thì anh nói đi chuyện công việc với thái độ cáu gắt. Dần dần chị Tâm cũng quen với việc “người khách trọ” chỉ về nhà để tắm giặt và ngủ nghỉ nên cũng mặc kệ anh. Chị Tâm chia sẻ: “Nói là mặc kệ anh ấy nhưng đôi khi tôi cũng nghĩ hay anh có vợ bé ở bên ngoài mà dửng dưng gia đình đến thế. Nhưng tôi chẳng có cách nào để làm sáng tỏ chuyện này cả. Tự mình theo dõi chồng thì không làm được rồi, còn thuê người theo dõi thì chỉ sợ mọi chuyện vỡ lở ra xấu chàng hổ ai, mà có khi còn ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh ấy nữa”. 

Chị Tâm đã quá quen với việc chồng chỉ coi gia đình là nhà trọ, chị còn tếu táo kể: “Có lần tôi bị ốm, phải hai ngày sau anh ấy mới biết tôi ốm. Lúc đó tôi cũng tủi thân lắm, chợt nghĩ nếu mình mà ốm nặng và có chết trong nhà chắc chồng sẽ là người cuối cùng biết. Tôi ốm mà không được một lời hỏi thăm của chồng chứ đừng nói chăm sóc, anh đi đến đêm mới về, lại vào phòng làm việc đến gần sáng mới đi ngủ thì làm sao biết vợ ốm”. Tuy rằng chị tếu táo đùa vui nhưng trong ánh mắt người phụ nữ  này vẫn có nét u buồn cam chịu. Chị cũng cho rằng kinh tế khá giả mới có thể cho con cái một tương lai đầy đủ vững chắc, nhưng chị ước giá như gia đình nghèo đi một chút để có được một người chồng, người cha đúng nghĩa thì tốt biết bao.

Chồng như khách trọ trong nhà 1
Chỉ chị Tâm mới thấu hiểu nỗi khổ khi có chồng là con người của công việc và các mối quan hệ xã hội còn gia đình chỉ là thứ yếu (Ảnh minh họa).

Cũng có chồng là khách trọ trong nhà, Hòa (Long Biên, Hà Nội) thực sự hẫng hụt ngay từ khi mới lấy chồng. Cuộc sống vợ chồng son không như Hòa mong mỏi, cô chán nản kể: “Lấy nhau rồi mới biết mình không phải lấy chồng mà chỉ tìm cho mình người ‘bạn cùng phòng’ để chia sẻ tiền sinh hoạt”. 

Mạnh (chồng Hòa) đúng là mẫu người “bạn cùng phòng” sòng phẳng. Tiền phí sinh hoạt hàng tháng của hai vợ chồng, Mạnh luôn muốn vợ rạch ròi tính toán và chia đôi ra. “Mỗi tháng chồng mình sẽ nộp một nửa chi phí cho gia đình là hết nhiệm vụ, còn lại mặc kệ vợ xoay sở. Cũng giống như những người khách trọ khác, anh ấy chẳng quan tâm đến mọi chuyện trong nhà. Mình là chủ nhà nên mình phải lo hết từ A đến Z, việc nhà chẳng bao giờ anh động chân tay vào, có nhờ thì cũng ậm ừ rồi bỏ đấy. Ai đời có ông chồng khỏe mạnh mà từ việc nhỏ như thay cái bóng đèn mình cũng phải gọi đứa em trai sang thay giúp. Những khi hỏng hóc cái gì đó thì cũng tự mình đi nhờ người hay gọi thợ về mà sửa, chứ không phải việc của anh ấy” – Hòa chia sẻ. 

Đã vậy, chồng Hòa còn rất thích la cà tụ tập với bạn bè sau giờ làm, mà anh có tật xấu là không bao giờ gọi điện báo cho vợ biết mình sẽ về muộn. Vợ có gọi thì anh cũng chỉ nghe máy một lần, những lần sau thì làm ngơ luôn. “Hồi mới cưới, mình rất chăm nấu những món ngon rồi ngồi chờ chồng về cùng ăn cơm, nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu. Gọi điện thì anh nói đang nhậu với bạn rồi, mình cứ ăn cơm đi. Đến là chán. Đến đêm chẳng thấy chồng về, mình lo lắng gọi điện thì không bao giờ anh ấy nghe máy. Đã thế, lúc về còn càu nhàu mắng mình là kiểm soát chồng, làm mất tự do cá nhân của anh ấy chứ” – Hòa vẫn còn ấm ức khi nghĩ lại những ngày mới cưới

Mạnh vẫn duy trì thói quen sống như khách trọ trong nhà ngay cả khi vợ anh mang thai rồi sinh con. Khi Hòa bụng bầu vượt mặt, anh cũng chẳng hề có ý định chia sẻ việc nhà với vợ vì đó không phải việc của anh. Rồi khi Hòa sinh con, Mạnh cũng chỉ chơi đùa với con một lúc còn mặc kệ khi con khóc hay con nghịch, anh coi đó là trách nhiệm của vợ. Anh chỉ có trách nhiệm chia sẻ tiền phí sinh hoạt hàng tháng với vợ mà thôi. “Ngày nghỉ, cấm bao giờ anh ấy đưa mẹ con mình đi chơi. Nhà mình cứ ai có chân người ấy tự đi. Anh ấy đi tụ tập bạn bè hay đi đâu thì mình không rõ, còn mình lại đưa con về nhà ngoại chơi, hoặc thỉnh thoảng đưa con đi siêu thị hoặc công viên. Mà cũng lạ, chẳng bao giờ chồng mình chủ động mua quần áo hay đồ chơi gì đó cho con, với anh ấy thì tất cả trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình gói gọn trong tiền phí sinh hoạt đóng góp cho mình hàng tháng rồi” – người vợ trẻ chua chát khi nói về cuộc sống với “bạn cùng phòng”. 

Hòa cũng cho biết hai năm sống với chồng mà cô có cảm giác mình là mẹ đơn thân vậy, chồng chẳng hề quan tâm giúp đỡ cô việc chăm sóc gia đình con cái. Cô thực sự chán nản cuộc sống khách trọ của chồng lắm rồi, cô cũng không biết mình có thể duy trì cuộc hôn nhân này đến lúc nào nữa.
Chia sẻ