Chồng mê cá độ

,
Chia sẻ

Đến mùa World Cup, nhiều bà vợ lại là nạn nhân của những ông chồng đam mê cá độ bóng đá. Nhẹ thì lương không nộp về tài khoản, nặng thì kéo cả nhà thành con nợ.

Mất tiền đã đành, nỗi đam mê còn chiếm hết cả thời gian chăm sóc vợ con. Thay vào đó là đi nhậu, đọc báo, thức đêm, ngủ ngày. Không hiếm trường hợp vì quá cay cú mất tiền mà bực mình, đánh vợ, chửi con vô cớ.

Minh họa: NGUYỄN TÀI
Từ sự thỏa hiệp...
 
Chị Nguyễn Cẩm Lệ (Thủ Đức – TPHCM) kể: “Chúng tôi cưới đúng dịp World Cup 2002. Khi thấy anh cá độ, tôi cứ nghĩ anh chỉ giải trí, coi như làm mấy chầu bia nhậu với bạn bè. Không ngờ, một hôm, anh đem về chiếc Super Dream mới, bảo là mua bằng tiền thắng độ. Tôi không vui nhưng đang muốn đổi chiếc Cub 81 nên cũng nhận chiếc xe mới. Sau này tôi mới biết, anh thắng liên tục gần chục trận, sau khi ăn nhậu nhiều chầu cũng còn dư gần 20 triệu đồng.
 
Tôi tưởng sau mùa bóng đá thì anh cũng bỏ qua trò chơi đỏ đen này. Nhưng tôi đã lầm. Hết World Cup chỉ được vài tháng, anh lao vào cá cược các giải vô địch châu Âu. Hôm nào thua thì mặt mày ủ rũ, tôi không dám hỏi tới vì hỏi tới là bị nghe những câu cáu gắt. Hôm nào thắng thì hớn hở đưa tiền để tôi mua sắm nhiều thứ.
 
Nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi dò thì mới biết, mỗi trận, anh cá từ năm trăm ngàn đến vài ba triệu đồng, tùy theo trận hay, dở. Nhóm cá độ mà anh tham gia gồm mấy hạng, hạng “nghiệp dư” thì bắt ít, chủ yếu mang tính “văn nghệ”; nhóm “chuyên nghiệp” thì có tổ chức hẳn hoi. Mê cá độ, cuối tuần anh gần như chỉ “nghiên cứu” các báo về bóng đá. Tôi sợ anh lún sâu nên ra sức can ngăn. Mới đầu anh còn bảo “chơi cho vui” nhưng sau thấy tôi làm căng, anh cũng “quạt” lại: “Anh không cá độ lấy tiền đâu đổi xe cho em?”. Thế là tôi há miệng mắc quai”.
 
Chiều chồng lại là một nguyên nhân khác khiến các cô vợ bị chồng làm khổ vì cá độ. Chị Phan Thị Thủy (Cai Lậy – Tiền Giang) là một ví dụ. “Bọn tôi lấy nhau được hai năm thì đến kỳ World Cup. Anh nói tháng này nhà có lứa heo xuất chuồng nên anh không đưa lương về mà để vui vẻ cùng bạn bè đi nhậu xem bóng đá. Cũng muốn chiều chồng nên tôi đồng ý.
 
Thậm chí, những đêm anh xem bóng đá muộn, tôi còn nấu cháo gà cho anh ăn. Ai ngờ, anh quá đam mê, cược cả với mấy người trên thành phố. Không những anh xài hết tiền lương mà đến tiền bán heo anh cũng “nướng” luôn. Khi tôi khóc thì anh nổi khùng, vác gậy đuổi đánh, tôi phải sang nhà chị gái tạm lánh mấy hôm” - chị Thủy nhớ lại.
 
Ly dị để thoát nợ
 
Theo chị Lệ, chồng mê cá độ bóng đá, chị bị mất mát nhiều thứ, không chỉ là tiền bạc. Vì mê ăn thua cá độ, chồng chị thường căng thẳng, cáu gắt, không còn quan tâm đến việc nhà. Vợ chồng cũng ít có dịp tâm sự bởi tâm trạng anh thường không vui. Quan hệ giữa chị và gia đình chồng cũng bị ảnh hưởng bởi ba mẹ chồng cho là chị không “quản” được chồng...
 
“Chồng tôi cá độ thường thua nhiều hơn thắng. Mà có thắng cũng bù khú nhậu nhẹt, có khi còn đi “bia ôm”. Tiền anh đi làm (anh là kỹ sư ở một nhà máy lớn) mấy tháng chẳng đưa. Chi xài trong gia đình phần lớn do tôi xoay xở. Mùa Euro năm 2008, anh nợ hơn 60 triệu đồng, tôi phải vay mượn bạn bè, nói dối là đầu tư làm ăn nhưng thực chất là để trả nợ. Nhưng rồi anh chỉ “xả hơi” có vài tháng, rồi đâu lại vào đấy.
 
Đến trận chung kết cúp C1 vừa rồi, anh bắt mấy “kèo”, nợ đến hơn 200 triệu đồng. Tôi thực sự không biết làm sao bây giờ. Chạy đâu ra được nhiều tiền như thế. Mà có chạy được thì anh cũng chẳng thể thay đổi. Tình cảm vợ chồng lâu nay cũng rạn nứt nhiều do những cuộc cãi vã vì cá độ. Tôi đành làm đơn ly hôn để thoát thân” - chị Lệ nói.
 
Còn chị Thủy cũng vừa được tòa án cho ly hôn vì nhận thấy anh chị không thể hàn gắn được tình cảm. Chị ra đi tay trắng vì nhà đã gán nợ khi anh cá độ. Chị Thủy nhớ lại: “Năm 2006, anh thua đến 45 triệu đồng. Anh về đòi bán ruộng trả nợ và chơi tiếp để gỡ lại. Vì không đồng ý nên anh đánh tôi một trận tơi bời. Tôi bỏ về nhà bố mẹ.
 
Anh sang năn nỉ, tôi cũng hy vọng anh thay đổi nên đồng ý về. Nhưng khi vừa bán ruộng trả nợ xong, anh lại tiếp tục lao vào cá độ và thường xuyên đánh tôi mỗi khi thua độ. Anh bỏ cả công việc để “tập trung vào chuyên môn”, nói thế nào anh cũng không chịu đi làm lại. Đến năm ngoái, đánh trận nào đó thua đến hơn 100 triệu đồng, anh mang cả giấy tờ nhà lên thành phố cầm. Tôi chịu không thấu nữa, đành làm đơn ly dị”.
 
Theo Người lao động
Chia sẻ