“Chồng” có nghĩa là “lười”?

,
Chia sẻ

Chồng lười hiện đang là nỗi đau đầu của rất nhiều bà vợ. Chỉ cần ai đó khơi mào là lập tức có nhiều người đáp ứng, cảm thông và chia sẻ cảnh ngộ.

Sau ngày cưới:

“Chồng em đi làm về là ngồi xem TV, đến bữa ăn xong xem TV tiếp cho đến khi đi ngủ. Hồi đầu mới cưới còn mắc màn. Bây giờ em mới phát hiện ra là màn cũng chuyển cho vợ mắc từ khi nào. (Lan, mới lấy chồng 5 tháng)”
 
Vợ có bầu:

Chồng em, em đang nghén nên thèm phở, nhờ chồng chở đi ăn. Chồng bảo: “Thôi hay uống sữa cho khỏe, đỡ phải đi”.

Cuộc sống gia đình:

“Chồng em chưa bao giờ phải thức đêm trông con, khi con khỏe cũng như con ốm. Con ốm thì mẹ tự trông. Bố lăn quay ra ngủ. Con em 3 tháng đầu khóc như ma làm cả đêm vậy.... mẹ cứ bế sà sã. Ru mãi nó mới ngủ, chồng về, bật vô tuyến tướng lên, con lại thức. Con khóc, mẹ lại phải dỗ lại - mẹ cáu, thế là cãi nhau....

Có hôm con ốm, đưa con đi bệnh viện, bố say lắc lư vì vừa đi chơi về, đưa vợ vào viện là ra ghế lăn quay ra ngủ, vợ tự lóc cóc đưa con đi khám, rồi làm mọi thủ tục. Vợ bảo, thôi anh đi về đi. Chồng bảo : Thật chứ?? em không cáu chứ? - rồi về luôn, để vợ ở lại viện cả đêm 1 mình.” (Nikita24480)
 
“Chồng em thì ôi thôi, đúng là mỗi 3 việc: ăn (có nhiều hôm còn chẳng ăn), ngủ (đúng là cứ thích ngủ những lúc em đang cong hết cả mông mà chẳng xong việc ) và ngồi máy tính (yêu máy tính hơn yêu vợ ).
 
Nhiều hôm vợ nhờ (nhờ hẳn hoi) cho một nàng đi đánh răng và cho một nàng ngủ nhưng mà cũng thỉnh thoảng mới thực hiện thôi, buồn ngủ thì cứ gọi là con ru bố.
 
Cũng đã nhiều lần ngọt nhạt có cả, góp ý, phê bình hẳn hoi, nhưng cũng chỉ được vài bữa lại quay về quỹ đạo cũ.” (Yến Linh )
 
Hết nỗi này đến niềm khác được dịp tuôn trào, tựu chung lại là các ông chồng ít chịu làm việc nhà. Và các bà vợ vừa vất vả, vừa cảm thấy mình không được chia sẻ - có lẽ đây mới là điều khiến vợ bức xúc nhiều nhất.
 
“Thực sự việc nhà thì cũng chẳng quá nhiều hay vất vả đến mức không chịu được, có điều bị ức chế khi chứng kiến chồng mình quá lười. Khi khỏe thì ko sao, hôm nào mà bị ốm nhưng vẫn làm đủ mọi việc, hoặc khi công việc bận rộn mình nhiều thấy cuộc đời mình sao mà bi đát thế. Ngày đi làm, tối về cắm mặt vào bếp núc, con cái...giận chồng, chán cả mình.
 
Đấy là còn chưa kể những nghĩa vụ phải thực hiện với gia đình chồng, giỗ chạp, khách khứa. Nấu ăn xong, dọn cơm ra, trong lúc vợ phải cho con ăn thì cả nhà ngồi ăn. Vợ ăn vào cuối bữa, càng tủi thân khi chỉ còn lại một mình với mâm cơm bề bộn.” (Thobong)

Các ông chồng thường sợ và tìm cách tránh né sự than vãn của vợ bằng cách phổ biến là “lờ”. Kết quả là vợ càng ngày càng thấy chán nản hơn vì vừa không được đỡ đần, vừa không được lắng nghe.

Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số bà vợ tìm ra giải pháp tích cực là suy nghĩ và thông cảm cho cái sự lười của chồng một cách rất chín chắn.

“Em suy nghĩ kỹ rồi, có nhiều người đàn ông họ cần thời gian để làm quen và yêu thích chính đứa con của họ. Có thể họ chưa chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận nó trong cuộc đời họ. Cũng có thể họ cần thêm cơ hội để làm quen và yêu con của mình hơn. Không như mình mang thai con 9 tháng trong bụng, nên mình có cơ hội trải nghiệm hơn về đứa con mình sắp có. Đàn ông chỉ được làm quen với con khi nó ra đời.Khi nào con lớn hơn, biết nói, biết chơi với bố rồi, em nghĩ tình hình sẽ cải thiện” (Nikita24480)
 
Hoặc đơn giản chỉ là xử sự rất đàn bà, than một chút cho nhẹ lòng thôi, chứ vẫn yêu chồng lắm.
 
“Mỗi khi giận chồng mình toàn phải nhớ đến thời điểm mổ đẻ để tự an ủi. Hồi đó chồng rất chăm nhé, chăm vợ, chăm con, cho con, cho vợ ăn nhưng khi đã vợ đã về nhà, đứng lên đi lại được rồi là thôi, chả thấy động tay động chân gì cả, chán thế! Ghét, nhiều lúc thấy yêu chồng nhất nhưng nhiều lúc cũng thấy ghét chồng nhất” (Yến Linh )
 
Có những người vợ chọn cách trao đổi thẳng thắn.
 
“Đàn bà chúng tôi chỉ thấy hạnh phúc khi chúng tôi phục vụ và chồng chúng tôi biết quan tâm và chia sẻ thôi ạ. Các bác giai không tự thấy được việc quan tâm đến vợ con là 1 hạnh phúc sao?” (FatFox)
 
“Mình là phụ nữ, mình yếu đuối và mỏng manh , mình cần được bảo bọc giúp đỡ. Đó là những điều mình luôn nhắc ông xã nhớ. Có tham gia vào việc nhà, ông ấy mới thấu hiểu tâm trạng của chị em, mới thấy thương, thấy tôn trọng những việc vợ đã làm.” (Kiki)
 
Và họ cũng có những cách xử sự rất đàng hoàng nhưng không hề kém phần khéo léo đối với những ông chồng vô tư.
 
“Phải tìm cách lôi kéo lão í chia sẻ bớt việc cho mình. Lúc đầu thì tại cái dây phơi quần áo nó cao nên em không phơi được quần áo, anh làm giúp em với. Sau dần dần là việc của lão là phơi và rút quần áo.
 
Rồi anh trông con hộ em một lúc để em với mẹ đi chợ (hoặc đi đâu đó). Ông í bắt buộc phải trông con rồi, nhưng trước khi lượn đi thì sắp xếp đầy đủ để lão í ko thấy việc trông con vất vả lắm, chứ thấy vất thì sợ chạy mất dép.
 
Dần dần như vậy, lão chồng em cũng biết làm một số việc hộ vợ, ít thôi nhưng em cũng thấy thoải mái rồi. Lão nhà em còn biết tắm cho con, cho con ăn nữa, vợ yên tâm đi làm về muộn” (Fatfox )
 
“Phải cố tạo cơ hội cho chồng chăm sóc con hơn, dạo này em cũng thỉnh thoảng nhờ chồng trông con cho em đi chợ, đi gội đầu. Hay nhờ chồng tắm cho con, dạy con chữ, chơi với con. Hihihi Trộm vía dạo này em thấy tình hình bố con có vẻ giao lưu khá hơn. Mỗi khi chồng em làm được 1 việc gì đó cho con, em cổ vũ hết lời, lão nghe chừng có vẻ sướng và tự hào ra mặt là ta cũng biết chăm con, khi đi ra ngoài chơi với bạn lão em cũng luôn khen lão là good dad....thấy lão vui ra phết..... (Nikita24480)
  
Họ cùng chia sẻ những bí kíp 
 
Nguyên tắc căn bản
 
“Rõ ràng là ông ấy lười, và vì thế cần phải được "cải tạo lao động". Nhà mình thì phân công rõ ràng. Kiểu như: Mẹ tắm em bé gái, trong lúc đó thì bố sẽ pha bình sữa. Mẹ cho em ăn sau khi tắm thì bố tắm con trai lớn.
 
Đàn ông chúa ghét bị sai vặt. Thế nên, nếu muốn chồng chia sẻ việc nhà thì tối kị sai vặt. Tốt nhất là phân công: Anh tưới cây mỗi tuần 2 lần, anh lau nhà mỗi tuần 2 lần, anh giặt quần áo, hay là anh nấu ăn mỗi chiều thứ 6...
 
Đừng bao giờ lấy cái gọi là "thiên chức" ra để vơ vào những công việc mà ai cũng làm được và ai cũng nên làm là việc nhà. Nên làm quen với những cảnh chướng tai gai mắt khi bố nó tham gia làm việc nhà để đừng chê bôi hay ôm đồm "làm cố cho xong".” Kiki.
 
Cốt lõi vấn đề
 
“Nói chung là phải biết ngọt nhạt mà lôi kéo dần dần thôi các bác ạ, ko sốt ruột được đâu, các bác giai vẫn còn yêu các bác gái lắm nên vẫn dụ dỗ được” ( Fatfox)
 
Và một chút “khủng bố” nếu cần
 
“Anh làm gì thì làm nhưng vẫn phải để cho em thấy em cần anh, sống mà ko thấy cần có nhau thì không cần sống chung với nhau, anh muốn đi đâu thì đi. Lão nhà em im thin thít.” (Fatfox)
 
*****
 
Vậy đấy, “lười” là cả một câu chuyện dài và muôn hình muôn vẻ, khóc cười ra nước mắt của những người vợ. Một chút chia sẻ giữa những người phụ nữ hy vọng sẽ giúp được những người vợ trẻ chọn cho mình cách huấn luyện, đào tạo phù hợp với chồng mình.
 
Điều căn bản giúp chị em được thoải mái là hãy chấp nhận các đức ông chồng lười, hãy nghĩ nhiều hơn đến những khía cạnh đáng yêu của họ, đến những gì họ đang đem lại cho vợ và con.
 
Tuy khá vô tâm và vô tư, nhưng sớm hay muộn, các ông chồng sẽ nhận ra và gắn bó với sự chăm chút của vợ, họ sẽ tự thay đổi lúc nào không biết.
 
Sợi lạt mềm mại, dẻo dai nhưng cũng rất chắc chắn vẫn giữ nguyên tác dụng của nó trong thời đại hiện đại ngày nay.
Hương Anh
Tổng hợp từ WTT
Chia sẻ