Cháu bà nội tội bà ngoại

Thanh Hòa,
Chia sẻ

Thương cháu hai đằng nội ngoại không đồng đều là nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn của không ít mẹ chồng và nàng dâu.

Bà thương cháu ngoại hơn cháu nội.

Bà quý tất cả các cháu, song lại thường dành quan tâm ưu ái nhất cho cháu ngoại. Xu hướng này có thể bắt nguồn từ một linh cảm vô thức, bởi ông bà sẽ thiên vị hơn với những đứa cháu chắc chắn có quan hệ huyết thống với mình.

Con gái có bổn phận phải làm dâu nhà người. Các bà xót xa nên rán thương "mẹ con nó" được chút nào hay chút nấy. Nhiều  bậc cha mẹ cảm thương con gái vì biết nó không ở với mình mãi, lớn lên phải vào nhà người ta, có khi phải gánh lấy cả giang san nhà chồng. 

Là những người hay thủ thỉ và gần gũi với mẹ, mặc dù đi lấy chồng, theo chồng rồi, nhưng con gái vẫn hay lui tới thăm viếng mẹ mình. Những đứa cháu ngoại cũng lẵng nhẵng theo sau nên bà có phần thiên vị hơn đối với những đứa cháu ngoại.

Bên cạnh đó, các bà thấy con gái mình yếu ớt quá, bận rộn quá, đáng thương quá nên phải lo cho cháu ngoại nhiều hơn.

Bà Khánh(phường C.V) suốt ngày sợ con gái phải khổ. Bà luôn miệng than thở “chúng nó cực tôi không chịu nổi”. Vậy là khi hai cô con gái sanh, bà bảo về ở với bà đúng 1 năm, vừa nuôi con gái vừa lo cho cả con rễ. Tối nào cũng như tối nấy, bà sợ con gái thức canh cháu không nổi nên bà bế luôn cả con bé về phòng ngủ chung với bà, cho con gái và con rễ ngủ thẳng giấc đến sáng.

Mâu thuẫn nảy sinh.

Thương cháu hai đằng nội ngoại không đồng đều là nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn của không ít mẹ chồng và nàng dâu.

Thời gian khi chưa có con, bà Hà và con dâu(nhà ở Minh Khai) sống khá hòa thuận và cởi mở. Người ngoài nhìn vào đều tấm tắc khen ngợi về tình cảm mẹ chồng nàng dâu êm ấm. Nhưng khi gia đình xuất hiện thêm hai thành viên mới, cu Tí(cháu nội) và nhóc Giấm (cháu ngoại) thì bắt đầu nảy sinh sự rạn nứt.

Mẹ nhóc Giấm đang du học Pháp và bắt buộc phải gửi cháu về nước cho bà ngoại chăm sóc. Vốn là người cẩn trọng nên nhiều lúc bà Hà chăm sóc và lo lắng thái quá cho cô cháu gái mà quên cả cháu nội.

Chị Hạnh(con dâu bà) tâm sự “ Giấm chỉ sốt nhẹ qua loa mà bà cứ cuống hết cả lên. Nửa đêm bắt chồng tôi dậy chở cháu đến bệnh viện Việt Pháp để khám, lại còn thử máu nữa chứ.”

Một khi con gái mang cháu xuống gửi thì các bà đều vồn vã đón cháu. Cưng nựng cháu như cục vàng, nhưng đối với cháu nội thì các bà lại hờ hững và thiếu quan tâm.

Chị Minh(Đống Đa) nghẹn ngào “Mẹ chồng tôi có hai cô con gái, khi các cô sinh con  thì mẹ tôi đến tận nơi chăm sóc cho con và cháu đủ một năm, nhưng khi tôi sinh cháu, nhờ bà ở nhà chăm bẵm thì bà lại lắc đầu “ Con chị thì chị đi mà nuôi. Tôi không nuôi được”.

Theo suy nghĩ của nhiều bà mẹ chồng, con dâu bắt buộc phải đảm đang, phải có bổn phận và trách nhiệm gánh vác mọi việc mà không kêu than. Hơn nữa, phải "vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con", con nó có làm sao thì..... "tại mẹ nó". Còn đối với con gái thì lại khác, bà thấy con gái đáng thương vì phải làm dâu người ta.

Sự thiếu công bằng khiến cho các mối quan hệ trong gia đình trở nên căng thẳng. Vẫn biết tình cảm giữa mẹ và con gái rất bền chặt nhưng một khi đã trở thành dâu con trong nhà thì các nàng dâu cũng cần có sự yêu thương và chia sẻ. Những đứa cháu bé bỏng đều cần sự quan tâm và chăm sóc đồng đều của cả hai đằng nội ngoại để được phát triển hoàn thiện nhất.
 
 
 
TH

 

Chia sẻ