Chao chát với mẹ chồng

,
Chia sẻ

Cho rằng mẹ chồng đang “lên lớp” mình, Nhung tức tối thốt lên: “Mẹ thì lúc nào cũng chỉ bênh con trai mẹ thôi. Còn con, khác máu tanh lòng thì làm sao dám mong mẹ thương, mẹ xót".

Các cụ dạy rồi: “Chồng giận thì vợ bớt lời”, thằng Hưng nó nóng tính nên con phải lựa tính nó mà sống. Lúc nó bực bội, to tiếng, con nên im lặng hoặc tránh đi chỗ khác, đợi khi nó bình tĩnh thì nhỏ nhẹ phân tích cho nó hiểu ra. Trong quan hệ vợ chồng, sự hiếu thắng, cố chấp sẽ dẫn tới những lời lẽ, hành động thiếu kiềm chế, gây tổn thương cho nhau, ảnh hưởng xấu tới tình cảm đôi lứa...”.

Bà Hòa chưa dứt lời, Nhung đã gay gắt phản ứng: “Anh ấy la cà nhậu nhẹt với bạn bè tận khuya mới về, thậm chí còn đi qua đêm thì chẳng sao, vậy mà con bận công việc cơ quan về muộn một chút thì ghen tuông bóng gió, mắng chửi con ham chơi, thiếu trách nhiệm với chồng con. Đàn ông gì mà nhỏ nhen, ích kỉ. Sao anh ta không thử đặt mình vào vị trí của con xem”.
 

Biết là Nhung còn đang bức xúc, bà Hòa tế nhị xoa dịu: “Con ạ, phụ nữ vốn được coi là người giữ lửa trong nhà, để gia đình êm ấm thì đôi khi họ phải nhận về mình những thiệt thòi. Đàn ông đa số đều vô tâm, nhưng là người vợ cần phải khéo léo tìm ra biện pháp hữu hiệu cảm hoá chồng. Tối kị nhất là mỗi lần giận dỗi lại đem chuyện li hôn ra dọa dẫm, thách thức và “vạch áo cho người xem lưng” . Kinh nghiệm hơn 30 năm làm dâu của bản thân mẹ đúc rút ra rằng một điều nhịn thì chín điều lành. Không thể coi thường những cãi vã, hiểu lầm bởi vì “góp gió thành bão” sẽ khiến tổ ấm bị lung lay, con ạ”.

Cho rằng mẹ chồng đang “lên lớp” mình, Nhung tức tối thốt lên: “Mẹ thì lúc nào cũng chỉ bênh con trai mẹ thôi. Còn con, khác máu tanh lòng thì làm sao dám mong mẹ thương, mẹ xót. Lúc anh ấy giận dữ trút xuống đầu con những lời tục tĩu, khó nghe sao mẹ không mắng anh ấy đi. Con 30 tuổi đầu rồi, chẳng cần ai phải dạy dỗ cách đối nhân xử thế. Mẹ đừng nghĩ là con dọa, nếu thực sự anh Hưng cảm thấy sống với con gò bó, căng thẳng thì đường ai nấy đi cho rảnh nợ. Anh ta nào có giỏi giang, thành đạt gì mà con phải níu kéo, qụy lụy. Cứ thử xem không có anh ta con có sống nổi không...”.

Dù có cảm giác bị xúc phạm, bà Hòa vẫn cố tỏ ra điềm tĩnh phân tích cho Nhung hiểu bà không phủ nhận là Hưng cũng có chỗ sai nhưng nếu bà lên tiếng ngay lúc đó thì khác nào “lửa đổ thêm dầu”, để khi chỉ có hai mẹ con ngồi nói chuyện bà sẽ góp ý cho Hưng rút kinh nghiệm.

Điều bà mong mỏi nhất là vợ chồng Nhung biết thông cảm, tôn trọng, sống với nhau hoà hợp, hạnh phúc. Thấy Nhung vẫn mặt nặng mày nhẹ chao chát “trả miếng” mẹ chồng, bà Hòa biết có nói gì lúc này cũng vô ích nên tránh đi chỗ khác.

Trong lòng bà, một sự đổ vỡ vô hình nhưng lớn lao xen lẫn những lo lắng đang hối thúc, trỗi dậy... Nhung về làm dâu đã gần hai năm song mối quan hệ giữa bà Hòa và cô luôn tồn tại một khoảng cách. Trong suy nghĩ phiến diện của cô thì mẹ chồng chẳng bao giờ tốt với nàng dâu một cách chân thành nên ngay từ ban đầu Nhung đã tỏ rõ cho mẹ chồng biết cô không phải kẻ yếu đuối, nhu nhược, không dễ bị bắt nạt.

Cho là Nhung trẻ người non dạ, bà Hòa không để bụng. Từ trước tới nay bà được tiếng là khéo léo, dịu dàng, sống vị tha, có trước, có sau, rất được lòng anh em, họ hàng cũng như xóm giềng. Chứng kiến Hưng và Nhung thường xuyên giận hờn, to tiếng mà nguyên nhân xuất phát đôi khi từ những điều vụn vặt nhưng do cả hai còn thiếu kinh nghiệm sống, cùng đặt cái “tôi” lên trên cái chung, trách nhiệm của người mẹ không cho phép bà làm ngơ.

Những lời bà khuyên nhủ con trai, góp ý với con dâu đều hướng tới mục đích giúp các con tạo dựng cuộc sống gia đình bền chặt, khăng khít. Đáng tiếc là Nhung đã không tiếp thu, lại còn vùng vằng quy kết mẹ chồng chỉ đứng về phía con trai, ác cảm với nàng dâu.

Mỗi lần vợ chồng có chuyện, Nhung lại giận lây sang cả mẹ chồng. Nhung còn than vãn, kể lể với mẹ đẻ khiến mẹ cô nhìn thông gia và chàng rể với ánh mắt không mấy thiện cảm...

Giá như Nhung biết mở lòng mình ra để lắng nghe những lời dạy bảo ân tình của mẹ chồng thì cuộc sống của cô đã tươi sáng hơn. Giá như cô sớm hiểu ra rằng đối đầu với mẹ chồng là tự huỷ hoại hạnh phúc của bản thân để biết điều chỉnh lời nói, hành động trong giới hạn cho phép.

Thói lấn át mẹ chồng là sai lầm mà không ít cô gái trẻ lạm dụng và cái giá mà họ phải trả thường là bi kịch đổ vỡ hôn nhân thấm đẫm nước mắt...
 
Theo PNVN
Chia sẻ