Cảnh báo: Kháng sinh có hại cho dây chằng

Minh Thu,
Chia sẻ

Các loại thuốc kháng sinh như Cipro của hãng Bayer AG có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm, giãn đứt dây chằng - cảnh báo mới nhất của CQ Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ vừa công bố.

Cảnh báo này nhằm cụ thể vào các loại thuốc kháng sinh như Avelox của hãng Bayer, Facitve của tập đoàn Dược Oscient và Proquin XR của công ty Depomed. Ngoài ra là các loại thuốc Levaquin và Floxin của Johnson & Johnson, Noroxin của Merck & Co. Các thuốc này đều thuộc nhóm kháng sinh fluoroquinolon.

Cipro được biết đến dưới cái tên thương mại là Ciprofloxaci còn Floxin thì có tên thương mại là Ofloxacin.

Thực tế là trong tờ ghi Hướng dẫn sử dụng các thuốc kháng sinh luôn cảnh báo về những tác dụng phụ đối với các dây chằng. Mặc dù vậy, “FDA vẫn tiếp tục nhận được những báo cáo cho thấy ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đối với các dây chằng”, Edward Cox, Trưởng Bộ phận Các sản phẩm chống khuẩn của FDA, cho biết.

“FDA tin tưởng rằng việc cung cấp thêm thông tin cho người điều trị cũng như bệnh nhân về nguy cơ này trên tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc là rất cần thiết”, ông Cox nói.

Nguy cơ này lớn hơn ở những bệnh nhân ngoài 60 tuổi và những người từng cấy ghép các bộ phận trong cơ thể, dùng các loại thuốc chứa steroid. Ngoài ra, các bác sĩ cũng nên hạn chế dùng thuốc kháng sinh trong việc điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra.

Với những bệnh nhân bị đau dây chằng khi dùng thuốc thì lập tức dừng lại, tạm nghỉ mọi việc luyện tập và tới gặp bác sĩ ngay.

Với các thuốc kháng sinh nhóm flouroquinolon, ước tính nguy cơ giãn dây chằng cao hơn từ 3 - 4 lần. Tỉ lệ mắc bệnh là 1/100.000 dân.

Hầu hết các trường hợp là tổn thương dây chằng gót chân mà thường ảnh hưởng từ phần bắp chân đến gót chân. Tình trạng giãn dây chằng ít khi ảnh hưởng tới vai, bắp tay, tay và các khu vực khác.

Một số bệnh nhân có thể bình phục sau điều trị ngoài nhưng số khác lại cần phải phẫu thuật. Thậm chí, có những bệnh nhân dù được phẫu thuật cũng không thể hoạt động bình thường trở lại.

Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy: đã có 262 trường hợp giãn đứt dây chằng, 258 trường hợp bị viêm 2 đầu dây chằng và 247 trường hợp dây chằng mất chức năng được báo cáo trong năm 2005. Kể từ đó đến nay, đã có khoảng hơn 100 trường hợp được báo cáo.

Theo Minh Thu
Dân trí/Reuters 
Chia sẻ