Buồn vì chồng an phận

,
Chia sẻ

Phượng đã học xong cao học sư phạm. Trong khi đó, chồng của cô mới có bằng cao đẳng, lại là hệ liên thông. Nhắc chuyện học bao lần nhưng vì chồng không mặn mà nên Phượng đành thôi.

Cả nhà Phượng đều hiếu học. Vì thế, ngay từ nhỏ, mẫu đàn ông Phượng yêu thích phải giống anh trai hay bố của cô, giỏi giang và cầu tiến. Thế mà duyên số thế nào, cô lại kết hôn với một anh chỉ có bằng cao đẳng. Suốt 4 năm qua, chồng Phượng đi làm và bằng lòng với chức “nhân viên quèn”. Động viên chồng học nâng cao thì anh “tặc lưỡi”: “Giờ anh già rồi, ngại học lắm. Có học cũng chẳng tiếp thu được”.

Vài lần như thế, Phượng ngán, đành kệ chồng. Nhưng mỗi lần thấy những người đàn ông xung quanh mình đầy chí tiến thủ, cô lại không khỏi xót xa. Phượng kể, những lúc như thế lại ngầm so sánh và thấy chồng mình sao thật kém cỏi. Tuy anh xã chăm chỉ, hiền lành nhưng Phượng vẫn thấy như thế là chưa đủ? Cô cần một người chồng đủ để bản thân phải ngưỡng mộ và tôn trọng. Càng ngày, Phượng càng thấy vị trí của chồng trong mắt mình nhạt đi. Phượng sợ một lúc nào đó sẽ xao động trước một người đàn ông tài giỏi khác. Xung quanh, không thiếu những người đàn ông như thế đang “tán tỉnh” Phượng.

Biết rằng tri thức là điều quan trọng, có tri thức thì mới tồn tại được trong xã hội hiện đại, điều đó là hoàn toàn đúng. Chẳng ai phủ nhận cả. Nhưng xin đừng đem nó áp dụng vào tình yêu.
 

Tương tự Phượng, Loan (Cầu Diễn, Hà Nội) nằng nặc đòi chồng tự kinh doanh mà không được. Loan sẵn vốn, “máu” làm giàu. Còn chồng cô ngồi nghiên cứu suốt ngày, lương không đủ sống, nói gì đến nuôi con. Loan cằn nhằn thì chồng dỗi, cho là: “Công việc của anh. Đừng tham gia”. Lúc cuối tuần, Loan muốn kéo chồng cùng làm ăn nhưng anh xã vẫn lắc đầu. Sau đó, Loan đành chịu vì biết chồng thương vợ, yêu con nhưng không biết bon chen, tính toán.

Buồn với chồng, Loan tâm sự với bạn thân. Cô ấy cười bảo: “Lấy một anh giỏi giang thì như trò chơi lướt sóng ấy. Cũng thú vị nhưng mệt vô cùng. Ngoài gia đình, anh ấy sẽ mải mê với làm ăn, bạn bè hay một số em út nữa thì cũng chết”.

Loan chấp nhận, không thể đòi hỏi chồng vẹn toàn nhưng cô vẫn thấy, cuộc sống chung thiếu thốn cái gì đó. Có những ý tưởng, Loan không thể chia sẻ với chồng vì biết anh ít sáng tạo. Cô còn thấy chồng quá cổ hủ nên nhiều lúc cũng không muốn trao đổi gì. Loan tự quyết cho xong. Thế nhưng, Loan không tránh khỏi cảm giác buồn và luôn mơ ước, có được người chồng năng động, là chỗ dựa vững chãi cho cô.

‘Lăn tăn’ sẽ chán chồng

Phụ nữ ai cũng mong chồng mình giỏi giang, thành đạt để tự tin khoe với mọi người. Hoặc chí ít cũng mơ chồng duy trì kinh tế để nhà cửa luôn sung túc. Đó là mơ ước chính đáng. Ngay cả đàn ông cũng mong điều đó. Tuy nhiên, từ ước mơ đến thực tế lại là chuyện khác.

Nếu quan điểm sống của vợ chồng lệch nhau quá nhiều thì sẽ khó dung hòa. Thời gian và môi trường làm việc có thể làm thay đổi suy nghĩ của mỗi bên. Nếu không biết tìm điểm tương đồng, mạnh ai người nấy sống thì tất yếu, hạnh phúc sẽ bị lung lay.

Nặng hơn là xem nhẹ và coi thường chồng. Thấy chồng không xứng với mình. Thấy những người đàn ông tài giỏi xung quanh thật đáng để ngưỡng mộ. Ngầm đặt chồng mình lên bàn cân rồi chồng chất nỗi chán nản. Đến một lúc nào đó, có khi lại “sa ngã” trước một món quà xa xỉ hay cám dỗ vật chất do người đàn ông khác đem lại. Có người tỏ thái độ coi thường chồng vì đồng tiền nên chồng bất mãn, sinh hư. Điều này giải thích vì sao, nguy cơ rạn nứt hạnh phúc ở những trường hợp vợ hơn chồng là không nhỏ.

Một khi đã chấp nhận làm vợ (làm chồng) thì nên chấp nhận người bạn đời. Mọi sự so sánh chỉ khoét sâu thêm xung đột. Không coi thường chồng vì bên cạnh những yếu điểm, hãy để ý đến những ưu điểm của anh ấy. Chẳng anh nào thích yếu thế. Nhưng sẽ là cơ hội tỏa sáng nếu có người vợ biết nhận ra và khuyến khích điểm mạnh của họ. 
 
Theo Me&be
Chia sẻ