Bị vợ “phủ đầu” vì cái tội nhà quê

Hương Nguyễn,
Chia sẻ

Lấy vợ thành phố không sướng như nhiều người vẫn nghĩ...

Mới cưới được vài tháng, bạn bè đã thấy Quang rũ rượi, phong độ kém hẳn lúc trước. Ai cũng có thể đoán được “chắc do vợ hành” nhưng chẳng ai biết được “hành là hành kiểu gì?”

Ngày anh cưới Thủy, đám bạn cũng được phen lác mắt vì “thằng này quá may khi lấy được ‘gái phố Hàng’, đúng là trâu chậm uống nước trong”. Mà Thủy lại xinh, trắng nõn nà, sành điệu, anh cũng tự hào ra mặt. Nhưng sau khi tiếp xúc vài lần thì lũ bạn Quang thấy hãi hãi vì nàng “khó tính như ma”. 

Anh thấy mình may mắn khi cưới vợ xong đã được ông bà nhạc tặng ngay cho căn biệt thự ở Tây Hồ. Một lần, mấy người bạn thân đến chơi, anh đang sung sướng khi nghe bạn bè khen nhà đẹp, vợ xinh thì Thủy bước vào, mặt nhăn như bị rách: “Các anh nói bé thôi, cười bé thôi không hàng xóm lại tưởng nhà tôi có đánh nhau”. Chẳng phải đuổi, sau mấy giây há hốc mồm kinh ngạc, bạn Quang chuồn sạch. 

Anh góp ý thì Thủy nhảy dựng lên đành hanh lại, cuối cùng người im trước là anh. Một thời gian, anh ngán đến tận cổ mỗi khi về nhà. Anh nhớ như in ngày đầu làm chồng của Thủy. Đang lân la định “yêu” vợ, chị ta chốt hạ ngay một câu: “Tắm chưa, hôi như vịt, đồ nhà quê!”

“Anh tắm rồi!”, Quang ngạc nhiên nói. 

“Tắm cái gì, tắm lại!” Rồi anh bị vợ đạp xuống đất không thương tiếc. Vừa đau vừa tức, anh lồm cồm bò vào tắm lại. 

 
Lần đầu tiên thấy chồng nổi nóng như vậy nên Thủy cũng lo (Ảnh minh họa)

Cứ tưởng đã giải quyết xong khâu vệ sinh, Thủy lại bắt anh đánh răng lại cho “chuẩn men”. 

Rồi cô ghi lịch, mùa hè phải tắm ít nhất 6 lần, còn mùa đông sẽ điều chỉnh sau. Ăn xong, trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy, trước khi định ôm hôn vợ: tuyệt đối phải đánh răng kỹ. 

Cãi lại, y như rằng chị vợ sẽ nhảy lên bảo anh: “đồ nhà quê, lý luận kiểu ‘tỉnh lẻ’ như anh thì còn lâu mới lân la sánh được với thành phố”. 

Tức điên người, anh đành cố nhịn cho xong. An ủi mình rằng chắc sau ngày cưới, vợ mệt nên khó tính.  

Chiều vợ, Quang cũng phấn đấu vệ sinh răng miệng, cơ thể theo “người thành phố”. Về làm chồng nhà "vợ phố Hàng", anh tỉnh cả người bởi hàng đống kỹ năng, quy chuẩn, Thủy nhồi vào đầu anh hàng ngày: Không nhai to, ngáp phải bịt mồm, không vừa ăn vùa nói, đi nhẹ, nói bé, không loẹt quẹt dép, miếng cuối cùng là miếng nhục, xỉa răng phải che miệng…

Có lần, anh “xì bom” lúc đang ngồi nói chuyện với vợ, lập tức bị chị chì chiết cho mấy ngày vì cái tội “quê không để đâu cho hết quê”. 

Mâu thuẫn trở nên cao trào khi Thủy có em bé, bố mẹ chồng tay xách nách mang nào trứng, nào gà quê, khoai lang, gạo tẻ lên tẩm bổ cho con dâu. Thủy nhìn qua đống đồ của mẹ chồng, mặt nhăn nhó: “Trên này thiếu giống gì mà mẹ mang lên? Gạo ở ngoài chợ đầy, mẹ đem gạo này cho bọn con, ai mà nuốt nổi, nhà con chỉ quen ăn gạo tám thôi. Với lại giờ chồng con cũng đâu còn ăn ngô khoai nữa đâu? Đó là những thứ tầm thường mà ngày xưa mẹ với anh ăn thôi chứ. Thật là bừa bộn”.
 
Vừa nói, Thủy vừa bỏ hết vào túi rác trước ánh mắt buồn rầu của bố mẹ chồng. Mặt ông bà biến sắc. Anh Quang ngồi xem vô tuyến nên chứng kiến từ đầu đến cuối, hậm hực nhưng không nói lời nào.
 
Chơi hôm trước, hôm sau ông bà lục đục về quê luôn. Quang nhắc nhở vợ thì Thủy chống chế: “Thì từ xưa tới giờ em biết gì về chuyện thóc lúa, cày bừa, lợn gà ở quê mà hầu chuyện các cụ được? Anh thích thì đi mà phục vụ nhé”. 

Lúc này, anh  mới tỏ thái độ: “Cô lại đây, cô có biết lời nói hôm qua của cô đã tát vào mặt tôi không? Ngô khoai là những thứ mà mẹ nuôi tôi nên người, vậy mà cô dám sỉ nhục tuổi thơ khốn khó của tôi. Cô muốn thế nào, nếu thấy nhục khi có thằng nhà quê này thì đi mà tìm một thằng thành phố cho hợp”.
 
Lần đầu tiên thấy chồng nổi nóng như vậy nên Thủy tái hết cả mặt. Hơn 3 tuần sau đó anh vẫn không hề nói gì với vợ.
Chia sẻ