Bi hài chuyện ăn "chui" đám cưới

,
Chia sẻ

Như thường lệ, mùa cưới ở Huế bắt đầu cũng là lúc những sinh viên ăn cưới "chui" xuất hiện. Chuyện sinh viên lẩn vào các nhà hàng, khách sạn để tham gia tiệc cưới không hiếm. Họ là khách "không mời mà đến".

"Hoá thân" vào các loại nhân vật dự đám cưới

Hôm đó, 11 giờ học xong tiết cuối cùng, một anh bạn học trước tôi một khóa gọi điện thoại: "Hôm nay đi ăn đám cưới với anh cho vui nhé em. Anh đang chờ ở trước cổng trường, em ra mau nhé". Theo Lâm, sinh viên trường Đại Học Phú Xuân - Huế, để tham dự một tiệc cưới "chui" cần rất nhiều yêu cầu "khắt khe". Đó là những sinh viên có trữ lượng bia, rượu thuộc vào loại "hảo hạng". Không chỉ vậy, khi đi tham gia tiệc cưới phải ăn mặc sao cho giống "sếp", thắt cà vạt, đi giày đen bóng loáng, chải tóc mượt mà. Đồng thời phải có khoa ăn nói "lưu loát" … Nghe hấp dẫn, tôi gật đầu đồng ý đi cùng một lần cho biết.  

 

Nhiều bạn trẻ có thể diện những bộ cánh sang trọng và nâng ly chúc mừng cho hạnh phúc của... người dưng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Chiếc xe máy lao đi vun vút rồi dừng lại ở một khách sạn sang trọng. Anh Lâm bấu vào vai tôi nói nhỏ: "Do em lần đầu tiên đi, nên bĩnh tĩnh nhé. Đừng tỏ ra căng thẳng lỡ người ta phát hiện ra thì ngại lắm đó". Anh dẫn tôi  vào thẳng tiệc cưới, đi qua cổng cưới nơi có cô dâu, chú rể và bố mẹ của họ đang đứng chào khách.

Vui vẻ theo chân một đám đông đang tiến tới, Lâm thản nhiên đi vào khách sạn. Chúng tôi ngồi vào một bàn tiệc toàn là các chàng trai, cô gái Huế. Trong bàn tiệc cưới ấy toàn là khách quen của họ nhà trai, họ nhà gái, riêng chỉ hai chúng tôi là lẻ loi.

Bỗng nhiên, một cô gái xinh xắn người Huế hỏi anh Lâm: "Xin lỗi, anh là bạn của cô dâu hay chú rể vậy?" Nhanh như cắt, anh Lâm trả lời: "À! Hôm nay vợ mình bận dạy học, mình đi thay cho vợ. Vợ mình là người bạn rất thân thiết của cô dâu?" Cô gái trẻ vui vẻ nói: "Thế à! Anh chu đáo thật đấy". Dù vẫn chưa hết "rung" do lần đầu tiên đi ăn cưới chui nhưng tôi cũng không dấu nổi sự buồn cười trước câu trả lời "có một không hai" của Lâm.  

Đám cưới chưa bắt đầu, nhưng bàn tiệc đã "khai vị". Anh Lâm "chăm chỉ" rót bia, nước ngọt cho những vị khách ngồi trong bàn. Không những vậy, anh còn bắt chuyện với những khách lạ một cách tự nhiên với tài ăn nói "siêu hạng" của mình. 

Buổi mừng tiệc cưới bắt đầu, các cô nhân viên xinh đẹp của khách sạn trong tà áo dài thướt tha phục vụ các món ăn đặc sản. Bia, nước ngọt được đưa ra tới tấp. Anh Lâm và tôi vừa uống, vừa ăn và nói chuyện một cách say sưa.

Bỗng đâu, đến lượt cô dâu và chú rể lại ngồi vào bàn chúng tôi. Cô dâu  hỏi tôi: "Anh là bạn của ai vậy?" Biết là một câu hỏi "khó giải", bởi nếu nói là bạn chú rể thì không được, thế là đang "úp úp mở mở" thì anh Lâm chen vào gỡ rối: "À! Nó là bạn của anh đấy! Cả hai chúng tôi là nhân viên nhiếp ảnh. Hôm nay có anh bạn chụp ảnh cho các bạn có mời chúng tôi đến đây để "tác nghiệp" cùng cho vui". Nói xong anh Lâm lại giơ ly bia ra chúc lia lịa.

"Đám cưới chui" bi hài ký

Đi ăn cưới "chui" có nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt". Trong hồi tưởng của Pháp, sinh viên ĐH Khoa học Huế, câu chuyện đi ăn cưới hiện về như một trang nhật ký buồn của thời sinh viên mà anh không muốn nhắc lại: "Lần ấy tan trường về, mình gặp ngay một đám cưới gần nhà trọ mình ở. Đói quá, tiền lại hết, thế là mình quyết định vào tham gia tiệc cưới. Không ngờ hôm đó đám cưới chỉ toàn mời anh em, họ hàng thân thiết. Mình ngồi vào bàn tiệc toàn khách quen. Ai cũng nhìn mình tò mò. Rồi cái gì đến cũng phải đến, cô dâu và chú rể đi lại hỏi mình có quen ai ở đây không. Biết là không thể đưa ra một lý do chính đáng, mình đành nói sự thật rồi lặng lẽ ra về. Cô dâu chạy ra mời mình quay lại tham gia cho vui. Ngày hạnh phúc của họ thì đến tham gia cũng chẳng có vấn đề gì quan trọng cả. Nhưng làm sao đủ bản lĩnh để bước vào nữa chứ, mình quyết định ra về trong lúc mọi người vẫn không ngớt nhìn mình bằng ánh mắt tò mò. Mình đi mà vẫn còn nghe tiếng họ phá lên cười. Sau cú vấp ngã ấy, mình không còn đi đám cưới chui nữa".

Cũng như Pháp, Hòa - sinh viên trường Đại Học Nông Lâm Huế - cũng ở vào một tình huống trớ trêu như thế. Một lần theo bạn đi đám cưới ở một khách sạn. Hôm ấy cả hai người đi muộn nên phải ngồi vào bàn cuối. Không ngờ trong bàn tiệc ấy, Hòa "đụng" trúng các thầy cô đang dạy mình. May mà các thầy cô say sưa nhìn lên sân khấu nên không để ý cậu. Thế là Hòa đành "ngậm ngùi" chuồn về.

Được ăn uống no nê, nghe nhạc sống miễn phí trong những tiệc vui như thế, nhưng, cái mất lớn nhất là mất danh dự nếu bị người nhà cô dâu, chú rể phát hiện. "Chui lủi" như thế thực cũng chả hay ho gì - Anh Lâm ngượng ngùng chốt lại.

Theo VTC

Chia sẻ