Anh là "thiên đường"

,
Chia sẻ

Chị từng muốn tình yêu của mình phải như "sóng" với "thuyền". Ngược lại, anh - con nhà lính, thẳng thắn, rõ ràng như... quân lệnh. Thế là, có những đêm khuya nằm quay lưng như... úp thìa.

Mùa xuân này có ý nghĩa thật đặc biệt đối với chị. Đó là tròn hai mươi năm chị "nhặt được báu vật của đời mình". Ôi! Thời gian trôi qua mới nhanh làm sao. Chị đã vào tuổi U 50, tóc điểm nhiều sợi bạc.

Còn "báu vật" của chị cũng sắp thành một... ông già với mái đầu "muối nhiều tiêu ít". Suốt đêm qua chị trằn trọc không ngủ được. Có lúc chị ngồi hẳn dậy, lặng lẽ ngắm nhìn anh qua ánh đèn ngủ dịu mờ. Rồi chị nhẹ nhàng đan xiết đôi bàn tay bé nhỏ của mình trong bàn tay ấm áp, chắc khỏe của anh, cảm thấy như từng mạch máu từ đôi bàn tay tin cậy ấy lan truyền sang cơ thể chị. Chị thấy ở anh cái gì cũng đẹp. Từ đôi mắt hiền lành, trung thực trên khuôn mặt dễ gần, thân thiện; với vầng trán thông minh, sống mũi "tây hơn cả tây"; làn da nâu và chiều cao - tuy có hơi khiêm tốn... Nhưng chị vẫn thích nhất là được ngắm nghía, được xiết chặt tay anh trong tay mình. Bàn tay, bàn chân này suốt hai mươi năm qua đã bao phen phải chống chọi với bão tố cuộc đời để mang lại cho mẹ con chị cuộc sống như ngày hôm nay...

"Ngủ thêm đi em. Dậy sớm làm gì". Anh nhẹ nhàng trở mình và ôm chị. Chị nằm ngoan ngoãn trong tay anh mà lòng vẫn không thôi miên man suy nghĩ. "Chẳng biết tụi nhỏ giờ đi đến ga nào rồi? Chắc chỉ ngày mai là chúng về đến nhà. Ông bà nội ngoại chắc mừng lắm đây...". Đã mấy năm liền, Tết nào cả nhà chị cũng tíu tít về quê. "Bố mẹ hai bên đều già cả rồi. Thôi thì cố gắng về sum họp với các cụ thêm được năm nào hay năm đó, cho các cụ vui" - anh thường nói vậy. Nhưng năm nay, anh lại nổi hứng "chia hai": "đoàn một" gồm cháu trưởng đích tôn và cháu út của các cụ ngược Bắc. "Phải để cho chúng tự đi, để tự gần gũi ông bà, họ hàng. Kẻo mình cứ o bế, "lót đường" mãi, bao giờ chúng nó mới chững chạc lên được. Sang năm bà ngoại được tuổi 80, cả nhà mình lại về". Thế là "đoàn hai" chỉ còn anh và chị.
 
"Hôm nay, chúng mình sẽ "tổ chức" hai mươi năm ngày cưới trước, riêng chỉ có hai mình thôi...". Từ ga Sài Gòn tiễn các con trở về, anh đã nhấc bổng chị trong phòng. "Ối! cho em xuống, không em lại thành "quả táo" của Niu-tơn như hôm nào". Ừ! Chị có còn "nhỏ xíu" như hai mươi năm trước đâu. Đã 54kg, nên thật khó cho anh. Có lần, cũng đang cao hứng như thế, anh nghe nhói ở sau lưng và vội buông cho chị.. .rơi tự do. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Mà sao anh cũng khéo... vẽ chuyện. Đâu phải hôm nay chúng mình mới có "kỉ niệm ngày cưới". Chẳng đến 5 - 6 năm rồi, khi thằng Cún út của anh "tỏ vẻ" ta đây đã lớn, không thích quấn bố mẹ nữa. Chị vẫn bảo "giờ chúng mình lại như hai người độc thân, mới cưới".

Những buổi tối được thức khuya hơn; buổi sáng thứ bảy, chủ nhật được dậy muộn hơn, bởi chăn gối nồng nàn hơn...". Thật tuyệt vời khi quờ tay là đã chạm vào người anh. Lắm lúc em cứ thảng thốt tưởng mình như đang mơ". Anh nghe chị nói mà anh mắt xiết bao xót xa, trìu mến. Ừ! Ngay cả điều đơn giản với mỗi cặp vợ chồng là quờ tay đã chạm nhau ấy, thì với anh chị cũng là điều qúy giá. Nghề nghiệp đã làm họ phải xa nhau biền biệt, có lúc như ông bà Ngâu. Để nhớ thương vời vợi suốt ba miền đất nước. Vậy mà bạn bè chị, có đứa còn "ganh tỵ": "Đôi này thế mà lại hóa hay, cứ xa xa, gần gần; chưa chán đã đi, vừa đủ nhớ lại về, được hưởng nhiều tuần... trăng mật". Thật là, có "ăn nhạt" đâu mà biết "thương mèo". Nhưng, ngẫm lại thì thấy họ nói cũng đúng đấy chứ!

"Anh có kế hoạch này: mình chỉ ở Sài Gòn hết mồng hai thôi. Mồng ba mình đi khu du lịch Bình Châu, rồi đi Vũng Tàu tiếp. Anh sẽ "chủ chi", coi như quà cưới cho em. Chúng mình sẽ "hẹn hò" một tuần, tha hồ nhiều kỉ niệm nhé!... Anh lại trêu chị rồi. Là người lãng mạn và bay bổng, mỗi lúc hồi tưởng lại chuyện cũ, chị hay luyến tiếc là mình gặp nhau muộn và cưới quá nhanh, chẳng có nhiều thời gian yêu đương, tìm hiểu trước ngày cưới, nên chẳng có được nhiều kỉ niệm ở cái thời lẽ ra là rất đẹp ấy. Đúng, thời đó chị là nữ sinh Sư phạm ở Hà Nội. Còn anh là sĩ quan Không quân trẻ đóng ở Sơn Tây. Những buổi chiều thứ bảy mùa thu Hà Nội đẹp thế mà bạn bè về quê hết. Chỉ còn mình chị lang thang trên những con đường lá đổ. Anh cũng "lạc" ở thị trấn miền sơn cước nào. Vào một ngày của tháng mười năm ấy, người bạn - chung của cả hai bên, tự nhiên lại nhớ ra là phải làm "ông tơ bà nguyệt" cho cả hai người. Và thế là gặp, thế là yêu, thế là cưới - chỉ vỏn vẹn có một trăm lẻ một ngày (!).

Tuy đều là những anh tài, rất tự tin, lại được sự "bảo chứng" của bạn bè. Nhưng cái sự vội vàng cũng làm cho họ khập khiễng không ít, nhất là chuyện gối chăn. Là cử nhân Văn khoa tâm hồn chị lúc nào cũng phơi phới văn, thơ, nhạc, họa. Chị từng muốn tình yêu của mình phải như "sóng" với "thuyền", lúc nào cũng ríu rít trong lòng một nỗi em. Nghĩa là "phải biết dò ý tứ của nhau, để chiều nhau. Chứ nói thẳng, nói thật, cầm tay chỉ việc thì còn... ý nghĩa gì". Ngược lại, anh  - đã con nhà lính, lại thêm nghề nghiệp đặc thù luôn đòi hỏi tập trung và chính xác tuyệt đối nên cứ phải thẳng thắn, rõ ràng như... quân lệnh. Thế là, có những đêm khuya nằm quay lưng như... úp thìa.

Cao điểm là có hôm chị - chỉ ngồi nhìn anh ngủ, và anh giật mình choàng dậy, buồn bã. Để rồi sáng ra, mẹ chồng ý tứ nhìn hai con ủ dột, mắt quầng sâu mà thở dài. Chị còn xuống trường than thở, lại được mấy vị đồng nghiệp quân sư quạt mo "chỉ thị" là: "cứ "cấm vận" tiếp, cho đến lúc "hắn" phải van nài mình...". Van nài đâu chưa thấy, chỉ thấy tiếp tục căng thẳng, lạnh từ... giường ra tận... ruộng. Có mỗi mảnh ruộng bé xíu mà mỗi người một góc. Làm bà chị họ nhà quê cắt lúa cạnh bên cũng nháy mắt kề tai hích rằng "liên quan đến chuyện "giường chiếu" hả".

"Anh vẫn luôn nhận là rất yêu em mà sao lúc nào cũng thờ ơ, đơn giản. Chẳng hiểu em nghĩ gì, buồn vui ra sao". "Anh là lính, anh không phải là nghệ sĩ. Được mấy người như thế". "Nếu vậy thì đến già em vẫn không thể quen được cái tính đó của anh"... Đã không ít lần chị hờn trách anh như thế. Nhưng cuối cùng chị cũng hiểu: thì ra đó cũng là căn bệnh của Tình yêu. Chị đã quen với tính của anh ngay khi chưa "già", bởi chị biết anh có lý. Chị hiểu con người ta không phải là Tôn Ngộ Không, để có phép chui vào đầu người khác. Để hiểu hết họ nghĩ gì, muốn gì, dù có gần gũi, thân quen tới đâu, nên tốt nhất là cứ phải nói thẳng, trao đổi thật lòng. Chị cũng biết khoảng cách của ước muốn và thực tại để bớt viển vông hơn. Rồi phải học hỏi nhiều thứ - ngay cả "chuyện đó". Chị bác sĩ đã từng "bổ túc" cho chị rằng: "Cảm hứng chăn gối của đàn ông thì lên và xuống theo chiều... thẳng đứng. Còn của chị em phụ nữ lại thoai thoải như... leo dốc. Lúc họ lên đến "đỉnh" rồi thì mình mới ở "lưng chừng". Nhưng khi họ đã "tụt một mạch" xuống tận "chân dốc" rồi, mình lại vẫn ở "lơ lửng giữa từng không". Chẳng khác gì... rùa chạy thi với thỏ. Thế nên phải biết thông cảm cho họ và bảo họ "chờ"..

Từ khi chị hiểu ra - hiểu anh và hiểu mình, chị thấy mọi chuyện sao mà nhẹ nhàng thoải mái. Giờ thị chị và anh đang sống những ngày hạnh phúc nhất. Không tự ái, thẳng thắn, bao dung, không so sánh..., bí quyết để lấp đầy mọi khoảng cách. Để "cung đàn hạnh phúc" luôn dìu dặt, nhặt khoan. Còn lại vẫn thế thôi, vẫn là anh, là chị: "võ" với "văn", đơn giản và bay bổng... Ôi! cũng còn đầy "dị mộng" đấy chứ! Đấy, như lúc này, anh lại đang nói gì: Bình Châu, Mũi Né? Anh đã đến tận Bình Châu ư? Thế mà em lại "đang ở" gốc đa ngoài xóm bãi - nơi lần đầu tiên chúng mình gặp mặt. "Sẽ là một cái tết thần tiên và tuyệt diệu cho em" ư? Không! Với em, từ ngày 12 tháng Giêng năm con Ngựa ấy tới nay là tuyệt lắm rồi. Khỏi cần Bình Châu, Mũi Né. Ở đâu có anh, ở đó là "thiên đường".

Lời bàn:

Ai cũng biết, có ai tự nhiên giỏi được đâu? Thế mà một "sự nghiệp" quan trọng bậc nhất với mỗi người là làm vợ, làm chồng thì lại chẳng phải "học" sao? Ở một số nước, các "tân lang" và "tân nương" tương lai còn phải theo một khóa học "Tiền hôn nhân" để lấy "chứng chỉ" về cách làm vợ, làm mẹ, làm chồng v.v..., rồi mới "dám" cầm bút kí vào "văn bản", tự nguyện vừa là "nô lệ", vừa là "ông chủ", "bà chủ" suốt đời của nhau đấy. Chị nói đúng! "Chuyện ấy" cũng phải "học". Học để hiểu, để chiều nhau, làm cho cuộc sống hạnh phúc, tuyệt vời hơn. Học hỏi để hiểu biết; để thương yêu và tôn trọng, nhường nhịn nhau, thì dù là trăm chỗ lệch vẫn kê được cho bằng. Hạnh phúc trong sự lệch về "võ" và "văn" của anh chị là một bằng chứng thuyết phục, bởi đã được thử thách trải dài hai mươi năm.   
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ