Chồng "tiểu thư"
Giận chị, anh lại bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Không ít lần mẹ anh gọi điện bảo chị sang xin lỗi chồng.
Còn nhớ ngay sau tuần trăng mật, vợ chồng chị bắt tay vào công việc mới và chị bắt đầu vỡ lẽ ra nhiều điều. Chồng cứ bắt ne bắt nét chị từng li từng tí theo sở thích của anh. Ban đầu chị cứ nghĩ thôi thì chiều theo ý chồng để chồng vui.
Chị đi làm về muộn, chồng chẳng nói chẳng rằng quay mặt đi. Biết lỗi tại mình chưa kịp cơm nước gì nên chị xuề xòa làm lành. Thế nhưng chồng vẫn dỗi hờn cứ như con gái vậy. Nằm ngủ, anh lấy gối úp vào mặt, cốt để không phải nghe chị nói gì. Rồi bất ngờ anh ngồi nhổm dậy: “Anh không thể chịu được khi em về muộn. Anh rất ghét khi em không chịu nghe lời”.
Chị thanh minh: “Vì công việc mà anh, có ai muốn về muộn vậy đâu?”. Thế là anh hăng hơn: “Em đến công ty mà ở, đừng về nhà này nữa”. Chị sững sờ trước lời chồng nói. Không ít lần chồng giận dỗi bỏ cơm như thế.
Một buổi sáng chị bật cười khi anh bảo: “Em đừng mặc cái váy này, ngắn lắm anh không thích”. Khi thấy chị vẫn diện nguyên cái váy ấy đi làm thế là anh im lặng, không thèm nói gì nữa và tối đó anh đi làm về là chui lên phòng ngủ từ rất sớm.
Cảm giác ngán ngẩm và thất vọng trong chị cứ nhân lên từng ngày (Ảnh minh họa)
Chị cũng không đếm được có bao nhiêu bữa tối phải ăn cơm một mình nữa. Chị cũng chẳng thể nhớ đã bao nhiêu lần phải xuống nước làm lành trước. Cũng không biết bao nhiêu đêm chị thức trắng khi chồng cứ quay mặt vào tường ngủ. Thế là hết lần này đến lần khác chị toàn phải chủ động dỗ dành chồng. Chị chợt nhận ra có phải mình chưa thực sự hiểu người mà bấy lâu nay chị luôn xem là duyên số?
Ngày còn yêu thì anh chiều chuộng chị lắm. Chị luôn cảm nhận anh là người hiền lành, kiệm lời, không có những thói hư tật xấu khác. Anh chị đi đến đám cưới chỉ sau 7 tháng tìm hiểu mà chị những tưởng là duyên phận sắp đặt để hai đứa đến với nhau.
Anh là con trai một trong một gia đình có của ăn của để. Thế nên anh được mẹ và chị gái quan tâm, săn sóc như cục cưng. Có lẽ chính vì vậy mà anh sinh ra tính ích kỷ, chẳng bao giờ chịu suy nghĩ cho ai. Chị luôn cố gắng để không làm chồng giận vì thú thực chị chẳng vui vẻ gì khi nhìn thấy cảnh tượng người đàn ông yếu đuối, hờn dỗi như đàn bà.
Nhưng có lẽ vì chị càng cố gắng thì anh càng có cơ hội bộc phát bản chất mềm yếu của mình. Số lần anh làm mặt lạnh với vợ càng tăng lên khiến chị rất mệt mỏi.
Chị đã luôn cố gắng thu xếp công việc trên cơ quan để về nhà lo cơm nước. Chị cũng không dám đi đâu nếu không có sự đồng ý của chồng. Và rồi cũng đến lúc chị thấy thực sự nhàm chán mỗi khi bước chân về nhà. Cái cảm giác nặng nề đè nén lâu ngày vì nghĩ không biết nay chồng có bực mình gì không? Chị cũng chán vì người chồng của mình chẳng chút mạnh mẽ như chồng nhà người ta.
Chị là phụ nữ, lẽ ra phải nhõng nhẽo, nũng nịu chồng. Nhưng ở nhà chị thì lại có sự đổi ngôi. Chị toàn phải dỗ dành chồng chẳng khác gì mẹ dỗ dành đứa con bé bỏng. Sự hấp dẫn nam tính của chồng đối với chị cứ mất dần từng ngày như thế.
Đến khi chị sinh đứa con đầu lòng, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn. Anh thường xuyên ghen tuông với chính con mình vì cho rằng chị bỏ bê chồng, không còn yêu anh nữa. Chị đã không ít lần giải thích để anh hiểu nhưng dường như đều vô vọng. Anh đã làm bố rồi mà vẫn còn giận dỗi như trẻ con vậy.
Ban đầu, mỗi lần giận vợ thì anh còn chịu nằm ở nhà. Sau này, anh cứ hơi một tí là bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Không ít lần mẹ anh, rồi cả chị gái anh gọi điện bảo chị sang xin lỗi nhưng chị tự thấy mình chẳng có lỗi gì cả. Cảm giác ngán ngẩm và thất vọng cứ nhân lên từng ngày. Chẳng nhẽ chỗ dựa cuộc đời chị là như thế này đây ư?