Tinh vi chiêu thức lừa đảo tình cảm lấy tiền kiểu "chăn lợn" tại Mỹ

Kim Huệ,
Chia sẻ

Ở Mỹ, có một cụm từ là lừa tình kiểu "chăn lợn'', có nghĩa là xây dựng tình cảm với một người trong nhiều tháng rồi lừa người đó đầu tư tiền vào một cuộc làm ăn giả mạo.

Chị Shreya là giám đốc của một công ty công nghệ đa quốc gia ở Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Chị dường như có đủ thứ ở trong tay với một ngôi nhà của riêng mình, một công việc ổn định, cuộc sống vui vẻ…, nhưng chỉ duy nhất một thứ vẫn còn thiếu, đó là một người bạn đời.

Sau vài lần "quẹt phải quẹt trái" trên ứng dụng hẹn hò, chị đã gặp được một người ngỡ như là "người tình trong mộng" của mình, nhưng hóa ra tất cả chỉ là lừa đảo.

Kẻ lừa đảo tự xưng là một doanh nhân buôn rượu, đang tìm kiếm bạn đời. Hắn lúc gửi hoa, khi lại gửi những lời ngọt ngào nhất cho chị qua tin nhắn… Hắn còn vẽ ra viễn cảnh xây dựng gia đình với chị. Tuy nhiên, chị lại là nạn nhân của một vụ lừa tình kiểu "chăn lợn".

Thuật ngữ lừa tình kiểu "chăn lợn" dùng để chỉ hành vi xây dựng mối quan hệ tình cảm tin cậy với nạn nhân trong nhiều tháng, tương tự "vỗ béo một con lợn", sau đó thuyết phục nạn nhân đầu tư tiền vào một cuộc làm ăn giả mạo, giống như "đưa lợn lên bàn mổ lấy thịt".

Kẻ lừa đảo đã khuyên chị bỏ tiền đầu tư vào tiền số qua một ứng dụng. Lúc đầu ứng dụng này rất giống thật vì cho phép chị rút tiền sau khi kiếm được lợi nhuận, nhưng sau này chị không thể truy cập vào ứng dụng này.

Tiền của chị Shreya sau đó đã bị "bốc hơi", vì ứng dụng này thực chất chỉ là giả mạo. Tổng số tiền chị bị mất là 450.000 USD.

Tinh vi chiêu thức lừa đảo tình cảm lấy tiền kiểu  chăn lợn tại Mỹ - Ảnh 1.

Chị Shreya là mộtt rong những nạn nhân bị lừa đảo kiểu "chăn lợn". (Ảnh: ustoday.news)

Sự việc xảy ra với chị Shreya là ví dụ mới nhất về hình thức lừa đảo kiểu "chăn lợn", lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào đầu năm 2010.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tư pháp Mỹ, tổng số tiền nạn nhân báo cáo bị "lừa tình lừa tiền" lên tới 3,31 tỉ USD trong năm 2022. Loại hình lừa đảo này gây ra nhiều thiệt hại nhất trong năm 2022

Theo tổ chức chống lừa đảo toàn cầu Gaso, các nạn nhân đến từ ít nhất 46 quốc gia, phần lớn ở Mỹ và những nước châu Âu. Tuy nhiên, con số báo cáo có thể thấp hơn so với thực tế bởi nạn nhân xấu hổ và sợ bị chế giễu. Thậm chí, đa số người bị hại có chuyên môn, bằng cấp cao, kể cả những người có hiểu biết về tài chính.

Các chuyên gia về bảo mật khuyên người dân nên cài đặt một lớp bảo mật nữa trên các thiết bị điện tử và thông báo ngay tới cơ quan chức năng nếu nghi ngờ xảy ra các vụ lừa đảo

Ông John Ayers, Phó Chủ tịch Công ty bảo mật Cyderes, nói: "Ủy ban Thương mại Liên bang có hẳn một website cho phép người dân báo cáo những trường hợp lừa đảo. Ngoài ra, mọi người có thể liên hệ với FBI hay cài đặt ứng dụng Norton 360 ngăn chặn virus hay những trang web không an toàn, đừng nên ấn vào",

Còn với chị Shreya, chị đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của chị. Giờ chị phải chuyển sang một căn hộ nhỏ hơn, bán chiếc xe ô tô của mình đi để có tiền sinh hoạt hàng ngày.

Chia sẻ