Tiền điện tháng 2 tăng đột biến do đâu? 4 'thủ phạm' gây tốn điện nhất nếu không dùng đúng cách

Thu Phương,
Chia sẻ

Hóa đơn tiền điện tháng 2 của nhiều gia đình ở Hà Nội tăng mạnh, ngành điện khẳng định tính đúng tính đủ. Vậy nguyên nhân thật sự do đâu?

Vài ngày nay, rất nhiều hộ gia đình ở Hà Nội tỏ ra bất ngờ và thắc mắc vì hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng vọt. 

Cụ thể, theo chia sẻ của nhiều người dùng trên mạng xã hội, tiền điện tháng 2/2024 của gia đình bất ngờ tăng vọt lên gấp 1,5, thậm chí 2 lần so với những tháng trước đó. "Mình đang thắc mắc sao tự nhiên vọt lên thế. Bình thường hàng tháng chỉ 3-4 triệu. Tháng này lên 6 triệu", chị Kim Cúc chia sẻ. "Nhà mình cũng bị. Bình thường 3 triệu mà tháng này lên đến 5 triệu rưỡi", chị Thuy Nguyen nói thêm.

Giải thích cho vấn đề này, đại diện Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã đưa ra câu trả lời chính thức. Theo đó, số tiền điện của mỗi hộ gia đình tăng cao là do thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ dời từ 8/2 sang 29/2, tổng số ngày dùng điện từ 30-31 ngày hàng tháng tăng lên 53 ngày. 

Dù thay đổi ngày chốt chỉ số công tơ, nhưng EVN Hà Nội khẳng định trên VnExpress "không có việc người dân phải trả tiền theo bậc cao nhất do thay đổi ngày ghi chỉ số. Bởi, cách tính tiền vẫn theo nguyên tắc bậc thang, nhưng sẽ có thay đổi về số kWh tiêu thụ trong từng bậc".

Tiền điện tháng 2 tăng đột biến do đâu? 4 'thủ phạm' gây tốn điện nhất nếu không dùng đúng cách- Ảnh 1.

Hoá đơn tiền điện trong tháng 2-3 bất ngờ tăng vọt của một gia đình ở quận Hoàng Mai, Hà Nội (Phạm M.N)

EVN Hà Nội cũng khẳng định kể từ kỳ chốt chỉ số điện tháng 3/2024, người dân sẽ không còn cảm thấy như đợt này vì số ngày ghi chỉ số trở lại bình thường. Các chuyên gia cũng cho rằng, cách ghi chỉ số vào cuối mỗi tháng có lợi về rất nhiều mặt cho sinh hoạt và sản xuất trong cộng đồng. 

Vậy nên, ngoài việc số ngày ghi chỉ số điện tăng lên (53 ngày) khiến hóa đơn tiền điện tăng tháng 2 tăng cao, rất có thể ở một số hộ gia đình việc sử dụng nhiều hơn đối với những thiết bị làm ấm, bình nước nóng, bếp nấu... cũng là một phần nguyên nhân.

Các thiết bị tốn nhiều điện vào mùa đông/ngày lạnh

1. Bình nóng lạnh

Cái tên đầu tiên được kể tới trong danh sách chính là bình nóng lạnh. Thiết bị giúp cung cấp nước nóng cho các vòi nước trong gia đình, phục vụ cho việc tắm rửa, giặt giũ và nhiều công việc khác. Nếu như mùa hè, bình nóng lạnh ít khi được sử dụng, chỉ khoảng 2-3 giờ đồng hồ trong ngày, thì vào mùa đông, đặc biệt là vào những ngày lạnh cao điểm, bình nóng lạnh thậm chí có thể được một số gia đình bật 24/24.

Các chuyên gia đánh giá, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bình nóng lạnh trở thành thiết bị tiêu tốn điện hàng đầu trong nhà vào mùa đông. Trong một thống kê của EVN vào tháng 5 năm ngoái, bình nóng lạnh cũng được liệt kê là một trong những thiết bị gây tốn điện nhất trong nhà.

Tiền điện tháng 2 tăng đột biến do đâu? 4 'thủ phạm' gây tốn điện nhất nếu không dùng đúng cách- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bởi vậy dù là vào mùa đông hay mùa hè, người dùng cũng nên ghi nhớ một số lưu ý để việc dùng bình nóng lạnh được tiết kiệm. Ví dụ như cân đối thời gian bật thiết bị hợp lý, trước 20-30 phút khi có nhu cầu sử dụng thay vì bật cả ngày; điều chỉnh nhiệt độ thiết bị phù hợp; sử dụng nước nóng đúng mục đích hay bảo trì, sửa chữa bình nóng lạnh kịp thời...

2. Các thiết bị sưởi ấm

Khác với mùa hè với loạt thiết bị làm mát gây tốn điện, thì vào mùa đông, các gia đình, đặc biệt là gia đình có người cao tuổi và trẻ nhỏ sẽ sử dụng các thiết bị sưởi. Loạt thiết bị sưởi được ưa chuộng hiện nay có thể kể tới như máy sưởi, quạt sưởi, điều hoà 2 chiều, chăn điện hay đèn sưởi lắp đặt trong nhà tắm, nhà vệ sinh.

Theo các chuyên gia đánh giá, việc sử dụng 1 hoặc nhiều thiết bị sưởi trong nhà cũng khiến tiêu tốn một lượng điện năng không nhỏ. Trong đó, theo chuyên trang Energy Sage của Mỹ, điều hoà 2 chiều tiêu tốn ít điện nhất, sau đó đến quạt sưởi, máy sưởi. Đèn sưởi trong nhà vệ sinh, nhà tắm do được bật với thời gian ít hơn, công suất thấp để làm ấm không gian nhỏ nên cũng tiêu tốn ít điện năng hơn.

Ảnh minh hoạ

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù tiêu thụ nhiều điện năng, nhưng ở những vùng có khí hậu lạnh quanh năm hay vào những thời điểm lạnh cao điểm, việc trang bị và sử dụng thiết bị sưởi trong các gia đình vẫn rất hữu ích. Các gia đình khi chọn mua nên cân nhắc loại thiết bị có công suất phù hợp với không gian sử dụng, cân đối thời gian sử dụng, từ đó sẽ không dùng điện một cách lãng phí.

3. Lò vi sóng, thiết bị đun nước

Khi tiết trời lạnh hơn, thức ăn từ đó cũng sẽ nguội nhanh hơn. Bởi vậy, nhu cầu hâm nóng lại thực phẩm cũng nhiều hơn tại các gia đình. Lò vi sóng lúc này sẽ phát huy tối đa công suất, hoạt động nhiều lần trong ngày, từ đó tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Tương tự với lò vi sóng - thiết bị giúp hâm nóng lại thức ăn là các thiết bị đun nước nóng. Không chỉ có bình siêu tốc, một thiết bị được nhiều chuyên gia đánh giá là "kẻ âm thầm trộm điện" trong nhà chính là bình thuỷ điện. Bên cạnh vai trò đun sôi nước, thiết bị còn có khả năng giữ nước được ấm, nóng trong một thời gian dài.

Ảnh minh hoạ

Thiết bị này thường có dung tích lớn, kích thước cồng kềnh và công suất lớn hơn, cùng cơ chế hoạt động có thể đun đi đun lại nước liên tục theo chế độ cài đặt sẵn. Từ đó tiêu tốn nhiều điện năng của gia đình.

4. Máy sấy quần áo

Cuối cùng trong danh sách là máy sấy quần áo. Những ngày mùa đông thường có ít nắng, thậm chí có những ngày xuất hiện mưa trong thời gian dài, độ ẩm trong không khí cao. Chính bởi vậy nhiều gia đình sẽ phải sử dụng các loại máy, tủ sấy quần áo. Việc phát sinh sử dụng các thiết bị này cũng vô tình khiến điện năng gia đình sử dụng tăng lên, khiến số tiền phải trả cho hoá đơn tiền điện nhiều hơn.

Để tối ưu công dụng của máy, tủ sấy quần áo cũng như không lãng phí điện năng, gia đình hãy cân đối sắp xếp lượng quần áo cần xử lý trong một lần. Không nên quá ít bởi sẽ gây lãng phí, còn quá nhiều sẽ khiến thiết bị quá tải, ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Tiền điện tháng 2 tăng đột biến do đâu? 4 'thủ phạm' gây tốn điện nhất nếu không dùng đúng cách- Ảnh 7.

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ