Thưởng Tết cuối năm: nơi cười, nơi khóc

Tổng hợp ,
Chia sẻ

Có những nơi thưởng Tết dương lịch lên đến 700 triệu đồng/người nhưng cũng rất nhiều nơi mà thưởng Tết âm lịch cũng chỉ là cái bánh chưng, lọ dầu ăn.

Suốt một năm làm việc vất vả, ai cũng chờ kết quả thưởng Tết cuối năm. Đó không chỉ là việc ghi nhận thành quả làm việc cả năm của mỗi người, mà còn là món tiền trông đợi để có thể lo cho cả gia đình một cái tết trọn vẹn, chu đáo. Nhưng mấy ai được như ý nguyện của mình.

Thưởng Tết cá nhân cao nhất: 700.000.000 đồng/người

Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất là 700 triệu đồng một người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đây là mức thưởng cá nhân cao nhất, không phải là mức bình quân. Tuy nhiên, so với năm ngoái, mức thưởng tại đơn vị này đã giảm 2,08%. Trong khi đó, mức bình quân của loại hình doanh nghiệp FDI là 3,89 triệu và thấp nhất là 611.000 đồng.

Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thưởng Tết dương lịch nhiều nhất là 89 triệu đồng, tăng 15,58% năm trước, nhưng người thấp nhất chỉ có 453.000 đồng. Kế đến là doanh nghiệp tư nhân, trả thưởng cao nhất 88,246 triệu đồng, thấp nhất 910.000 đồng.

Con số 700 triệu đồng khiến rất nhiều người giật mình, mơ ước. Trong khi đó, đây mới chỉ là con số thưởng Tết dương lịch. Nhiều người dự đoán, thưởng Tết âm lịch còn có thể cao hơn nữa.

Thưởng Tết không bao giờ bằng một tháng lương

Rất nhiều đơn vị, cơ quan hạch toán thưởng Tết bằng cách lấy tiền lương chính thức của một tháng, chia cho 365 ngày trong năm, rồi nhân với số ngày thực tết đi làm. Như vậy, cho dù nhân viên cả năm đi làm không nghỉ một ngày nào cũng không thể được thưởng Tết bằng một tháng lương, bởi trên thực tế, không có đơn vị nào đi làm cả thứ 7, chủ nhật, chưa kể những ngày lễ tết được nghỉ theo quy định của nhà nước. Tuy vậy, tiền lương trong năm thì vẫn chia đủ cho 365 ngày.

Đặc biệt, với nhiều người, mức lương chính thức rất thấp. Thu nhập hàng tháng bao gồm cả phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe, các khoản nhuận bút (như biên tập viên, phóng viên)… Với nhiều người, thưởng Tết âm lịch khoảng 3 triệu cũng là giấc mơ không bao giờ có thật. Còn tết dương lịch, đa số được thưởng đông viên an ủi từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Số tiền này không đủ để mua cho con một bộ quần áo mới.

Thưởng Tết âm lịch bằng bánh chưng, dầu ăn, mì chính, hạt dưa…

Nghề giáo chẳng bao giờ mơ thưởng Tết.

Ông Mai Xuân Trí, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động cực kỳ khó khăn, nên việc thưởng Tết trở nên quá sức với các ông chủ doanh nghiệp. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp trong ngành may mặc, song mây, thủy sản... nỗ lực lắm cũng chỉ có thể gửi túi bột ngọt, dầu ăn, hạt dưa, bánh kẹo... tới người lao động để hưởng chút không khí Tết. Trị giá mỗi phần quà dao động 100.000-200.000 đồng.

Chuyện dùng hiện vật làm quà Tết, thay vì thưởng bằng tiền mặt không còn lạ, nhất trong bối cảnh năm nay, doanh nghiệp hứng chịu nhiều thách thức. Còn đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuyện “thưởng tết” bằng giò, bằng bánh chưng, mì chính, bát ăn cơm… là chuyện “xưa như trái đất”. Lý giải về vấn đề này, Hiệu trưởng Phạm Thị Thiên Nga, trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ:

Trường chúng tôi là đơn vị tự hạch toán thu chi nên nếu cả năm chi khéo, cộng  thêm tiền quĩ của hội phụ huynh thì may chăng thưởng được cho mỗi giáo viên được 100 - 200 nghìn đồng. Tiền này mà nhà trường không ý thức phân chia chi tiêu thì cũng không được mức đó mà thưởng cho anh chị em. Về phía chính quyền quận cũng chưa năm nào hỗ trợ cho trường phần quà hay thưởng tết cho giáo viên…”

Những người làm nghề giáo vẫn thường gọi đó là quà tết, chứ không phải thưởng Tết. Nghề giáo chẳng bao giờ có thưởng.

Cả công ty, doanh nghiệp lớn cũng không có thưởng

Năm nay kinh tế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên tạm thời nghỉ không lương từ mấy tháng trước Tết. Đến lương còn chẳng có nên việc thưởng Tết đương nhiên là chẳng có gì.

Thậm chí, ngay cả một tập đoàn quốc gia lớn như EVN (Tập đoàn điện lực) cũng dự kiến không có thưởng Tết cho nhân viên do làm ăn thua lỗ. Người lao động chỉ còn biết kêu trời vì không biết lấy đâu tiền để lo cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Vẫn biết, năng lực cũng như áp lực làm việc của mỗi người khác nhau, so sánh sự cống hiến xã hội của mỗi cá nhân đều là khập khiễng. Với nhiều cá nhân làm trong các cơ quan nhà nước thuộc các đơn vị không kinh doanh thì mãi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Bao người vẫn phải ăn nhịn để dành suốt năm để có thể có một cái tết đầy đủ tươm tất như mọi người.

Chia sẻ