Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị tạm nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm thế nào để nhận được nhanh nhất?
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm lương, cho nhân viên tạm thời nghỉ không lương, hoặc nghỉ việc hoàn toàn. Vậy hồ sơ, thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết nhất.
Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn khó về kinh tế, buộc phải thực hiện các biện pháp như cho nhân viên tạm nghỉ việc hoặc giảm lương nhân viên, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa, nhân viên buộc phải nghỉ việc hoàn toàn. Trong số đó, có người lao động không biết phải làm những thủ tục gì để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. Hà Nội để làm rõ những thắc mắc, nhằm giúp người lao động đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng của mình.
Việc doanh nghiệp tạm thời cho người lao động nghỉ hoặc cắt giảm lương trong đại dịch Covid-19 là một việc làm không thể tránh khỏi trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng những điều đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Có thể nói đây là tình huống bất khả kháng trong thời điểm này. Tuy nhiên, pháp luật lao động cũng đã có quy định khá đầy đủ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia quan hệ lao động.
Theo đó, Điều 31 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định khi gặp khó khăn đột xuất do hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh... người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Và phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Về tiền lương, nếu tiền lương của công việc mới mà thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Thưa luật sư, điều kiện để người lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp là gì?
Luật sư Đặng Văn Cường: Căn cứ theo Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm, người lao động sẽ được nhận BHTN nếu đáp ứng các điều kiện sau:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Trong trường hợp người lao động tự nguyện nghỉ việc và được doanh nghiệp đồng ý, vậy người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo Điều 49 Luật việc làm năm 2013, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thỏa các điều kiện sau:
- Một là, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
- Hai là, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Luật sư có thể cho biết, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm những thủ tục, giấy tờ gì?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (xem chi tiết mẫu đơn tại đây);
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, người lao động cũng cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Vậy số tiền trợ cấp thất nghiệp người lao động sẽ được hưởng là bao nhiêu, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH xác định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
Mức hưởng hàng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%.
Lưu ý: Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Mức hưởng hàng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Xin chân thành cảm ơn luật sư!