Thủ phạm khiến 85% trường hợp trẻ em đột quỵ xuất huyết não

Hoàng Hoa,
Chia sẻ

Xuất huyết não được xem là nguyên nhân chủ yếu trong những trường hợp đột quỵ cấp và tử vong nhanh chóng sau đó.

Xuất huyết não được xem là nguyên nhân chủ yếu trong những trường hợp đột quỵ cấp và tử vong nhanh chóng sau đó.

Đáng chú ý, 85% những trường hợp trẻ em bị đột quỵ xuất huyết não là do dị dạng mạch máu não với các dấu hiệu rất khó phân biệt, phát hiện sớm.

Xảy ra ở mọi lứa tuổi

Tài xế N.T.B (53 tuổi) dù đã được cứu chữa kịp thời nhưng vẫn không qua khỏi sau khi bị đột quỵ cấp lúc đang chở khách vào ngày 2/9/2023 tại Quận 5, TPHCM.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho biết, quan sát cơn đột quỵ của người tài xế qua clip, cho thấy tài xế bị thương nghiêm trọng bán cầu não bên phải.

Với việc tử vong quá nhanh, nhiều khả năng do xuất huyết não lượng lớn, gây thoát vị não.

Trong khi đó, nếu đột quỵ thiếu máu não, dù tắc động mạch lớn, thời gian dẫn đến tử vong sẽ không quá nhanh. Ngoài ra, tỷ lệ gây ra cơn co giật của xuất huyết não cũng cao hơn đột quỵ do thiếu máu não. Trong trường hợp đột quỵ do xuất huyết não, 90% nguyên nhân là do cao huyết áp.

Gần đây nhất, vào ngày 5/9, thầy Trương Văn Lai - 45 tuổi, Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cũng tử vong sau cơn đột quỵ não.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ (bệnh viện chuyên tiếp nhận cấp cứu, điều trị đột quỵ) nhấn mạnh, đột quỵ có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi độ tuổi và mọi đối tượng trong xã hội và ngày càng trẻ hóa. Trong đó, độ tuổi từ 0 - 18 bị đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong sau xuất huyết não là 25%.

Tháng 6/2023, B.N.Q.T (19 tuổi, Kiên Giang) - sinh viên một trường đại học tại TPHCM bị đột quỵ sau giấc ngủ trưa ở ký túc xá. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết não ở bán cầu não trái, xuất huyết dưới nhện rải rác, xuất huyết não thất bên trái.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị dị dạng mạch máu não đã vỡ xuất huyết gây chèn ép não nặng và được mổ cấp cứu lấy máu tụ ở não và cầm máu khối dị dạng, đồng thời tiếp tục can thiệp DSA làm tắc các mạch máu khối dị dạng 1 tuần sau đó.

Tuy vậy, sau gần 2 tháng điều trị, T. vẫn lơ mơ, không thể tiếp xúc, thể trạng suy kiệt, yếu liệt nửa người bên phải.

Theo phân tích của PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình ở người trưởng thành như: Tuổi tác, tăng huyết áp, hút thuốc lá, yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình…

Thủ phạm khiến 85% trường hợp trẻ em đột quỵ xuất huyết não - Ảnh 1.

Bệnh nhân đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM).

Khó phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em

Một bé trai 3 tuổi (ở tỉnh Vĩnh Long) khi đang chơi với bạn thì đột ngột bị té xuống sàn nhà, lên cơn co giật và bất tỉnh sau đó. Sau khi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, các bác sĩ khoa cấp cứu thực hiện xét nghiệm và chụp CT-scan sọ não, ghi nhận bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện (xuất huyết não) rất nhiều.

Sau khi được hồi sức ổn định, bệnh nhi được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Và như dự đoán ban đầu, túi phình mạch máu não là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ xuất huyết não của bệnh nhi.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cũng từng tiếp nhận bệnh nhi 6 tuổi trong tình trạng hôn mê, yếu nửa người bên trái. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm, chụp CT-scan cho thấy trẻ bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, phải phẫu thuật mở sọ để giải áp.

Theo chia sẻ của BS Huỳnh Hữu Danh - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có hai dạng đột quỵ, gồm nhồi máu và xuất huyết, trong đó đột quỵ ở trẻ em thường gặp là do xuất huyết não.

Nguyên nhân xuất huyết não ở trẻ em thường gặp nhất là dị dạng mạch máu não. Trẻ 3 tuổi chưa phải là độ tuổi nhỏ nhất vì đột quỵ có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh.

TS.BS Trần Chí Cường cũng cho biết, trong các trường hợp bị đột quỵ xuất huyết não trong độ tuổi từ 0 - 18, chiếm từ 80 - 85% là do vỡ dị dạng mạch máu não, để lại nhiều di chứng như yếu liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ.

Các bác sĩ cũng cho biết, một khi đã có chẩn đoán là đột quỵ thì đây là tình trạng bệnh lý rất nặng cho dù là trẻ em hay người lớn. Đối với những trường hợp đột quỵ xuất huyết não, nếu điều trị không kịp thời, lượng máu xuất huyết chèn ép vào nhu mô não gây tổn thương các trung khu thần kinh ở thân não, nguy cơ dẫn đến tụt não và tử vong.

Đối với trẻ em, phòng ngừa đột quỵ vẫn đang là thách thức, ngay cả với các nước tiên tiến trên thế giới. Nếu ở người lớn, bệnh nhân đột quỵ có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, béo phì… thì ở trẻ em, lại không có các yếu tố nguy cơ này. Các nguyên nhân đa phần là do bẩm sinh như do dị dạng động mạch máu não hoặc túi phình mạch máu não.

“Đa số các trường hợp dị dạng mạch máu não sẽ không có triệu chứng và hoặc có những triệu chứng không điển hình như khi chưa vỡ như đau đầu, co giật, động kinh... dẫn đến việc dễ bị các bác sĩ bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. Vì vậy, khi ổ dị dạng đã vỡ, gây xuất huyết não, trẻ sẽ có những triệu chứng điển hình như đau đầu dữ dội, yếu liệt tay/chân, lơ mơ, hôn mê... nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong”, TS.BS Trần Chí Cường cho biết.

“PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo, nước ta thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Với số dân gần 100 triệu người, Việt Nam có khoảng trên 200.000 ca đột quỵ mỗi năm.

Hiện tại, cả nước đã có 110 đơn vị/trung tâm đột quỵ nhưng phần lớn các đơn vị này lại tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Vì vậy, hậu quả là khá nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất”.

Chia sẻ