Thở đúng cách để khỏe đẹp

,
Chia sẻ

Chúng ta không thể điều khiển cho nhịp tim đập nhanh hay chậm, dạ dày co bóp hay không, mạch máu co hay giãn, nhưng chúng ta có thể điều khiển, làm chủ được hơi thở.

Khi chúng ta không để ý thì vận động của hơi thở là tự phát, tùy theo các kích động của thần kinh hay cảm xúc mà nó diễn ra nhanh hay chậm, nông hay sâu, đều hay không đều. Trong cách hít thở thông thường, ta chỉ tống không khí ra khỏi phần trên và phần giữa của phổi, còn phần đáy phổi sẽ có nhiều khí cặn. Phổi bình thường có dung tích khoảng 5 lít không khí, khi ta hít vào thở ra mạnh, chỉ khoảng 3 lít không khí được lưu chuyển, như vậy còn khoảng từ 1,5 - 2 lít không khí không được lưu chuyển và bị tồn đọng. Vậy ta phải tập hít thở sâu đến tận đáy phổi, đẩy hết khí cặn ra ngoài và làm cho không khí trong lành tràn vào.

Đây là một trong những lý do mà cách thở yoga muốn nhấn mạnh: phải thở sâu, chậm, dài. Khi thở ra, cần làm cho không khí ứ đọng trong phổi được đẩy ra ngoài càng nhiều càng tốt và thay thế bằng nhiều không khí trong lành. Thán khí càng được đẩy ra bao nhiêu thì không khí trong lành được đem vào bấy nhiêu.
 
Động tác thở được thực hiện với một hệ thống các cơ gồm: cơ chủ yếu là cơ hoành, nó nằm ngang giữa ngực và thành bụng tạo thành một cái vòm (xem hình), mặt trên giáp với tim, phổi, mặt dưới giáp với gan và khoang bụng: trong đó chứa các bộ phận của hệ tiêu hóa, dạ dày, ruột và các nội tạng khác.
 

Tập hít thở, trước hết phải tập động tác cơ bản là: thóp bụng cho cơ hoành nâng lên để thở ra và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để hít vào.

Nếu phối hợp thở bụng và thở ngực, ta được cách thở toàn diện, lúc hít vào thì cơ hoành hạ xuống, cho hai vai đưa lên và phần trên của lồng ngực được mở ra. Như vậy, buồng phổi được mở rộng theo chiều dọc lẫn chiều ngang, dưỡng khí được đưa vào đáy phổi và đỉnh phổi. Khi thở ra, cơ hoành nâng lên thóp bụng lại, phần trên của lồng ngực cũng được hạ xuống.

Nên hít vào và thở ra bằng mũi, nếu cần lấy hơi lại nhanh như sau khi tập một tư thế mạnh, lúc lên cầu thang, lúc bơi, chạy... thì có thể thở ra bằng miệng. Tại sao phải hít thở đều bằng mũi? Để làm sạch bụi bặm và vi khuẩn, không khí phải được hít vào qua đường mũi, nơi đó các màng nhầy tiết ra chất nhờn lọc sạch không khí và chất này cũng có khả năng diệt khuẩn. Thở ra bằng miệng trong một thời gian dài sẽ làm mất nước trong cơ thể; thở ra bằng mũi sẽ tránh được tình trạng này.
 
Lúc vận động mạnh, cần đưa lượng oxy vào nhiều, tức là phải nâng hiệu suất hít thở tối đa. Trong sinh hoạt thường ngày, trong lao động sản xuất, sẽ khó vận dụng cả hai vai cho phần trên của lồng ngực lên xuống, vì động tác này ảnh hưởng đến hai cánh tay. Trong lúc lái xe, lúc tập bắn súng hay bắn cung, lúc vẽ, thêu, cầm máy quay phim, chụp ảnh... ta không thể cho hai vai lên xuống để hít thở. Vì vậy, trong những trường hợp này, cơ thể rất mau mệt. Nếu tập thở tốt bằng cơ hoành và phần dưới lồng ngực thì sẽ hạn chế được tình trạng này. Người ta thường tập luyện gián tiếp cơ hoành và các cơ hô hấp bằng cách vận động nhiều, như chạy nhảy hay bơi lội...

Lúc ngồi yên, không vận động mạnh, ta không cần đưa oxy nhiều vào cơ thể, khí CO2 bị khử ra nhiều quá cũng có hại: độ pH của máu sẽ lên cao làm ta chóng mặt. Nhiều người mới tập hít thở hay mắc sai lầm này: khi ngồi yên vẫn cố hít thở thật sâu, mạnh và nhiều. Ngồi yên thì cần hít thở sâu, nhẹ nhàng đều đặn, chậm rãi. Nếu thường xuyên hít thở chậm rãi, êm nhẹ, chúng ta sẽ dần dần điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động tâm sinh lý của cơ thể, đây là cách giữ gìn sức khỏe thuận tiện và đơn giản nhất. Ta có thể tập hít thở sâu chậm nhiều lần trong ngày, mỗi lần chừng vài phút.

Chia sẻ