Thị trường bánh kẹo, mứt Tết: Hàng nội chiếm ưu thế

Theo Phụ nữ TP,
Chia sẻ

PN - Tín hiệu vui của thị trường bánh kẹo, mứt Tết năm nay là hầu như các mặt hàng Trung Quốc (TQ) đều bị từ chối tại các chợ truyền thống. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng vào chợ.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều DN và người tiêu dùng lo ngại là tình trạng gắn đát mới cho bánh kẹo, mứt ngoại nhập lậu cận đát, hết đát để bán giá rẻ, cạnh tranh với bánh kẹo nội.

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết: Hàng nội chiếm ưu thế 1 
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy

Cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả

Đến thời điểm này, tại hầu hết các đại lý, cửa hàng, siêu thị… đã tăng lượng hàng chuẩn bị bán Tết. Đặc biệt, tín hiệu vui năm nay là các mặt hàng trong nước chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập nhờ đa dạng chủng loại, mẫu mã và giá rẻ.

Ghi nhận tại một số đại lý chuyên phân phối bánh kẹo sỉ, cửa hàng bán lẻ ở khu vực quận 3, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp (TP.HCM) cho thấy, hàng hóa trưng bày, chứa trong kho để bán Tết đa số là bánh kẹo của các thương hiệu trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Phạm Nguyên… chỉ một số ít mẫu bánh của Indonesia, Thái Lan. Anh Trần Ngọc Hiển - chủ cửa hàng 805 (Trương Minh Giảng, Q.Gò Vấp) cho biết, mẫu mã bánh kẹo của các thương hiệu trong nước năm nay khá đẹp, đủ kiểu dáng, đa dạng chủng loại, nhiều kích cỡ, giá lại vừa túi tiền nên nhiều người chọn mua. Nhiều đại lý đánh giá, ngoài mẫu mã thì chất lượng bánh kẹo nội năm nay không thua kém hàng ngoại, trong khi đó giá lại rẻ hơn nhiều. Đây là lợi thế, dự báo sức tiêu thụ hàng nội sẽ mạnh hơn trong mùa Tết năm nay. Cụ thể, cùng kích cỡ 450g, chất lượng như nhau, nhưng giá bánh xuất xứ Indonesia khoảng 96.000đ/hộp, trong khi bánh nội giá chỉ từ 50.000-60.000đ/hộp, tùy thương hiệu.

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết: Hàng nội chiếm ưu thế 2

Thay vì đầu tư mẫu mã bao bì như mọi năm, năm nay hầu hết các đơn vị sản xuất bánh kẹo đều tập trung đầu tư nâng chất lượng, và cơ cấu giá thành hợp lý để cạnh tranh với bánh kẹo ngoại. Đại diện Công ty Vinamit cho biết, toàn bộ các chi phí truyền thông, đầu tư mẫu mã đều được cắt giảm và khoản này dùng để bù vào giá sản phẩm. Năm nay, giá bán các loại kẹo đậu phộng, kẹo mè… của Vinamit đều giảm khoảng 12% so với Tết năm ngoái.

Thông tin từ các nhà sản xuất, dòng bánh kẹo cao cấp chiếm tỷ trọng không cao trong tổng lượng hàng tung ra phục vụ Tết, thay vào đó, các DN trong nước đưa ra nhiều dòng sản phẩm bình dân và đóng gói riêng lẻ trong các hộp nhựa, gói ni lông đơn giản để kéo giá thành xuống, giúp người tiêu dùng dễ chọn lựa. Kinh Đô chọn cách đóng gói dòng bánh nhãn Cosy thành nhiều kích cỡ với trọng lượng từ 300-700g trong nhiều loại hộp khác nhau. Ông Phan Văn Thiện - Phó TGĐ Bibica cho biết, qua khảo sát cho thấy, phân khúc bình dân từ 30.000-90.000 đ/hộp bánh đang chiếm phần lớn. Do đó, DN này tập trung vào dòng sản phẩm bình dân.

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết: Hàng nội chiếm ưu thế 3

Tại các hệ thống siêu thị, bánh kẹo, mứt Tết hơn 90% là hàng Việt. Big C giới thiệu một số loại sản phẩm mới như trái cây sấy, mứt dừa nước, hạt hạnh nhân… và nhiều loại bánh kẹo, mứt thuộc nhãn hàng riêng có giá rẻ hơn từ 10-30% so với sản phẩm cùng loại. Riêng Co.op mart phân phối giỏ quà Tết thuần Việt tập trung các mặt hàng thực phẩm, đặc sản làng nghề của các cơ sở sản xuất trong nước, như kẹo dừa Yến Hoàng; bánh dừa Tiến Đạt; các loại mứt dừa, mứt gừng, mứt mãng cầu… có giá bình dân, dễ lựa chọn. Tại các chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu… cũng đã bày bán đủ chủng loại bánh kẹo, mứt Tết của các cơ sở trong nước như Đức Hạnh, Lai Phú, Thái Hương…

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết: Hàng nội chiếm ưu thế 4 
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy

Tráo nhãn mác

Dù thị trường bánh kẹo, mứt Tết năm nay hàng nội chiếm ưu thế nhưng cũng không ít nơi nhập bánh kẹo ngoại không rõ nguồn gốc, chất lượng. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã phát hiện hơn 1.700 gói trần bì, kẹo dẻo, kẹo nổ, bánh ly, kẹo cà phê sữa, kẹo cao su, rau câu do TQ, Thái Lan sản xuất không có hóa đơn chứng từ tại một điểm chứa hàng gần chợ Bình Tây (Q.6). Chưa kể, một lượng hàng hóa đáng kể đã được tuồn bán ra thị trường và phân phối về các tỉnh đã không được kiểm soát.

Ghi nhận tại chợ sỉ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5) cho thấy, hầu hết tiểu thương trưng bày chủ yếu bánh, kẹo, mứt của cơ sở trong nước nhưng khi hỏi mua sôcôla, mứt TQ thì người bán sẵn sàng về kho lấy hàng hoặc đến sạp ở khu vực khác chuyển về ngay. Đặc biệt, khu vực bán bánh kẹo, mứt Tết trên đường Trần Bình bên hông chợ Bình Tây, phần lớn là hàng xá bán ký hoặc theo kiện 10-15kg đóng sẵn, không bao bì nhãn mác.

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết: Hàng nội chiếm ưu thế 5 
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy

Đáng nói, nhiều loại bánh kẹo dù để tên cơ sở trong nước với những cái tên viết tắt như Q.K, T.T… nhưng nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng in nhem nhuốc, bao bì đóng gói sơ sài. Một cán bộ Chi cục QLTT TP.HCM cảnh báo, mùa Tết bánh kẹo, mứt cận đát, hết đát ngoại nhập ồ ạt về thành phố, nhiều trường hợp tháo rời, đóng gói lại, dán đát mới, tung ra thị trường. "Ngay cả cơ quan chức năng đi kiểm tra hàng bán ngoài chợ cũng khó phát hiện. Chỉ khi nào vào tận cơ sở bắt quả tang đối tượng đang thực hiện hành vi này hoặc đối chiếu thành phẩm, nhãn bao bì mới biết được đát thật, giả", vị này nói.

Chia sẻ