Thị lực kém không được lái xe máy: Tai nạn giao thông đâu phải do... cận thị!

Tiểu Lâm,
Chia sẻ

Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe máy gặp nhiều ý kiến trái chiều của người dân.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015. Theo quy định mới, người có thị lực nhìn xa hai mắt dưới 4/10 kể cả đeo kính hoặc bị rối loạn nhận biết 3 màu đỏ, vàng, xanh lá cây (mù mầu), thì không được phép lái xe. Sự việc đang khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Nhiều quy định gây tranh cãi 

Trước đó, vào năm 2008 Bộ Y tế cũng đã có dự thảo 34/2008 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe điều khiển môtô, xe ba bánh. 

Theo đó, muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy từ 50 cm3 trở lên (giấy phép lái xe hạng A1, B1) thì phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm, cân nặng không được dưới 40 kg, lực bóp tay không thuận trên 24 kg và phải có chiều cao trên 1,5 m (hạng B1), trên 1,45 m (hạng A1 - xe máy có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175 cm3). Nếu quá thấp bé, nhẹ cân; có chiều cao dưới 1,45 m không được xếp vào nhóm đủ điều kiện lái xe máy 50 cm3; chiều cao đạt yêu cầu nhưng trọng lượng cơ thể không đủ 40 kg cũng không đủ điều kiện để lái xe. Ngoài ra còn có một số tiêu chí khác quy định về bệnh tật, mức độ cận thị... để được phép lái xe. Dự thảo khiến dư luận dậy sóng trong một thời gian dài, và được người dân hiểu nôm na rằng “ngực lép, nhỏ con hay tay 6 ngón thì không được phép lái xe”.

thgia giao thông
Theo quy định mới, người có thị lực nhìn xa hai mắt dưới 4/10 kể cả đeo kính hoặc bị rối loạn nhận biết 3 màu đỏ, vàng, xanh lá cây (mù mầu), thì không được phép lái xe.  (Ảnh minh họa)

Còn theo thông tư mới, thì các tiêu chí trong dự thảo về ngực lép, tay 6 ngón, hay những tiêu chí về chiều cao, cân nặng đã không còn được đưa vào những tiêu chí không được phép. Tuy nhiên, trong thông tư đã xuất hiện một tiêu chí khác khiến nhiều người phải bàn luận, tranh cãi gay gắt. Theo đó, người có thị lực nhìn xa cả hai mắt dưới 4/10, nếu còn 1 mắt mà thị lực dưới 4/10 kể cả đeo kính, rối loạn nhận biết 3 màu đỏ, vàng, xanh lá cây sẽ không đủ điều kiện lái xe máy.

Trong thông tư mới còn một số quy định khác về một số thể trạng bệnh tật, nồng độ cồn cho phép, huyết áp thấp, cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các tay chân còn lại không toàn vẹn.... cũng không đủ điều kiện để lái xe. Ngoài ra, người lái xe thường xuyên phải có sổ khám sức khỏe định kì để theo dõi. 

"Cấm những người cận nặng lái xe là bất công cho tôi"

Sau khi những quy định thuộc nội dung thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe vừa được Bộ Y tế và Bộ GTVT đưa ra, nhiều người ủng hộ thông tư cho rằng những tiêu chí đó là cần thiết. Vì những người không có đủ thị lực thì rất khó có thể kiểm soát được tình trạng lái khi tham gia giao thông, đặc biệt là vào khoảng thời gian chiều tối. 

Anh Quảng An (29 tuổi, Phúc Xá, hà Nội) cho rằng: “Những người cận nhẹ thì vẫn được lái xe bình thường, còn đối với người cận nặng thì chỉ nên ngồi sau. Cầm lái không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác”.
 
Anh An cũng khẳng định: “Tôi là một người bị cận 5/10 độ nên biết, chạy bình thường thì chẳng có vấn đề gì đâu, nhưng gặp những tình huống bất ngờ trong điều kiện thiếu sáng mới là vấn đề”.

Đồng ý vớ quan điểm của anh An, anh Hưng  (25 tuổi, Tp.HCM) cho biết: “Tôi khuyến khích những người cận thị nặng di chuyển bằng các phương tiện công cộng.  Quy định cũng rất rõ ràng, người cận 4/10 độ như vậy thì thị lực của họ rất kém. Dù có sử dụng kính cận, hay kính áp tròng chắc chắn trong nhiều trường hợp không thể xoay sở như người có thị lực 10/10. Quy định như thế này là cách để ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông xảy ra khi người điều khiển không thể nhìn rõ đường và người đi đường”. 

Tuy nhiên, ngược lại, nhiều người lại cho rằng một số tiêu chí trong thông tư là vô lý, đặc biệt là “bất công” với những người cận thị. Chị L.T.Hương (Lương Yên, Hà Nội) bức xúc về những quy định vô lý: “Những ca gây tai nạn giao thông đâu phải một mình những người cận nặng gây lên mà cấm? Ra thông tư như vậy thì thật sự bất công cho tôi và những người cận thị nói chung”. Bản thân chị Hương là một người có thị lực 3/10. Chị biết thị lực mình kém nên không bao giờ lái xe quá vận tốc 40 km/h và luôn luôn tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. 

Đồng quan điểm, anh Hoàng (34 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Những tiêu chí trong thông tư này khá giống với dự thảo về “ngực lép”. Tôi thấy những quy định này hoàn toàn không phản ánh đúng bản chất của người lái xe. Dù cận nhưng con người đã phát minh ra kính cơ mà. Vậy thì, tại sao phải cấm người cận thị 4/10 không được phép lái xe?”.

Còn theo bác Lương (54 tuổi, Ngũ Xã, Hà Nội,) cho biết: “Những người vô ý thức mới là những tác nhân gây tai nạn giao thông. Cấm là cấm ý thức là trên hết”.

Chị Liên giáo viên của một trường Đại Học ở Hà Nội bày tỏ, Bộ Y tế và Bộ GTVT nên xem lại thông tư để phù hợp hơn: “Tôi thấy nên tăng tiền phạt hơn là ra những thông tư, quy định vô lý như thế này. Chỉ có đánh vào kinh tế thì may ra ý thức chấp hành của người tham gia giao thông mới nâng lên. Còn việc cấm người cận lái xe là hoàn toàn vô lý”.

Chia sẻ