The Voice: "Gạo ngon cần phải nhai kĩ"

Hiểu Minh,
Chia sẻ

Nếu The Voice là một mâm cơm, màn trình diễn của thí sinh là các món ăn. Khán giả không có sự hiểu biết nhất định về âm nhạc, “nhai” mãi cũng không cảm nhận được vị ngon.

1. The Voice chỉ năm đầu đã thành công về mặt doanh thu (chắc chắn là như vậy), vì cứ mỗi số sau, chúng ta càng phải xem nhiều quảng cáo hơn, và số lượng người quan tâm cũng lớn dần lên từng ngày. Nó như cơn sốt giá xăng, dầu, khi Việt Nam đã "nhúng chân" vào thị trường đó, cơn sốt thế giới lên cao, cũng kéo theo cơn sốt tại Việt Nam lên cao. 

The Voice:
The Voice trở thành một trong những chương trình truyền hình thực tế ăn khách nhất từ trước tới nay

Điều này xoáy sâu vào một căn bệnh rất thường trực trong khán giả Việt truyền thống, bị ảnh hưởng bởi số đông. Ví dụ, khi bạn xem một chương trình, 4 trong số 5 người bạn của bạn bảo nó hay, trong đầu bạn tự động sản sinh ra một suy nghĩ “nó phải hay, thì số đông mới thấy hay”.

Nhưng trên thực tế, rất có thể, những người bạn đó cũng chỉ thấy cái hay, theo cái hay của thế giới. Vậy là chúng ta cứ mặc nhiên cho một chương trình là hay, dù không cần biết nó hay ở đâu.

2. Khán giả xem The Voice, như tôi và các bạn, trước hết là khán giả yêu thích những điều mới, nhưng theo quy tắc thông thường, chúng ta vẫn phân chia nhau thành 2 loại, khán giả thích giải trí, và khán giả xem để tìm kiếm yếu tố nghệ thuật. 

Khán giả thích giải trí sẽ xem gì. Đại loại sẽ là: “hoàng tử X hôm nay có còn đẹp trai như hôm trước”, "cô công chúa Y có style nào mới”, “các giám khảo có còn chí chóe tranh giành thí sinh”, hay “có còn ai khóc lóc thảm thiết trong một ngày đẹp trời của đối phương”

The Voice:
Cặp đôi này đang là tâm điểm của The Voice

Sự thật, sẽ có khoảng 60-80% khán giả Việt Nam là thế, đợi chờ những điều như vậy, và lấy những điều giải trí như vậy làm hơi thở trong cơn sốt chương trình thực tế đang lên tại Việt Nam. Đọc đến đây, nhiều người sẽ “dùng dằng” với suy nghĩ, mình không phải đối tượng khán giả đó. 

Thế nhưng, thứ nhất, bạn hãy thử kiểm lại xem, bạn nhớ được bao nhiêu tiết mục trong The Voice mỗi số vòng Giấu mặt, và gần đây là tập 1 vòng Đối đầu. Thứ hai, cho dù bạn là khán giả xem để giải trí đi nữa, thì đấy đơn giản là phong cách của bạn, đó không phải điều xấu hổ, khán giả giải trí cũng là khán giả văn minh.

The Voice:
Ngay cả The Voice bản Mỹ cũng có tính giải trí rất cao

3. Đạo diễn của The Dark Knight Rises, Christopher Nolan đã nói một câu, nội dung tóm tắt thế này: "Thế giới này đã hết thuốc chữa. Nếu bạn chỉ cần lừa được họ một giây thôi, bạn sẽ trở nên phi thường trong mắt họ. Bởi vì, con người muốn bị lừa." 

The Voice:
Sân khấu kia có sức hấp dẫn quá lớn với đa số khán giả

Khán giả thông thường là những người bình thường, hát tàm tạm, và đa phần không có năng khiếu âm nhạc. Vì vậy, khán giả luôn muốn tin vào những điều phi thường mà họ không làm được. 

Ví dụ như đêm Bùi Anh Tuấn hát “Nơi tình yêu bắt đầu”, đa phần người xem chưa chắc đã thấy hay, nhưng sẽ thấy “khủng”, mà một khi thấy “khủng”, sẽ mặc định là nó hay, dòng logic đó là rất truyền thống trong suy nghĩ khán giả Việt. 

The Voice:

The Voice:
Họ đang là cơn sốt và việc ghép đôi là điều tất yếu

Hay như trường hợp của Bảo Anh, rất nhiều khán giả từng tung hô cô ấy với “Safe and Sound”, ngay lập tức có thể lật mặt ở vòng Đối đầu chỉ vì thấy Bảo Anh có dấu hiệu bị “ném đá”. Nếu khán giả bình tĩnh hơn một chút, họ sẽ nhận ra, “món ăn” của Bảo Anh hay Bùi Anh Tuấn ngon ở đâu, và dở ở đâu, để từ đó không vội vã “ngấu nghiến” hoặc bỏ đi khi cơn sốt đã đi qua.

4. Một vị thuyền trường nổi tiếng cũng đã từng nói: “Nơi chúng ta đi qua, dấu vết luôn ở lại”. Dấu vết, có thể là vô ý, nhưng với nhiều khán giả Việt Nam, nó là cố ý. Nhiều khán giả sẽ không nhớ được họ đã để lại bao nhiêu lời nhiếc móc, chửi mắng ca sĩ, thí sinh trên các diễn đàn, trang web chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình. 

The Voice:
Đây là những dòng trên Youtube, bản gốc ca khúc "Well Well Well"

Bệnh “vạch áo cho người xem lưng” trên kênh Youtube của nhiều ngôi sao cũng trở thành sự xấu hổ của cộng đồng khán giả Việt. Mỗi khi có một ca khúc nào đấy được trình diễn tại The Voice, vô số những “comment” bằng tiếng Việt xuất hiện dưới mỗi clip gốc, thậm chí là rất nhiều cú ấn "like" cho “comment” đó trở thành “highlight”. Đó cũng không phải phương pháp tốt để chúng ta hiểu hơn về những màn trình diễn hay.

Tóm lại, nếu bạn không thấy một món ăn ngon, hãy bỏ đi, xin đừng "đánh đập".

Chia sẻ