Thay vì lựa chọn đầu tư, cô gái 9x ở Hà Nội vẫn thích gửi tiết kiệm vào ngân hàng

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Nhiều bạn trẻ không am hiểu kinh tế, kiến thức về thị trường đầu tư đã lựa chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng để tối ưu khoản tiền nhàn rỗi 1 cách ổn định, ít rủi ro.

Gửi tiền “nhàn rỗi” vào ngân hàng chưa lỗi thời

Là một người trẻ, thấy bạn bè cùng trang lứa đều nói về kinh doanh bất động sản, đầu tư cổ phiếu, lên sàn, đu đỉnh nhưng Phương Thảo (sinh năm 1995, hiện đang là nhân viên của công ty xuất bản sách ở Hà Nội) hoàn toàn "bàng quan".

"Mình vốn lười tính toán, không thích con số và không am hiểu kinh tế tài chính. Dù thấy bạn bè rôm rả khi nhắc tới cổ phiếu hay bất động sản nhưng tìm hiểu sơ qua đã thấy bấp bênh quá. Một phần qua các câu chuyện kể, mình tự đưa ra nhận xét riêng là các kênh đầu tư này đều có sự hấp dẫn nhờ sinh lời tốt. Nhưng lợi nhuận kỳ vọng càng cao thì độ rủi ro đi kèm cũng càng lớn. Như thời điểm qua, bạn mình không ít người thất bại, mất trắng cả nửa tỷ đồng. Không an toàn thì mình không thích", Phương Thảo chia sẻ.

Xây dựng khoản tiền nhàn rỗi ngày 1 nhiều lên theo cách chậm mà chắc - Ảnh 1.

Phương Thảo (sinh năm 1995, hiện đang là nhân viên của công ty xuất bản sách ở Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Mỗi tháng thu nhập của Thảo là 17 triệu. Tổng chi phí thuê trọ, ăn uống, xăng xe, điện nước, xã giao với các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp hết 12 triệu. Số dư nhàn rỗi là 5 triệu. Đây là mức lương ở thời điểm hiện tại, còn vào 2 năm trước, Thảo chỉ để dành mỗi tháng được 2 triệu, lúc mới ra trường thì lương chỉ vừa đủ tiêu.

"Mình lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng vì số tiền nhàn rỗi mỗi tháng không đủ mua 1 chỉ vàng. Nếu gộp từ 2-3 tháng để mua vàng tích trữ thì lại sợ tiêu hết mất trước khi kịp mua. Bất động sản thì không đủ lực.

Phương án khả thi để tiện và nhanh, chính là gửi ngân hàng, lấy lãi suất theo kỳ. Cứ thế đến hiện tại, đây là kênh duy nhất mình sử dụng để sinh lời từ khoản tiền nhàn rỗi. Tính đến giờ, tổng số tiền tiết kiệm mình có trong ngân hàng vào khoảng 177 triệu".

Tính từ khi ra trường đến nay Thảo có hơn 4 năm dùng tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm ngân hàng. Quãng thời gian dài và nhiều nhất so với tất cả bạn bè cô cộng lại. Chính bạn của Thảo đang làm việc trong ngành kinh tế cũng từng nhiều lần góp ý về cách tiết kiệm kiểu truyền thống, không còn phù hợp với tình hình kinh tế bây giờ.

"Bạn mình nói rằng mức lãi suất trung bình 5.5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và tình hình lạm phát tại Việt Nam đang duy trì khoảng 3 - 4%/năm. Như vậy với mỗi năm gửi ngân hàng thì trên thực tế số tiền thực sự sinh lãi không đáng kể, chỉ dao động 1-2%/năm. Như vậy, nếu để 100% khoản tiết kiệm tại ngân hàng thì đang chưa tối ưu được số tiền của mình", Thảo chia sẻ.

Cái khó ló cái khôn

Dù gặp ý kiến trái chiều về việc gửi tiết kiệm ngân hàng đã "lỗi thời" nhưng nhiều năm nay Thảo vẫn tin tưởng và chọn đây là kênh gửi tiền duy nhất là bởi, trong quá trình tiết kiệm Thảo đã học được rất nhiều mẹo gia tăng lãi kép hay ho. Cô cho rằng, những kiến thức được mọi người chia sẻ về việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng thực sự hữu ích và đang giúp Thảo xây dựng khoản tiền nhiều lên theo 1 cách chậm mà chắc.

Xây dựng khoản tiền nhàn rỗi ngày 1 nhiều lên theo cách chậm mà chắc - Ảnh 2.

Thứ nhất, Thảo luôn tìm những ngân hàng có lãi suất cao nhất. Hiện tại Thảo đang gửi tiết kiệm vào các ngân hàng vừa và nhỏ như GP Bank, PVCombank, Bắc Á, CB Bank và SCB vì thấy mức lãi suất khá tốt so với thị trường, khoảng 4%/năm cho khoản gửi 3 tháng, 6,8%/năm cho khoản gửi từ 6-9 tháng. Thảo áp dụng công thức "trứng chia nhiều giỏ". Tức là không gửi quá nhiều tiền vào 1 ngân hàng. Mỗi ngân hàng Thảo gửi từ 40 - 60 triệu là tối đa để chia nhỏ khoản rủi ro.

"Tùy số tiền mình xác định sử dụng ở tương lai gần hay xa mà chọn kỳ hạn khác nhau. Ví dụ như xác định gửi qua 1 năm mới sử dụng thì chọn kỳ hạn 11-13 tháng. Mình không gửi quá thời hạn này vì lãi suất 24 - 36 tháng có cao hơn 1 chút nhưng không đáng kể, khi cần rút lại phải chịu lãi suất không kỳ hạn. Nếu xác định mục tiêu cần sử dụng dưới 1 năm mình gửi kỳ hạn 1 tháng. Kỳ hạn này lãi suất rất thấp nhưng khi cần thì rút được rất nhanh".

Khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng mà chưa tới ngày đáo hạn lại cần rút tiền gấp thì vay lại số tiền đó dựa trên sổ tiết kiệm. Theo quy định của từng ngân hàng thì sẽ được vay lại 90% - 100% số tiền tiết kiệm với lãi suất cao hơn khoảng 2%/năm. Với cách này, khi đáo hạn vẫn có lợi hơn so với rút trước kỳ hạn.

Thảo không ngại gửi số tiền bé, từ 1 - 2 triệu. "Lãi suất chỉ là 1 phần, mà để đỡ tiêu vào số tiền đấy. Mình còn không nhớ có bao nhiêu sổ vì có sổ chỉ giá trị 1 triệu thôi. Đồng nghĩa với việc không để sổ tiết kiệm có mệnh giá lớn. Sổ chỉ 5 triệu, 10 triệu là cao nhất. Vì đề phòng khi cần tiền, rút 1 đến 3 sổ. Nếu gửi con số lớn, cần tiền phải tất toán tất cả trước hạn thì hơi phí". Thảo cũng không rút lãi, luôn chọn lãi nhập gốc quay vòng. Đây được gọi là lãi kép.

Sinh thái mới cho các khoản tiết kiệm

Xây dựng khoản tiền nhàn rỗi ngày 1 nhiều lên theo cách chậm mà chắc - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Tâm lý chung của nhiều người trẻ thuộc thế hệ gen Y như Thảo là thích sự ổn định, an toàn. Điều này khiến họ chưa tự tin để bước vào thị trường đầu tư. Như tại Mỹ, người trẻ thế hệ gen Y cũng gửi tiền tiết kiệm thay vì đầu tư hoàn toàn. Tuy nhiên, họ sẽ lựa chọn các ngân hàng có áp dụng fintech để tối ưu lãi suất mà vẫn đảm bảo được yếu tố an toàn.

Fintech có thể hiểu đơn giản là sự kết hợp của "tài chính" và "công nghệ". Điểm hấp dẫn có thể gói gọn trong một từ: cá nhân hóa. Khi ngân hàng áp dụng fintech sẽ giúp người dùng trẻ tuổi thực hiện các dịch vụ tiện lợi, cá nhân hóa tốt hơn từ ngân hàng, đi kèm với các ưu đãi và giải pháp cụ thể giúp họ xây dựng và đảm bảo tài chính "khỏe mạnh".

Đồng thời, sẽ có phần đầu tư tự động (robot cố vấn Robo-Advisors Robo-Consultors) là dịch vụ quản lý đầu tư trực tuyến sử dụng các thuật toán toán học để cung cấp lời khuyên tài chính với sự can thiệp tối thiểu của con người. Với dịch vụ này, robot cố vấn sẽ giúp người gửi tiền gia tăng lãi cho 1 khoản tiền cụ thể mà không cần am hiểu quá sâu về thị trường.

Tại Việt Nam, các bạn trẻ có thể tìm hiểu về các ứng dụng công nghệ tài chính thông minh áp dụng Fintech để hỗ trợ cho người có số tiền nhàn rỗi vừa và nhỏ trong vấn đề tích lũy, lại không có nhiều thời gian tìm hiểu về thị trường. Điều này tạo điều kiện nhiều hơn cho các bạn trẻ có cơ hội thăng tiến trong tài chính tương lai.

Chia sẻ