Thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử: Người hào hứng, người lo xa

Bài và ảnh: Hà Hương,
Chia sẻ

Sự thay đổi trong cách thu tiền điện: từ "hóa đơn GTGT tiền điện" được thay thế bằng "biên nhận thanh toán tiền điện" khiến nhiều người dân ủng hộ, hài lòng vì "tiện hơn". Tuy nhiên, không có ít người lại nghĩ hình thức này khiến họ phải mất thời giờ trong việc thanh toán.

Hóa đơn điện tử - kẻ mừng người lo

Từ năm 2013, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã triển khai áp dụng hóa đơn tiền điện điện tử  cho khoảng 130.000 khách hàng mua điện ở Quận Hoàn Kiếm và Quận Cầu Giấy. Năm 2014 triển khai tiếp 2 giai đoạn, cụ thể, giai đoạn 1: Từ 1/11 sẽ áp dụng hóa đơn điện tử cho khoảng 740.000 khách hàng ở các Quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn. Giai đoạn tiếp theo từ đầu tháng 12 sẽ áp dụng hình thức này cho 420.000 khách hàng ở các Huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Sơn Tây, Thường Tín, Đan Phượng. 

Kế hoạch năm 2015 triển khai tại các Quận, Huyện còn lại là Hoàng Mai, Mê Linh, Hà Đông, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Thạch Thất, Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai và Ứng Hoà.

Trước thông tin này, nhiều gia đình nằm trong khu vực chưa áp dụng hóa đơn điện tử tỏ ra khá hào hứng. Chị Cao Ngân Hà (Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội) nói: "Trước đây, tôi khá đau đầu trong việc bảo quản những hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh. Nhớ lại, bao lần tôi cùng ông xã phải lục tung khắp phòng để tìm lại hóa đơn tiền điện để lưu trữ. Vì thế, tôi thấy rất tiện khi áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, hình thức này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, giúp cho quá trình thanh toán tiền điện diễn ra rất nhanh chóng, thuận tiện".

Thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử: Người hào hứng, người lo xa 1
Với biên nhận thanh toán tiền điện nhỏ này, nhiều người cho rằng chúng tiện lợi vì không phải lưu trữ.

Là một người cẩn thận, chị Ngân Hà cho hay, trước đây khi nhận được hóa đơn GTGT tiền điện, chị thường đọc rất kỹ các chỉ số mới, chỉ số cũ, hệ số nhân, điện năng tiêu thụ, so sánh số này với những chỉ số tháng trước... công đoạn này tốn khoảng 10 phút của cả chị lẫn người đến thu tiền. "Trong thời gian tới, khu vực tôi áp dụng hình thức này, tôi hoàn toàn có thể ung dung lên mạng tra cứu hóa đơn điện của gia đình một cách thoải mái, cẩn thận mà không ái ngại việc người đi thu tiền điện giục giã 'nhanh lên chị'. Thêm vào đó, theo những gì được biết nếu nhỡ may hóa đơn thanh toán bị thất lạc, gia đình tôi cũng được yên tâm khi toàn bộ các thông số điện đã được công ty điện lưu trữ trên mạng". 

Bên cạnh đó, khi nghe thông tin sẽ thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử, nhiều hộ gia đình khá hoang mang. Trong đó có gia đình bác Nguyễn Thị Cúc - 70 tuổi (Đống Đa, Hà Nội), vợ chồng bác Cúc hiện tuổi cao, con cái lại đi làm ăn xa nhà. Bác chia sẻ: “Tôi rất lo vì với cách này, tôi sẽ phải mất công ra bưu điện hoặc ngân hàng để thanh toán điện. Đó sẽ là điều khiến tôi khá ngần ngại và thấy hình thức này rắc rối".

Anh Nguyễn Văn Thắng (Long Biên, Hà Nội) cho hay: "Tôi thấy việc thay thế hóa đơn điện tử/biên nhận thanh toán tiền điện cho hóa đơn giá trị gia tăng chưa hợp lý. Trước đây, hóa đơn GTGT là một tờ giấy ghi đầy đủ, chi tiết các thông số chỉ số cũ, mới, điện năng tiêu thụ... thế nhưng theo tôi được biết nếu áp dụng hình thức mới này thì trên biên nhận chỉ ghi vài thông tin về khách hàng. Và nếu muốn xem, tôi sẽ phải mất công lên mạng tra cứu các chỉ số, mà việc tra cứu như thế nào thì tôi và nhiều người khác chưa nắm rõ. Nhà tôi thì có lắp mạng internet nhưng với những người khác không dùng mạng thì biết tra cứu thế nào?".

Cách tra cứu hóa đơn điện tử dễ dàng, tiện lợi

Theo hướng dẫn của EVN Hà Nội, khách hàng có thể thực hiện theo các bước sau để tra cứu hóa đơn điện tử: 

Bước 1: Truy cập vào Website http://www.evnhanoi.com.vn và chọn mục EVNHANOI và Khách hàng

Bước 2: Nhập tên đăng nhập, mật khẩu, sau đó chọn nút Đăng nhập. 

Bước 3: Sau khi đăng nhập, bạn có thể vào mục  tra cứu chọn tra cứu hóa đơn điện tử.

Nếu bạn chưa thanh toán tiền điện thì chỉ xem được thông báo tiền điện. Nếu bạn đã thanh toán tiền điện thì có thể vào mục xem hóa đơn tiền điện hoặc ấn nút tải hóa đơn để tải bản thể hiện hóa đơn về. 

Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVN HANOI cho biết: Sử dụng hóa đơn điện tử vừa là mối quan tâm của người tiêu dùng vừa là mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điều này giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Một tiện ích nữa mà nó đem lại là tiết kiệm, giảm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn so với sử dụng hóa đơn giấy.

Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trả lời lo lắng về phương thức thanh toán, ông Trung cho biết, người dân vẫn giữ nguyên phương thức thanh toán hiện tại tại nhà, vẫn có người thu tiền điện đến thu trực tiếp.

Nếu bạn thanh toán tiền điện tại nhà, nhân viên thu tiền điện sẽ gửi Biên nhận thanh toán tiền điện được in trực tiếp từ thiết bị điện tử cầm tay (biên nhận thanh toán hóa đơn điện tử ). Nếu bạn thanh toán tại các địa điểm thu của Công ty Điện lực các quận, huyện, thị xã bạn sẽ nhận hóa đơn dạng giấy truyền thống kèm theo phiếu thu sau khi bạn thanh toán tiền điện. Ngoài  ra Tổng Công ty điện lực Hà Nội đã và đang mở rộng các kênh thanh toán điện tử, ngân hàng, online. 

Nếu chọn hình thức thanh toán qua ngân hàng, người dân sẽ nhận được biên nhận thu tiền của các ngân hàng. Các biên nhận thanh toán tiền điện hoặc phiếu thu có đầy đủ các thông tin chính trên hoá đơn như: tên khách hàng, địa chỉ, số công tơ, ID hóa đơn, mã khách hàng, seri hoá đơn điện tử, tháng lập hoá đơn, điện năng tiêu thụ và số tiền thanh toán...

Gia đình chị Dương Thu Phương (Hàng Bông, Hà Nội) đã tham gia việc đóng tiền điện bằng hình thức này được 7 tháng. Chị cho biết, việc đưa toàn bộ thông tin tiền điện lên mạng khiến chị an tâm hơn nhiều. "Nếu như trước đây, sự tăng giảm thất thường của tiền điện mình chẳng biết kêu ai ngoài việc phản hồi lại với nhân viên thu tiền điện. Nhưng nay sự xuất hiện của hóa đơn điện tử kéo theo sự tương tác của mỗi một hộ gia đình với công ty điện lực được dễ dàng thông qua tài khoản riêng, nếu có thắc mắc gì, mình đều có thể viết mail, gọi điện và sẽ có nhân viên trực trả lời và kiểm tra ngay sau đó".

Nằm trong khu vực thử nghiệm thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử, gia đình anh Hoàng Linh (Hàng Thiếc, Hà Nội) 3 tháng nay đã đóng tiền điện theo phương thức mới, anh chia sẻ: “Mấy tháng nay, gia đình tôi cũng nhận được biên nhận thanh toán tiền điện. Thực ra tôi thấy quy trình thu, nộp tiền điện không có gì thay đổi chỉ khác là có biên nhận đã thanh toán tiền điện thay cho hóa đơn giấy như trước đây. Trên biên nhận thanh toán tiền điện hiện tại cũng ghi đầy đủ thông số cần thiết như điện năng tiêu thụ, đơn giá...".
Chia sẻ