"Thành phố của những góa phụ" ở Ấn Độ

Đông Hà,
Chia sẻ

Bị chối bỏ bởi cộng đồng và người thân, hàng nghìn người phụ nữ theo đạo Hindu tìm đường đến Vrindavan, một thành phố hành hương, cũng là nơi sinh sống của hơn 20.000 góa phụ.

Nirmala Maheshwari, một góa phụ tại Ấn Độ đã bị gia đình bạo hành sau khi chồng qua đời. Giống như hàng nghìn phụ nữ bị bạo hành khác, bà bị “đày ải” tới Vrindavan, một thành phố ở miền bắc Ấn Độ được mệnh danh là “thành phố của những góa phụ”.

“Họ xem tôi không khác gì một gánh nặng”, Maheshwari bộc bạch. Ngày đầu tiên tại một nhà tình thương dành cho góa phụ ở Vrindavan, Maheshwari nhớ lại cảm giác ấm áp bà nhận được từ những người phụ nữ cùng cảnh ngộ khác. Họ đến bên, lắng nghe, an ủi và vỗ về bà.

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 1.

Các góa phụ thường rơi vào hoàn cảnh bất hạnh sau khi chồng mất.

Mất chồng, bị tước đi nhân quyền

Theo truyền thống của đạo Hindu, góa phụ có thể bị coi là nỗi nhục của gia đình và bị tước đi quyền tham gia vào đời sống tôn giáo. Họ không thể tái hôn, phải trốn trong nhà, gỡ bỏ trang sức và mặc bộ đồ màu sắc tang tóc, ví dụ như đồ trắng, tím nhạt. Xã hội coi họ là kẻ mang đến vận rủi, có người né tránh họ khi chạm mặt. Điều đó khiến cho các góa phụ tội nghiệp dường như bị cả xã hội cô lập và bỏ quên. 

Maheshwari cho biết từ khi chồng mất, gia đình chồng, người thân và thậm chí con trai đều coi thường cô. Theo ước tính, mỗi năm có đến 40 triệu góa phụ Ấn Độ phải chịu cảnh ngược đãi như thế này.

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 2.

Họ có thể bị chính những người thân bỏ mặc, đánh đập.

Sati, hủ tục xa xưa của Ấn Độ buộc người góa phụ nhảy vào giàn thiêu hoặc tự sát sau khi chồng qua đời. Rất may mắn, hủ tục rùng rợn này đã bị cấm thực hành ở Ấn Độ. Dù đã không còn tồn tại, nhưng những “dư chấn” và ảnh hưởng của Sati vẫn lưu lại đến ngày nay. 

Cùng đoàn kết để sinh tồn

Nhiều góa phụ bị đuổi khỏi nhà, nhưng họ cũng lén bỏ trốn khỏi gia đình và chuyển đến các thành phố lớn. Một số chọn thành phố Varanasi linh thiêng, trong khi người khác lại gửi gắm số phận tại Vrindavan, nơi vị thần Krishna từng lớn lên. Đây là vị thần Hindu được nhiều góa phụ tôn thờ. 

Các nghiên cứu lịch sử cho rằng, những góa phụ đã tập hợp tại thành phố này kể từ thế kỷ 16. Thời điểm ấy, Chaitanya Mahaprabhu, một nhà cải cách xã hội người Bengal, đã dẫn một nhóm góa phụ trốn khỏi giàn thiêu của hủ tục Sati.

Góa phụ vô gia cư rất phổ biến ở thành phố Vrindavan. Họ kiếm sống bằng cách mặc áo saris trắng, hát bài ca của thần Krishna tại đền thờ, nhờ đó xin được vài rupee mỗi ngày. Khi qua đời, xác họ có thể bị nhét vào túi và ném xuống sông Yamuna. 

Trước tình cảnh bi thương đó, nhóm phụ nữ tại đây đang tìm cách hỗ trợ lẫn nhau. Nhóm cộng đồng tại khu Meera Sahbagini, mái nhà của hơn 220 góa phụ, thường hát các bài ca tâm linh để tôn thờ, cầu xin thần Krishna và Radha mỗi buổi sáng. Sau đó, họ bắt đầu các hoạt động hằng ngày, nấu nướng và dùng bữa cùng nhau. Đối với họ, niềm tin tôn giáo là sức mạnh dẫn lối và kết nối chung. 

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 3.

Những người phụ nữ tại nhà tình thương đang sinh hoạt buổi sáng.

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 4.

Họ cùng tham dự lớp học Yoga.

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 5.

Hoặc dùng bữa với nhau.

Tại Meera Sahbhagni, nhóm góa phụ có thể tổ chức lễ hội sắc màu Holi, dù phong tục truyền thống cấm họ vui chơi. Lễ hội Holi ở Ấn Độ là dịp để mọi người cùng ăn mừng, gỡ bỏ rào cản về khác biệt tuổi tác, địa vị, giới tính. 

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 6.

Lễ hội Holi cũng là cách để đấu tranh của những người phụ nữ yếu thế.

Khi tự tổ chức tiệc Holi cho riêng mình, các góa phụ đang cố gắng nói với xã hội rằng họ xứng đáng có được sự tôn trọng và yêu thương như bao người. Cùng với sức mạnh tập thể, nhóm phụ nữ này đang từng bước đấu tranh, thách thức rào cản truyền thống.

Lalita, 72 tuổi, sống tại Meera Sahbhagni 12 năm, cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày mình phải đi ăn xin. Nhưng năm tôi 54 tuổi, chồng tôi mất và tôi bị người thân đuổi ra khỏi nhà. Tôi sống ngoài đường một thời gian cho đến khi một người đàn ông tốt bụng giúp tôi mua vé tàu đến Vrindavan. Tôi tới đây và không muốn đi đâu khác”.

Bà Niyati Das 65 tuổi, kết hôn năm 14 tuổi, cho biết bị con trai bạo hành và chỉ cho ăn hai miếng bánh mì mỗi ngày. Bảy tháng trước, Niyati đến cầu cứu sự giúp đỡ trong tình trạng bị gãy tay và chân. “Xin hãy để tôi ở lại đây. Đánh đập tôi cũng được, chỉ cần cho tôi ở lại”, bà nói.

Nỗ lực của chính phủ

Năm 2012, Tòa án tối cao của Ấn Độ đã thực thi các chính sách cung cấp thực phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế và nơi ở hợp vệ sinh cho các góa phụ. 

Một số tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Sulabh International, cũng rất để tâm đến việc nâng cao đời sống của các góa phụ. Không chỉ hỗ trợ tài chính, tổ chức còn thực hiện chiến dịch truyền thông trên khắp đất nước nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích sự bao dung đối với người bị phân biệt đối xử. 

Các dự án chính phủ cũng đầu tư xây các nhà tình thương gọi là Krishna Kutir. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đủ nhiều để tạo ra tác động đáng kể. Đầu tiên, khu nhà ở Krishna Kutir còn cách khá xa trung tâm Vrindavan. Nhìn từ bên ngoài, Krishna Kutir trông giống một khu vực biệt lập vì có tường cao, dây thép gai bọc trên mái để ngăn khỉ không phá tấm pin mặt trời. Phụ nữ được cấp vài trăm rupee hoặc khoảng 10 đô mỗi tháng. Đôi khi tiền trợ cấp bị trì hoãn hàng tuần. 

Một số nơi trú ẩn xây bởi tổ chức phi lợi nhuận cũng không khá khẩm hơn, tường ố màu, phòng bê tông lạnh lẽo và trống trơn, nhưng đổi lại góa phụ nhận được mức trợ cấp cao hơn. 

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 7.

Một số nhà tình thương đang xuống cấp.

Phụ nữ tại Krishna Kutir thường tới từ những ngôi làng nghèo ở vùng nông thôn miền đông Ấn Độ. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, họ kiếm thêm tiền bằng cách trang trí hộp quà. Nhiều người trong số họ không biết chữ nên phải học lớp xóa mù tại Vrindavan.

Điều gì chờ đợi ở phía trước?

Nirmala Maheshwari, cũng từng đến Vrindavan trong một tình trạng không thể tồi tệ hơn, mắt bà thâm tím, vết thương trên đầu chưa lành. Sau khi chồng qua đời vài năm trước, Maheshwari sống cùng gia đình con trai tại một thành phố cách Vrindavan vài trăm dặm. Bà bị nhốt trong phòng, cho ăn không đầy đủ và bị nói là “có hại cho xã hội”.

Người cháu gái đập đầu bà vào tường, đe dọa Maheshwari khi bà nói chuyện điện thoại với anh chị em ruột. Về sau, anh trai giúp bà trốn thoát, nhưng không thể chăm sóc bà. Khi tới Krishna Kutir, bà khóc than và khẩn cầu các nhân viên đừng để con trai bắt bà về. 

Vài tuần gần đây, bà bắt đầu mở lòng hơn. Tháng trước, các nhân viên tổ chức lễ hội tôn giáo và cài hoa lên tóc Maheshwari. Mọi người cùng nhảy múa, hát ca, rũ bỏ quá khứ tổn thương. Tiếng cười của họ vang động cả một không gian. Maheshwari nhìn quanh hội trường với ánh nhìn ngập tràn niềm vui, bà tận hưởng sự tự do mà đã quá lâu rồi mình không cảm nhận được. 

Góa phụ Ấn Độ: Mất chồng, mất cả nhân quyền  - Ảnh 8.

Chúng ta có quyền hy vọng rằng mọi thứ rồi sẽ tốt hơn.

Prema, 60 tuổi cho biết: “Tôi hạnh phúc vì có những người phụ nữ này bên cạnh, giờ tôi không còn cô đơn nữa. Chúng tôi cố gắng không nhìn lại hay nói về quá khứ. Nhìn về phía trước mới là điều quan trọng”.

Phong tục cổ hủ và cái nhìn đầy định kiến về góa phụ tại Ấn Độ đã tồn tại hàng nghìn năm, nên có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để người dân cởi mở và bao dung hơn. Nhưng nhìn vào những thành tựu mà các tổ chức đang cống hiến, cũng như chính những đấu tranh mà nhóm phụ nữ yếu thế này đang hướng tới, chúng ta thấy một ngọn lửa niềm tin đã được thắp lên. Sự đấu tranh đang âm thầm lan rộng. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng: mọi thứ rồi sẽ tốt hơn!

Nguồn: New York Times, BBC, Culture Trip

Chia sẻ