“Thắm sắc hoa đào” – chuyện một mầm cây lớn lên trong cơn bão

Hải Hoàng,
Chia sẻ

“Thắm sắc hoa đào” gợi cho tôi nghĩ về những mầm cây trưởng thành trong gió bão, dù bị vùi dập vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu…


Thắm sắc hoa đào

Tác giả: Vương An Ức

Dịch giả: Sơn Lê

NXB Hội Nhà Văn
Giá bìa: 42.000
 
 
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Vương An Ức là Úc Hiểu Thu, một cô gái vốn sinh ra đã không được ai trông đợi. Cô không có cha, còn mẹ là một nữ diễn viên hài kịch sống cuộc đời chìm nổi với không ít khổ đau trên đất Thượng Hải. Không có cha, vấn đề này cũng chẳng làm Hiểu Thu bận tâm lắm, ngoại trừ đôi lúc phải khó chịu trước những lời đàm tiếu của mọi người. Nhưng ngay đến cả mẹ cô cũng không mấy đoái hoài đến đứa con gái lạc loài. Bà đã quen với lối sống tùy tiện và ngẫu hứng của giới nghệ sỹ. Các anh chị em cùng mẹ khác cha với Hiểu Thu thì lạnh lùng như người dưng. Anh trai cục cằn và hay đánh cô. Chị gái thì hầu như không mảy may đoái hoài đến sự tồn tại của cô. Cô bị người bạn gái thân thiết đầu tiên bỏ rơi vì phát hiện ra cô chiếm được cảm tình của anh trai mình. Các bạn cùng trang lứa tỏ ra ghen ghét với sắc đẹp vượt trội của Thu. Cô bé Hiểu Thu ngoan ngoãn, hiền lành và hay giúp đỡ người khác nhưng luôn bị người đời đẩy ra khỏi lề xã hội chỉ bởi vì vẻ đẹp có phần “dị biệt” của mình.
 


Không hẳn là một thiếu nữ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cũng không phải vẻ đẹp của bậc lá ngọc cành vàng hay trâm anh thế phiệt… Ở Hiểu Thu, người ta nhận thấy một vẻ đẹp vượt ra ngoài khuôn mẫu thông thường, một vẻ đẹp hiển hiện những bất trắc trong đường đời – vẻ đẹp của sự không an phận. Từ ánh mắt, khuôn mày, chiếc mũi, đôi môi hay làn da… nơi nào cũng toát lên một sức sống căng tràn, mạnh mẽ, một sự kiên định dám nghĩ dám làm, thậm chí cả một chút gì đó hoang dại ngoài khuôn phép. Nhưng ở thời đại của cô, vẻ đẹp ấy bị cho là khác thường. Người ta gán cho cô những biệt danh như “mắt mèo”, “Tây thi công xưởng” – những biệt danh gợi về một người phụ nữ không đoan chính, cho dù cô có tỏ ra ngoan ngoãn, chăm chỉ đến thế nào đi chăng nữa. Đó là chưa kể người ta không ngừng nhắc về một người mẹ làm cái nghề hay bị xã hội ghép vào từ “trăng gió”, không ngừng nhắc về xuất thân có phần không sạch sẽ của cô…
 
 
Cuộc đời Úc Hiểu Thu, ngay từ khi sinh ra đã không được xuôi chèo mát mái, và lớn lên với muôn vạn chướng ngại ở trên đường. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả những điều đó, cô vẫn sống, không phải với cái cách tẻ nhạt và bình lặng như của hầu hết bạn bè cùng trang lứa, mà ngược lại, cuộc đời Úc Hiểu Thu là những trang đầy màu sắc tươi vui rộn rã. Cô như một mầm cây trưởng thành trong giông bão, nên biết cách nương mình theo giông bão để đứng lên, hiên ngang, bất khuất.
 
 
Không một thế lực nào có thể đốn ngã được cô. Sức sống của Hiểu Thu đã đè bẹp tất cả những thành kiến và thói kỳ thị của dư luận xã hội. Cô sống hết mình và yêu cũng hết mình. Cô sẵn sàng dâng hiến sự trinh trắng cho người mình yêu vì đã xác định cùng người ấy đi đến cuối con đường. Nhưng khi người yêu muốn từ bỏ, cô cũng để họ ra đi nhẹ nhàng, không níu kéo, không quá khổ đau, dằn vặt. Ngay cả khi cuộc đời cô tưởng như rơi vào vực sâu tăm tối nhất khi đã đi qua gần trọn một thời xuân sắc nhiều giông bão nhưng không tìm được một bàn tay nắm lấy để chung đường, khi anh trai bị đi tù, chị gái mất sau khi sinh, để lại cho cô một đứa bé để nuôi dưỡng và chăm sóc… Cuộc đời đặt lên vai cô quá nhiều gánh nặng, và người đọc bắt đầu nghĩ cuốn tiểu thuyết của Vương An Ức lại tiếp tục viết về một kiếp hồng nhan bạc mệnh như là một tiền định ở trong đời…


Thế nhưng, hóa ra những đớn đau của đời người, của thời cuộc có thể dày vò thể xác cô nhưng không bao giờ chạm được đến trái tim cô – nơi lúc nào cũng bừng lên một nguồn sáng tinh khiết, nguồn sáng của tình yêu và sức sống mãnh liệt. Thu cuối cùng cũng tìm ra con đường hạnh phúc cho riêng mình sau những năm tháng dài vật lộn với số phận, với định mệnh. Đi qua thời xuân sắc, cô không còn là cô thiếu nữ “mắt mèo” hay nàng “Tây thi công xưởng” nữa. Người phụ nữ lúc này như đóa hoa rực rỡ nở rộ, rồi từng cánh hoa rơi xuống, hoa kết trái. “Vẻ rực rỡ bên ngoài không còn, trở nên bình thường, nhưng bên trong đang căng đầy, căng đầy, căng đầy, bằng một hình thức mà mắt thường không thể trông thấy, lan tỏa ra bên ngoài, mang lại tốt lành xung quanh Hiểu Thu.”.


Với “Thắm sắc hoa đào”, Vương An Ức thực sự đã xây dựng được một nữ nhân vật khiến bất cứ ai đã từng là độc giả cũng phải nghiêng mình. Đọc “Thắm sắc hoa đào”, tôi lại thấy thêm yêu cuộc sống này. Cái cuộc sống vốn chẳng bao giờ hoàn toàn lặng gió, nhưng như thế lại là một điều hay. Bởi giống như lửa thử vàng, phải có giông bão, con người ta mới có thể học được cách bám chặt chân vào đất, hiên ngang đứng giữa đời, và vươn lên như loài cỏ dại ăn nắng uống mưa, không gì ngăn cản được.
Chia sẻ