Thà ế còn hơn hạ tiêu chuẩn kén chồng

,
Chia sẻ

Gần 1/3 số phụ nữ Trung Quốc được hỏi thừa nhận đang đưa ra các tiêu chuẩn kén chồng quá cao. Tuy nhiên, không ít người trong số họ nhất quyết sẽ không hạ chuẩn tìm bạn đời.

 

Một tờ quảng cáo tìm bạn đời tại "Hội chợ hôn nhân" ở Thượng Hải năm 2009 viết: cô gái trong ảnh đính kèm năm nay 27 tuổi, cao 1m62, đã tốt nghiệp đại học và đang tìm kiếm một chàng trai trong độ tuổi từ 29 - 35, có nhà riêng, để kết hôn. (Ảnh BBC)
 
Cô Luo Yufeng, 25 tuổi đang tìm kiếm một người chồng hội đủ những tiêu chuẩn sau:

- là người Bắc Kinh hoặc tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế của Đại học Thanh Hoa;

- có hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận cư trú dài hạn ở những khu vực phát triển nhất;

- làm việc tại một ngân hàng một công ty nhà nước hàng đầu.

Ngược lại, cô Luo chỉ là một cô gái:

- cao 1,46 mét;

- có bằng đại học trung bình;

- nhan sắc thuộc dạng dưới mức trung bình;

- làm việc như một thu ngân tại đại siêu thị Carrefour ở Thượng Hải.

Tiêu chuẩn cao

Luo đã phân phát 500 tờ rơi nhằm tìm ý trung nhân ở khu vực buôn bán kinh doanh của Thượng Hải vào ngày 13/11/2009 khi giới truyền thông ở đại lục phát hiện ra cô. Đây là lần thứ tư Luo làm việc này kể từ cuối tháng 10/2009.

Khi được mời xuất hiện trong một số chương trình trò chuyện trên truyền hình, Luo thổ lộ với đám đông khán giả rằng cô là "một trí thức chưa từng có tiền lệ và sẽ không có đối thủ trong vòng 300 năm tới". Luo tuyên bố: "Bất kỳ người đàn ông trẻ nào cũng không thể sánh với tài năng của tôi".

Theo Luo, cô sẽ không bao giờ hạ thấp các tiêu chuyển kén chồng "vì tôi chắc chắn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn". Cô lập luận, sự quảng bá rùm beng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người đàn ông biết về cô, mang tới nhiều cơ hội toại nguyện hơn.

"Phụ nữ trên 28 tuổi đối mặt với áp lực sinh lý rất lớn về việc sinh đẻ. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài cách tiếp thị bản thân càng sớm càng tốt", Luo bộc bạch.

Theo một báo cáo năm 2009 của Hội nghiên cứu hôn nhân và gia đình Trung Quốc, gần 1/3 trong số 1.190.597 phụ nữ độc thân tham gia cuộc khảo sát của họ thừa nhận đã đưa ra các tiêu chuẩn tuyển chồng quá cao. Giống như Luo, 44% số phụ nữ được hỏi quả quyết sẽ không thoả hiệp.

Động lực thành thị - nông thôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra kiểu nhân khẩu học mới và kỳ dị này: "những người phụ nữ chưa kết hôn ở thành thị với nền tảng giáo dục, thu nhập, trí tuệ và nhan sắc tốt" là cách mà Bộ Giáo dục Trung Quốc định nghĩa họ vào tháng 8/2007. Những người khác gọi họ là  "shengnü" và đó không phải một cái tên có nghĩa tốt đẹp.

Theo tờ Tuần tin tức phát hành ở Quảng Châu ngày 1/2, trung bình có ít nhất 6 phụ nữ đang cạnh tranh để cưới một người đàn ông ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Chen Xiaomin - Phó Thư ký Hiệp hội nghiên cứu hôn nhân và gia đình Thượng Hải cho biết: "Có một sự mất cân bằng cấu trúc giữa nam và nữ trong độ tuổi kết hôn tốt nhất".

 "Đó là một dấu hiệu của chủ nghĩa cá nhân ngày càng tăng tại một đất nước từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia trưởng và đang trải qua những biến đổi to lớn, đột ngột về các giá trị trong xã hội", Li Yinhe, một nhà xã hội học tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định.

Hôn nhân vì lợi ích vật chất

Wei Jiaming, 27 tuổi, công khai tiêu chuẩn của cô về người chồng lý tưởng trên mạng sau khi phát động một chiến dịch đạp xe thu thập đồ quyên tặng từ thiện cho những người mẹ nghèo khắp đất nước. Cô đã từ bỏ công việc của một kế toán tại văn phòng PwC ở Quảng Châu vào cuối năm 2008 và tiêu toàn bộ 100.000 NDT (14.700 USD) tiết kiệm được vào cuộc hành trình dài 2.025km từ Quảng Châu tới Thượng Hải.

"Tôi đang tìm kiếm một chủ cơ ngơi bất động sản cao hơn 1,73 mét với mức thu nhập hàng tháng lớn hơn 15.000 NDT (2.200 USD)", cô viết trên blog của mình. Wei giải thích rằng "áp lực công việc thái quá" đã đẩy cô tới tình cảnh độc thân. "Tôi không có thời gian gặp gỡ hoặc hẹn hò với những người đàn ông, nhưng tôi đã nhận ra rằng sẽ không thể có một kết cục hạnh phúc nếu không cố gắng".

Một phụ nữ độc thân đang tìm một nửa của mình, đã trở thành tâm điểm chú ý của những người tới chợ tình ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh ngày 3/4/2010. (Ảnh: China Daily)
 
Wei hiện đang hẹn hò với một trong 2.000 ứng viên đã hồi đáp yêu cầu của cô. "Tôi thỉnh thoảng phác hoạ nên một bức ảnh cưới như cổ tích trong đầu mình, nhưng tôi không vội vã đưa ra một quyết định nghiêm túc. Phụ nữ nhận được lời khuyên tốt nhất vẫn độc lập và hiểu rõ người trong mộng hơn trong giai đoạn tiền hôn nhân", cô thổ lộ.

Đó là một tin xấu đối với bà của Wei: cụ Wu Shuqing, 87 tuổi. "Đừng có kén cá chọn canh quá. Tuổi xuân của phụ nữ chóng tàn lắm. Điều hạnh phúc nhất là cưới được một người đàn ông thực sự quý trọng mình ...", bà Wu nói.

Cụ bà chợt dừng lại, mắt nhìn xa xăm. Sinh ra tại một ngôi làng nghèo ở Shunde, ngày nay là một quận trong thành phố cấp đặc khu Foshan, tỉnh Quảng Đông, bà Wu mất mẹ từ thời thơ ấu. Cha của bà bị ép gia nhập quân đội và đã không bao giờ trở về.

Năm 1930, bà Wu bị đưa trái phép tới Quảng Châu để làm hầu gái. Đói khát, không mục đích, chán nản và kiệt quệ, bà cần một người đàn ông làm nơi nương tựa. Thông qua người mai mối, bà Wu đồng ý trở thành vợ lẽ của một chủ hai cửa hàng tạp hoá lớn hơn bà 20 tuổi. Cặp đôi sống với hai cậu con trai và 5 cô con gái trong một ngôi nhà gỗ rộng 50 mét vuông ở Quảng Châu cho tới khi người chồng qua đời vào năm 1992.

"Chúng tôi đã thuê căn nhà đó. Tôi luôn có thể ngửi thấy mùi ẩm mốc trong không khí. Mái nhà bị dột và cầu thang thì cọt kẹt, rất giống như cuộc hôn nhân của tôi. Nhiệm vụ hàng ngày của tôi là trông nom các con và làm tất cả công việc nhà. Chồng tôi không nói nhiều với tôi vì tôi thất học", bà Wu kể. Chồng bà thậm chí không ngó ngàng đến vợ khi bà ngã bệnh.

"Thua kém đàn ông, phụ nữ đã đặt sự ổn định kinh tế làm ưu tiên hàng đầu trong việc kết hôn vào những ngày ấy", bà Wu nói thêm.

Cách mạng "hôn nhân"

Mặc dù phụ nữ đã giành được các quyền bình đẳng với nam giới sau năm 1949, xã hội vẫn tạo rất ít chỗ cho sự tìm hiểu và thiếu sự khoan dung đối với việc tán tỉnh giữa nam - nữ chưa kết hôn, Li Huiying - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ tại trường Đảng ở Bắc Kinh khẳng định.

"Hầu hết các cuộc hôn nhân vào thời điểm đó đều do cha mẹ và đảng thúc ép. Các cuộc trò chuyện giữa những đôi trai gái thường tập trung vào việc làm thế nào để thăng tiến, thực hiện mục tiêu của đảng và được tặng danh hiệu ’gia đình cách mạng’", Tang Meifang, 79 tuổi, con gái của một cựu địa chủ ở tỉnh Giang Tô, nhớ lại. Bà đã ly dị một người bán hàng rong và kết hôn với một bác sĩ quân y.

Theo một báo cáo của Xu Anqi - chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, trong giai đoạn 1948 - 1966, phụ nữ thường cân nhắc địa vị chính trị, hoàn cảnh gia đình và giai cấp xã hội của người cầu hôn mình.

Trong cuộc Cách mạng văn hoá 1966 - 1976, hàng triệu phụ nữ trẻ có học thức di tản bằng xe bò từ thành phố tới làm việc cùng các nông dân trên đồng ruộng đã kết thúc bằng việc kết hôn với những người đàn ông ở khu vực nông thôn.

"Tình yêu được xem là dành cho giai cấp tư sản trong khi hôn nhân bị bóp méo thành một chốn nương tựa đơn thuần từ những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên", Wang Xueru, một phụ nữ ngoài 70 tuổi từng được cử tới vìng tự trị Nội Mông rồi ở lại đây suốt phần còn lại cuộc đời, cho hay.

Phụ nữ Trung Quốc của thế hệ đó "không bao giờ được nếm trải sự tinh khôi của tình yêu và vẻ đẹp của sự đam mê", nhà văn đương đại Hu Fayun bình luận.

Tình yêu thậm chí không được đề cập tới mãi đến tận bộ phim Sự lãng mạn trên núi Lư Sơn, một bộ phim năm 1980 khắc hoạ nụ hôn đầu tiên trên màn ảnh lớn của Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 4 cùng năm, Luật hôn nhân mới sửa đổi quy định "kế hoạch hoá gia đình cần được thực hiện" và "ly hôn sẽ được chấp thuận nếu cả vợ và chồng đều mong muốn".

"Sau khi các kỳ thi đại học được khôi phục trên toàn quốc vào năm 1977, các bạn tôi đã mơ yêu được một chàng trai trẻ có học thức và tham vọng", Lu Runqun, 64 tuổi, mẹ của Wei nhớ lại. Bà từng làm y tá tại Bệnh viện liên kết thứ nhất của Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông.

Bà Lu kể: "Tôi từng trù trừ chưa xuất giá vì cuộc hôn nhân của cha mẹ mình tương đối gây nản lòng". Với mức lương 100 NDT mỗi tháng, cùng các sở thích đi leo núi, xem phim, thơ phú và khiêu vũ, bà Lu chưa bao giờ hết người hâm mộ. "Đó là một thời kỳ của ảo tưởng và tuyệt vọng, của chủ nghĩa lý tưởng và sự thoả hiệp", bà nói.

Nhiều phụ nữ Trung Quốc hiện đại cho rằng không nhất thiết phải kết hôn. (Ảnh: Epoch Times)
 
Xu hướng phụ nữ độc thân

Zheng Qiong, 41 tuổi, một nhà sản xuất truyền hình độc thân ở Bắc Kinh nhận định, người Trung Quốc có xu hướng nghĩ rằng việc không cần người bạn đời là bất thường. "Mọi người vẫn quan niệm kết hôn sẽ tốt hơn sống độc thân", cô chia sẻ.

Vấn đề tâm lý nan giải và phổ biến này đã đẻ ra một thị trường triển vọng. Trung Quốc có hơn 10.000 tổ chức môi giới hôn nhân với tổng doanh thu hàng năm ước đạt tới 2.000 tỷ NDT vào năm 2010.

Zhang, 33 tuổi, giám đốc một công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hoá giải trí, đã chi 18.000 NDT cho dịch vụ trọn gói một năm với Baihe, một hãng ghép đôi trực tuyến chuyên nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Cô dần dần đã vượt qua nỗi sợ hãi về các cử chỉ hôn hít, vuốt ve và đính ước với một thành viên khác do trang web giới thiệu.

Các chương trình ghép đôi hiện cũng đang hoạt động khá tốt. Chương trình truyền hình thực tế "Hãy cùng hẹn hò" ở Hunan được ưa thích thứ hai trên toàn quốc. Một lãnh đạo của Viện Nghiên cứu phụ nữ của Trung Quốc tại Bắc Kinh cho rằng, truyền thông đại chúng và những người trong nghề có phần phóng đại cái gọi là vấn đề "shengnü". Ông quả quyết: "Việc bùng nổ các phụ nữ độc thân chỉ là một xu hướng xã hội không thể tránh khỏi trong quá trình đô thị hoá".

Trong thực tế, mục đích truyền thống của hôn nhân - sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống - ngày càng ít được chú trọng ở Trung Quốc, Tang Can - một chuyên gia nhân khẩu học tại Viện Khoa học xã hội ở Bắc Kinh bình luận. Theo các thống kê mới nhất của nhà chức trách Trung Quốc, tỉ lệ kết hôn ở nước này năm 2008 là 8,3 trên 1000 người, giảm 48% so với con số thống kê năm 2000.

"Đừng kết hôn. Hãy tận hưởng những gã đàn ông lừa dối" là một khẩu hiệu mà hoạ sĩ Yi Yang, 28 tuổi, đã khắc hoạ trong các bức tranh sơn dầu về chủ đề tình dục của cô trên các đường phố tại quận buôn bán trung tâm Bắc Kinh.

"Hôn nhân không phải là điều bắt buộc dù tình dục là quy luật tất yếu. Nếu bạn gắn bó với một người đàn ông nào đó quá sớm, bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội khác nhằm chọn lựa được đối tác phù hợp nhất, cung cấp những gen tốt nhất cho con cái của bạn", hoạ sĩ Yi bộc bạch.

Văn hoá chính thống cuối cùng sẽ nhận diện những người phụ nữ độc thân như một bộ phận đúng đắn trong một xã hội ngày càng đa dạng, học giả Tang nói. Trong khi đó, nhà tình dục học Li Yinhe nhận định: "Phụ nữ Trung Quốc sẽ không được giải phóng cả ở trong và ngoài hôn nhân cho tới khi quan niệm truyền thống coi trọng đàn ông hơn phụ nữ cũng như chiếc khoá tinh thần chốt giữ trinh tiết của người phụ nữ biến mất khỏi các giá trị hôn nhân của chúng ta".

Bản thân Li chưa bao giờ tái hôn sau cái chết của chồng cô - Wang Xiaobo, một trong những cây bút theo đường lối cách tân nhất Trung Quốc trong thế kỷ 20, vào năm 1997. Khi được hỏi tại sao cô không nghe theo lời khuyên của chính mình và tái hôn, Li đáp: "Miễn bình luận".
 
Theo Vietnamnet/Global Times
Chia sẻ