Tay chân miệng, tiêu chảy cấp vào mùa

Theo Giadinhnet,
Chia sẻ

Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện do bị tiêu chảy cấp, tay chân miệng tại BV Nhi TƯ và các khoa nhi đang tăng nhanh. Riêng bệnh TCM chiếm 5-10% tổng số bệnh nhân đến khám…

Mất nước nặng, kéo dài bệnh Tại BV Nhi TƯ, rất nhiều trẻ bị TCC vào khám, trong đó có nhiều trẻ bị mất nước nặng. Ngồi trước cửa phòng khám, anh Nguyễn Văn Hoài (đến từ Vĩnh Phúc) cho biết: Thấy con bị tiêu chảy, vợ anh đã mua nước ép trái cây và nước ngọt cho con uống bù nước. Nhưng cháu tiêu chảy nhiều hơn, phân xanh có nhầy, nôn ói, bé nằm li bì.

Tay chân miệng, tiêu chảy cấp vào mùa
 Số trẻ nhập viện do bị tiêu chảy cấp, tay chân miệng tăng nhanh những tháng cuối năm (Ảnh minh hoạ). 
 
Ôm con trên tay, chị Trần Thị Hương ở Yên Mỹ (Hưng Yên) cho biết, ba ngày nay con trai 9 tháng tuổi của chị cứ ăn uống vào là nôn, thỉnh thoảng sốt, tiêu chảy liên tục, quấy khóc nhiều. Thấy con sút cân nhanh, người lả đi vì mệt, gia đình vội đưa lên BV Nhi TƯ. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tiêu chảy do virus, hay còn gọi là bệnh tiêu chảy mùa đông. 
 
BS Bạch Thị Ly Na (Khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ) cho biết, từ đầu tháng 10 số trẻ nhập viện do TCC tăng so với những tháng trước. Các triệu chứng thường gặp là nôn, sốt cao, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày bệnh viện khám khoảng 100 cháu thì 30% trong số đó là bị TCC. Nhiều cháu bị mất nước nặng, tiêu chảy kéo dài. 
 
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), từ đầu tháng 10 trở lại đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận trung bình 10 trẻ bị TCC phải vào viện khám, nhiều hôm có 3 – 4 cháu nhập viện truyền dịch vì mất nước quá nhiều, chủ yếu trẻ dưới 2 tuổi.

“Thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường làm virus gây bệnh phát triển nhanh. Trẻ em có sức đề kháng yếu, nhiễm lạnh, ăn uống không hợp vệ sinh là điều kiện để virus này phát triển”, TS Dũng nói. 
 
“TCC là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus rota gây nên. Khi bị bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, hơi mệt, nôn, tiêu chảy, ở trẻ em có quấy khóc…

Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày”, BS Ly Na cho biết.
 
Bệnh tay chân miệng tăng cao 
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay Thủ đô ghi nhận hơn 3.500 trẻ mắc bệnh TCM, trong khi cùng kỳ năm ngoái có 579 ca. Con số này có thể còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. 
 
BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng phòng Khám, BV Nhi TƯ cho biết, bệnh TCM là bệnh do virus EV đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm virus.
 
“Virus EV có mấy chục tuyp, chỉ có tuyp EV71 là thực sự nguy hiểm. EV71 cũng có chung triệu chứng với bệnh TCM thông thường như biến chứng nặng, gây viêm não, viêm phổi, tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời”, BS Nhuận nói. 
 
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, để phòng bệnh TCM, người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. 
 
Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh), rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly 10 ngày.
 
Bên cạnh bệnh TCC và TCM tăng đột biến thì dịch sốt xuất huyết (SXH) cũng tăng cao. Từ đầu tháng 10 toàn thành phố Hà Nội có gần 600 bệnh nhân, không có tử vong.
 
Số ổ dịch SXH ghi nhận trên 100, trong đó ổ dịch mới nhất là tại một công trường xây dựng ở phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội).
 
Đây là ổ dịch SXH lớn nhất trên địa bàn Hà Nội tính từ đầu năm đến nay, với tổng số 12 ca mắc.

 
Đi bơi có sợ bị lây bệnh tay chân miệng hay không?
Tay chân miệng, tiêu chảy cấp vào mùa
Chia sẻ