Tập yoga coi chừng... nhập viện

,
Chia sẻ

Yoga là một trong những phương pháp tập luyện có tác dụng tốt cho sức khỏe. Nhưng yoga cũng có thể gây nguy hiểm nếu tập không đúng.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết: “Gần đây, rất nhiều người đi tập yoga, nhất là ở những người làm công việc văn phòng. Do tính chất công việc, những người này thường bị triệu chứng đau vai, mỏi cổ, họ đi tập để thư giãn, vận động cơ thể và mong muốn phòng, chữa bệnh”.

Ở góc độ y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN) phân tích: “Yoga cũng như khí công dưỡng sinh, việc luyện yoga giúp cho cơ thể bồi đắp chính khí, phục hồi và duy trì cân bằng âm dương trong cơ thể. Kết hợp luyện tập yoga và chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bệnh mạch vành, làm tan các cục máu đông, giảm stress. Yoga còn giúp cơ thể thư giãn, chữa một số bệnh thường gặp; những bài tập thở, tập thiền... trong yoga giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai”.
 

Còn theo lương y Phạm Như Tá, Hội Đông y Q.Bình Thạnh, thì: “Yoga là môn tập mang tính nghệ thuật cổ xưa, có nền tảng khoa học nghiên cứu về thể xác, tâm trí, tinh thần. Việc luyện tập yoga đúng sẽ giúp thư giãn thần kinh, não, giúp cơ thể mềm dẻo, duy trì sự thăng bằng về thể chất, sinh lý và cả cảm xúc... Nhưng các y văn cổ xưa cũng có nói môn tập này không dành cho những người lười biếng, mà người tập cần có sự kiên trì, tập đúng phương pháp thì mới đạt được những công dụng chữa bệnh”.

Bị trượt đốt sống lưng

Chị N.T.T.T (48 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) theo lớp tập yoga ở một trung tâm thuộc hạng cao cấp tại Q.1 gần một năm nay, mới đây chị thấy đau ở cột sống lưng rất nhiều mỗi khi ngồi làm việc, nên đến bác sĩ khám, chụp MRI (chụp cắt lớp có cộng hưởng từ). Kết quả MRI cho thấy, chị T. bị trượt đốt sống lưng. Sau khi được chỉ định điều trị nội và tập vật lý trị liệu với những bài tập nhẹ nhàng, chị T. kể: “Khi tôi mô tả cho bác sĩ về các bài tập, thế tập mà tôi đã tích cực vặn, uốn cột sống ở lớp yoga, thì bác sĩ bảo những động tác đó rất nguy hiểm đối với những trường hợp có sẵn bệnh ở cột sống, nhất là trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm”.

Bác sĩ Trương Công Dũng (khoa Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM), cho rằng: “Ngộ nhận hay gặp ở người đi tập yoga là nhiều người đã biết mình có bệnh, có triệu chứng đau cột sống, đau khớp không đi khám, kiểm tra trước mà nghĩ là nên tập yoga cho hết bệnh; cũng có nhiều người vì không có triệu chứng, không qua khám, kiểm tra nên không biết mình có bệnh xương khớp tiềm ẩn, cứ vô tư tập. Trong lúc tập lại cố tập những bài quá nặng, quá mức nên dẫn đến bệnh, hay làm bệnh có sẵn nặng thêm, nhất là bệnh ở cột sống lưng”.
 

Tương tự, bác sĩ Nam Anh, nói: “Sai lầm của nhiều người mới đi tập là cố gắng gập, bẻ chân tay, uốn éo, vặn vẹo cột sống lưng, cột sống cổ cho “bằng chị bằng em”, nên rất dễ xảy ra chấn thương, bởi cơ xương khớp bị căng, giãn đột ngột quá mức. Nguy hiểm cho cột sống cổ là động tác trồng cây chuối”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Q.5, cũng khuyến cáo: “Yoga cũng như mọi môn tập thể dục khác, người yếu, người khỏe phải có bài tập riêng, nếu cố gắng tập những bài quá nặng, quá sức sẽ ảnh hưởng xấu cho sức khỏe”.

Hàng loạt chấn thương

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết: “Gần đây, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bị chấn thương sau một thời gian tập yoga. Gặp nhiều nhất là đối tượng làm công việc văn phòng, trước đó họ không chơi môn thể thao nào, ít vận động cơ thể, sau những tuần đầu đi tập yoga họ bị đau, bị chấn thương cột sống lưng, cột sống cổ, vai, cổ chân... do tập quá mức”. “Phần lớn lứa tuổi hay bị chấn thương trong tập yoga là trên 40 tuổi, bởi vì ở tuổi này các cơ, dây chằng không còn dẻo dai như lúc còn trẻ. Những tuần đầu mới tập chưa quen...”, bác sĩ Nam Anh nói thêm.

Trường hợp mới nhất mà bác sĩ Nam Anh tiếp nhận là một bệnh nhân nữ, 26 tuổi, nhà ở Phú Mỹ Hưng, Q.7, vào viện do đau cấp tính cột sống lưng, đau không chịu được sau mấy tuần làm động tác ưỡn người, vặn lưng khi tập yoga. Bác sĩ yêu cầu nữ bệnh nhân này phải ngừng ngay những động tác tập quá mức đó.

Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 39 tuổi (nhân viên văn phòng, ở TP.HCM), vào viện với tình trạng bị giãn dây chằng cột sống lưng sau gần hai tuần tập yoga.

Năm ngoái, một trường hợp nam giới lớn tuổi ở Hà Nội đã bị lệch đốt sống cổ do thực hiện động tác “trồng cây chuối” trong lúc tập yoga.

Bác sĩ Trương Công Dũng cũng tiết lộ: “Khoa chúng tôi cũng thường gặp những trường hợp bị chấn thương sau thời gian tập yoga, nhiều nhất là chấn thương cột sống lưng, cột sống cổ, vai”.
 
Theo Thanh niên
Chia sẻ