Tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra trong 7 ngày, theo hình thức tâm tang

Tùng Lâm,
Chia sẻ

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96, tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.

Ngày 22/1, tin từ Đạo Tràng Làng Mai, Lễ nhập kim quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được diễn ra vào lúc 8h sáng 23/1 (21 tháng 12 âm lịch) và Lễ Trà Tỳ vào lúc 7h ngày 29/1 (27 tháng 12 âm lịch).

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96: Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo nghi thức tâm tang - Ảnh 1.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc tu hành có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Cũng trong sáng nay, trên trang thông tin của Đạo Tràng Mai Thôn (Làng Mai) vừa thông báo di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Theo đó, các nhà sư tại Tổ đình Từ Hiếu và tăng thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, ban tang lễ mong mọi người đến thăm viếng trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96: Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo nghi thức tâm tang - Ảnh 2.

Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng

Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

Ban lễ tang cũng mong mọi người không phúng điếu vòng hoa, trường liên.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96: Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo nghi thức tâm tang - Ảnh 3.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng các tăng ni, Phật tử trong một buổi thiền hành tại chùa Từ Hiếu (ảnh chụp từ 2018). Ảnh: Phúc Đạt

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP.Huế) thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Sư ông Làng Mai) không chỉ là một nhà tu hành mà còn là một nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, thư pháp gia…

Ông được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người. Ông cũng đã lập ra các tu viện Làng Mai ở Pháp và Thái Lan.

Ông là tác giả của hơn 120 cuốn sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Có thể kể đến một số cuốn sách nổi tiếng đã xuất bản tại Việt Nam như "Đường xưa mây trắng", "Phép lạ của sự tỉnh thức", "Giận"…

Năm 2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về Tổ đình Từ Hiếu với ý nguyện muốn sống tại đây cho đến ngày viên tịch.

Ông đã nhắn nhủ các chư tăng: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung."

Hòa thượng Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ: "Chúng ta hãy dừng lại, dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ công ơn, các đóng góp to lớn của người thầy khả kính, từ bi và trí tuệ, cho Phật giáo Việt Nam và Phật giáo toàn cầu".

Chia sẻ