Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm

Lê Bảo,
Chia sẻ

Cả làng theo nghề buôn tóc đã ngót hai chục năm và từng ấy thời gian những người phụ nữ nơi này đã tự tay chải, làm sạch, vuốt gel, buộc cho hàng chục tấn tóc mỗi năm.

Nghề chỉ dành cho phụ nữ

Đã ngót 20 năm làng Đông Bích (Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh) gắn với nghề “buôn góc con người”. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc Đông Bích dần trở thành một làng nghề có truyền thống nhiều năm qua và cũng gắn liền với những người phụ nữ nơi đây.

Từ những năm 1998 Đông Bích bắt đầu xuất hiện những hộ đầu tiên đưa nghề này về, ít năm sau cả làng thấy cái lộc từ nghề mang lại và phát triển mạnh. Hiện nay Đông Bích có đến cả trăm hộ theo nghề có một không hai.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 1

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 2
Chị em Đông Bích đang phân loại tóc rối.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 3
Nâng niu những lọn tóc vốn gắn liền với người phụ nữ.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 4
Hay chuốt những sợi tóc cho hết rối.

Trong làng ngót trăm hộ làm nghề này, xưởng nào ít cũng có vài ba công nhân, hộ nhiều cũng phải cả chục công nhân, nhưng điều đặc biệt là tất cả công nhân đều là chị em phụ nữ, có bói mỏi mắt cũng chẳng hề thấy bóng dáng của một người đàn ông nào.

Nói về nguyên nhân này, cô Mến đã theo nghề từ những năm đầu sơ khai cho rằng: “Có lẽ cái những lọn tóc gắn liền với chị em phụ nữ nên nghề cũng kén chọn người làm, để có những lọn tóc đủ tiêu chuẩn nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt là sự kiên trì qua năm tháng. Mà những điều đó chỉ người phụ nữ Đông Bích mới làm được”.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 5
Công việc đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ.

Thật vậy, chúng tôi đi quanh làng, vào bất cứ xưởng nào chỉ thấy chị em phụ nữ đang mải miết với các công việc như làm sạch tóc, phân loại, kéo tóc, xịt gel làm bóng… Thậm chí có nhiều chị em đã theo nghề từ những ngày sơ khai như cô Mến, cô Hường, chị Lài…

“Có những lúc cầm lọn tóc lên là tôi lại nhớ cái hồi còn trẻ tóc chấm tận gót chân, rồi chả hiểu sao lại đồng ý cho người ta cắt đến ngang vai, cắt xong cầm tiền rồi chạy vào buồng khóc mấy mất mấy ngày. Rồi  ít lâu sau, cái nghiệp cứ thế đeo bám lấy tôi cũng gần được hai chục năm rồi”. -  Chị Tâm rưng rưng nhớ lại.

Ngoài những người phụ nữ hiện đang làm ở hàng trăm xưởng trong làng thì cũng đang có đến hàng trăm phụ nữ trong làng hiện đang đi khắp các tỉnh thành để thu mua tóc. Mặc dù thu nhập của những người phụ nữ này cao hơn so với công nhân nhưng lại khá long đong, vất vả. Những tiếng rao “ai bán tóc đê” hay “tóc rối tóc dài bán đê” đâu đó vẫn văng vẳng từ thị thành đến những làng quê hẻo lãnh.

Chải hàng tấn tóc mỗi năm

Ít năm gần đây, nguồn tóc trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết và theo lý giải của anh Thoại (một chủ xưởng) thì: “Tóc chủ yếu được thu mua từ những người phụ nữ, nhiều nhất vẫn ở các làng quê nước ta như: Tây Bắc, Miền Trung, thậm chí cả trong Nam… nhưng ít năm nay việc thu mua cũng trở nên khó khăn bởi chị em bắt đã bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, thay đổi kiểu tóc như tóc lá, tóc ép hay tóc xoăn… chứ không còn có mốt để tóc dài như ngày xưa”.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 6
Để có những lọn tóc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì người làm nghề khá gian nan trong việc tìm nguồn cung ứng.

Chính vì thế mà giá một kg tóc dài và đẹp cũng lên đến 6 – 7 triệu đồng, còn lại là tóc loại 2, loại 3 có giá 2 - 4 triệu. Để đủ số lượng tóc cho hàng trăm cơ sở sản xuất thì các hộ dân đã phải nhập thêm tóc ở các nước như Malaysia.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 7
Một công nhân đang làm sạch tóc bằng dầu gội đầu và dầu xả.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 8
Xịt nước dưỡng ẩm, gel làm mềm và mang lại "sức sống" cho tóc.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 9
Những lọn tóc thành phẩm này sẽ được xuất sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 10
Anh Thoại "khoe" một lọn tóc dài và có giá trị lớn.

Hiện nay, tóc thành phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan. Để có được tóc thành phẩm, phải trải qua khá nhiều công đoạn như: Phân loại tóc theo độ ngắn dài, đẹp xấu; chuốt tóc thành lọn nhỏ; giặt tóc cho sạch bằng dầu gội đầu; xịt gel, kem dưỡng tóc… tất cả đều được những bàn tay của người phụ nữ Đông Bích thực hiện một cách thuần thục.

Tận mắt xem những người chải cả chục tấn tóc mỗi năm 11
Nhiều chị em ở Đông Bích đều có mái tóc đẹp đến lạ lùng.

Mỗi người một công đoạn, thế nên nhiều chị em tại đây vẫn đùa vui rằng mình có cơ duyên được chải hàng tấn tóc mỗi năm. Theo quan sát của chúng tôi hầu hết những chị em làm nghề này tại Đông Bích dường như ai cũng có mái tóc đẹp đến kỳ lạ. Khi được hỏi, một chị nửa đùa nửa thật cho rằng: “Chắc dựa hơi của những lọn tóc cả nước”. 

Anh Thoại cũng tâm sự: “Mặc dù những chị em làm ở xưởng nhà tôi đã 7 năm trời rồi, nhưng chả hiểu sao tóc các chị em ấy lại đẹp đến thế, mà tuyệt nhiên chẳng bao giờ xuống tóc để bán”.
Chia sẻ