Tận mắt nhìn cảnh chung cư ngay giữa thủ đô, dân vẫn phải đi vệ sinh vào... bô, chậu, túi nilon

Lê Bảo,
Chia sẻ

Buồn nôn, sợ hãi là cảm giác chung của cư dân đang sống tại khu tập thể nhà máy thuốc lá Thăng Long mỗi lần bước vào nhà vệ sinh.

Có mặt tại khu tập thể thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân - Hà Nội) chúng tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi có lẽ đây là khu tập thể được xem là tồi tàn, ẩm thấp, mục nát bậc nhất Thủ đô.

Đây là khi tập thể được xây dựng từ năm 1958, hiện tại khu nhà đã xuống cấp một cách đáng báo động. Theo khảo sát của TP. Hà Nội thì khu nhà A, nhà C và nhà D thuộc khu tập thể thuốc lá Thăng Long được xếp ở cấp độ nguy hiểm cấp C.

Là công nhân của nhà máy đã về hưu, bà Nguyễn Thị Nhung đã sống trong khu tập thể này từ mấy chục năm nay, căn hộ chỉ rộng có 15 mét vuông và đến thời điểm hiện tại thì gia đình bà có 5 người nhưng với không gian vỏn vẹn 15 mét vuông thì không thể đủ sinh hoạt. Chính vì vậy, gia đình bà phải cơi nới xây gác xép trong nhà. Các căn hộ ở đây đều có điểm chung là rất nhỏ, không thể bố trí phòng riêng hay nhà vệ sinh ngay trong nhà.

Các hộ gia đình khác ở các tầng 2, tầng 3 đều không thể tự xây dựng nhà vệ sinh riêng, chính vì vậy có khoảng 80 nhân khẩu mỗi tầng phải dùng chung một nhà vệ sinh. Chính điều này đã khiến hàng trăm người sống tại khu tập thể này sợ hãi mỗi khi nhắc đến cụm từ "nhà vệ sinh".

nhà vệ sinh
Khu tập thể thuốc lá Thăng Long đã tồn tại từ năm 1958, trải qua hơn nửa thế kỷ các tòa nhà đã bị xuống cấp một cách đáng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự xuống cấp này đã và đang khiến hàng trăm nhân khẩu phải chịu đựng nỗi khổ, thậm chí đến những nhu cầu tối thiểu cũng không được đáp ứng.

nhà vệ sinh
Hầu hết diện tích các căn hộ tại đây nhỏ đến mức khó tưởng, chỉ từ 10-15 mét vuông cho mỗi gia đình, mỗi căn hộ đều có từ 2-5 người ở.

Nhà vệ sinh là nỗi ám ảnh đối với người dân khu vực này nhiều năm qua bởi nó luôn tắc, bẩn thỉu khi phải phục vụ số lượng người quá đông. Những ngày oi bức xú uế bốc lên nồng nặc, ngạt thở. Trao đổi về điều này, chị Nguyễn Thị Sáu cho biết: "Ai không ở đây thì khó có thể tưởng tượng được nhà vệ sinh mỗi lúc tắc mùi xú uế bốc lên đến kinh khủng ra sao. Bình thường thì chuyện đi vệ sinh đã khổ nhưng cứ chừng 1 tuần nhà vệ sinh lại tắc 1 lần thì đúng là chỉ có tội chúng tôi".

Theo người dân thì các hộ dân đã có phương án là tự bỏ tiền túi ra để đóng quỹ "thông tắc vệ sinh" để khắc phục tình trạng tắc nghẽn, nhưng rồi chỉ được thời gian ngắn lại đâu vào đấy.

Chuyện đi vệ sinh còn khổ sở hơn nữa là trong những ngày nhà vệ sinh bị tắc, người dân cực chẳng đã nhắm mắt đi vào bô, bịch nilon rồi vứt đi. Cảnh tượng khốn khổ này diễn ra đã nhiều năm qua nhưng người dân đành cắn răng chịu đựng, còn hơn bước vào khu vệ sinh bẩn thỉu, hôi thối và tắc thường xuyên.

Nói về điều này, bà Nhung cho biết: "Tắc thì làm gì có chỗ mà đi, thế nên người dân phải dùng bô, chậu để xả xú uế. Thật quá khốn khổ."

nhà vệ sinh
Tường bong tróc thường xuyên, các mảng bê tông trên trần cũng thi thoảng rơi xuống đầu người dân.

nhà vệ sinh
Chính vì diện tích nhỏ nên tất cả các gia đình trên tầng 2, tầng 3 đều phải sử dụng chung nhà vệ sinh. 
Theo người dân thì bình thường không sao nhưng chỉ sợ hãi nhất khi NVS bị tắc.

nhà vệ sinh
Ít ai nghĩ đây là nhà vệ sinh bệt mà người dân vẫn sử dụng hàng ngày. Và nếu như bị tắc thì toàn bộ các hộ dân phải nhịn, phải đi vào bô, xô, chậu hay túi nilon trong mỗi căn hộ rồi mang đi tìm chỗ đổ.

nhà vệ sinh
Do quá hôi thối và ý thức người dân cũng có hạn nên ai đó đã viết dòng chữ này lên tường nhà vệ sinh để cảnh báo: "Phát hiện bằng được người không dội nước".

nhà vệ sinh
Cửa nhà vệ sinh cũng mục nát và thông thiên như thế này.

nhà vệ sinh
Những khe hở toang hoác và từ bên ngoài có thể quan sát toàn bộ bên trong nhà vệ sinh. 

nhà vệ sinh
Hiện tại, người dân đang cầu cứu đến cơ quan chức năng sớm giải quyết những nhu cầu tối thiểu cũng như có phương án nhất định để bảo vệ người dân trước sự xuống cấp đáng nghiêm trọng tại khu tập thể này.
Chia sẻ