BÀI GỐC Mẹ đã không đủ bản lĩnh để giữ con

Mẹ đã không đủ bản lĩnh để giữ con

Lúc này mẹ đang suy sụp và hoang mang khi đã bỏ đi giọt máu sinh linh bé bỏng của mình, đó chính là con. Mẹ ngàn lần xin lỗi con cho dù đã là quá muộn.

2 Chia sẻ

Mẹ đã cố gắng hết sức để giữ con ở lại

,
Chia sẻ

Đến lúc đau quá, lại phải sang phòng thủ thuật để kiểm tra thì tôi biết là không giữ bé được nữa rồi.

Hà Nội đêm 24/12, tôi thấy máu ra nhiều, sợ hãi và khóc khi không biết phải làm sao.

Vào viện Phụ sản, tôi được chẩn đoán động thai và cho thuốc về uống rồi nghỉ ngơi. Bảy ngày đơn thuốc hết, tôi đi khám lại thấy bình thường, không có vấn đề gì nên tôi đi làm nốt tháng 12 để chốt thưởng năm.


Ngày 14/1, tôi đi khám lại ở viện Phụ sản thì bác sĩ yêu cầu nhập viện vì tình hình không ổn lắm. Tôi sợ lắm nhưng ông xã đã an ủi và trấn an ngay tinh thần. Nằm viện ba ngày, tiêm hai lần rồi bác sĩ không kiểm tra lại vì thấy bảo không ra máu nữa, lại cho ra viện và đưa đơn thuốc về nhà. Tôi bị chẩn đoán dọa sẩy.

Ngày 20/1, tôi lại vào cấp cứu lúc sáng sớm. Tại phòng cấp cứu của bệnh viện, tôi đau bụng và ra máu nhưng tôi phải đợi để kiểm tra và ngồi chờ người đi tìm Bệnh Án của ngày 14/1 mãi mới xong và rồi chuyển tôi vào viện. Tôi nhập viện trong nỗi hoang mang lo sợ không biết thế nào, ngày lại qua ngày tình hình của tôi không được khả quan cho lắm. Bác sĩ chuẩn đoán nhau bám thấp, phải nằm bắt động theo dõi.

Vợ chồng tôi cố gắng vượt qua, ngày rồi lại qua ngày. Đến 28 Tết tình hình sức khỏe của tôi tạm ổn, bác sĩ cho đi siêu âm thì kết quả lại không có vấn đề gì nữa. Tôi ra viện phải nói là vui biết bao vì được về nhà ăn tết cùng gia đình và mừng vì em bé phát triển bình thường.

... Nhưng ông trời như trêu đùa tôi vậy, sáng mùng 2 Tết tôi lại phải vào viện. Đường phố Hà Nội mùng 2 Tết vắng bóng người, taxi gọi mãi mới tìm được. Tôi cùng mẹ vào viện rồi lên thẳng Khoa sản 1, vào phòng thủ thuật kiểm tra rồi lại nằm viện. Tết Tân Mão đó thế mà có rất nhiều bà mẹ phải ăn Tết trong viện cùng bác sĩ trực và các nữ hộ sinh để dưỡng và giữ thai.


Đến ngày mùng 7, tôi được chuyển về phòng số 10 với chiếc giường số 51. Bên cạnh là chị H với giường số 52, chị vào từ khi mới 5 tuần đến bây giờ. Hai chị em như hai cô bạn lâu ngày không gặp, chỉ biết nhìn qua cánh cửa sổ chờ đợi và hy vọng. Cuộc sống của chị cũng nhiều nỗi buồn, 4 năm lấy chồng thì 3 năm phải nằm viện vì đường con cái. May sao chị được người chồng quan tâm và chia sẻ. Ngày mang thai chị đã đánh bạc với chính cuộc sống của mình ...

Trong phòng có 5 chiếc giường, nhưng có tới 10 bệnh nhân, có hôm có 11 bệnh nhân. Than ôi ! Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi vẫn phải nằm đây điều trị đến cùng.

Khi được kiểm tra sau Tết, bác sĩ điều trị lại bảo là "Cổ tử cung ngắn" khó giữ lắm đó và phải nằm viện lâu dài. Khi biết được vậy tôi và gia đình cùng quyết tâm là nằm viện đến ngày tháng sinh.

Hàng ngày, 6h30' ông xã mang đồ ăn sáng vào, đưa vợ đi vệ sinh cá nhân rồi về đi làm.

7h có hôm 8h bác sĩ điều trị đến phòng kiểm tra sức khỏe các bệnh nhân.

9h các nữ hộ sinh đi phát thuốc và thực hiện tiêm tại phòng.

12h chị chồng mang cơm trưa vào.

14h các nữ hộ sinh lại đi tiêm cho những ai còn thuốc.

18h mẹ tôi mang cơm tối vào rồi đưa con gái đi vệ sinh cá nhân ...

Ngày lại qua ngày, tôi nằm trên giường bệnh để tiêm và uống thuốc. Nhưng tình hình diễn biến có vẻ xấu đi khi bác sĩ điều trị vào nói là thử máu thấy bạch cầu tăng, nhiễm khuẩn có, khả năng giữ là rất khó. Tôi khóc mà không dám khóc vì sợ làm ảnh hưởng đến con, chỉ biết cố gắng và mong sao ông trời mỉm cười với mình.


Nằm trong phòng biết bao bà mẹ vào rồi ra về trong tiếng cười khi bồng con trên tay. Mỗi người vào là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều hy vọng chào đón đứa con của mình khỏe mạnh ra đời. Chỉ còn có tôi và chị H là nằm đó, hy vọng và đếm từng ngày trôi qua. Chỉ mong sao đến được tuần thứ 28 để được bác sĩ cho tiêm trợ phổi .

Khi đến tuần thứ 21 là tôi bắt đầu dùng đến truyền Sambu, thuốc giảm các cơn co. Nhưng cũng không ổn lắm, đến đêm là tôi hay lên cơn co và không ngủ được. Tôi vẫn cố gắng và tự nhủ rằng sẽ vượt qua thử thách này thôi. Trên hai cánh tay đều sưng tấy, các nữ hộ sinh vào chỉ lắc đầu khi mà phải thay ven khác. Tôi yếu nên ven lặn hết, lấy được thì chỉ lưu kim 1 ngày, ngày hôm sau đã sưng đỏ lên vì vỡ ven. Nhưng vẫn phải chuyền, mỗi lần có phải được ngay đâu, còn tùy thuộc vào nữ hộ sinh nào, nữ hộ sinh chính hay trung học hay là học viên lấy ven.

Hết 1 tuần trôi qua là tôi cảm thấy nhẹ lòng một chút, lúc này cảm nhận được em bé rõ rệt một chút. Tôi nằm ngửa là bé máy liên tục, bé chỉ thích mẹ nằm nghiêng một bên thôi. Nhưng tôi nằm ngủ cũng rất khó vì một tay phải chuyền, hết tay này lại đến tay kia. Mà giường thì phải nằm 2 người, chiếc giường bé tí nhưng hai bà mẹ phải cố gắng để nằm không làm ảnh hưởng đến nhau.

Phải nói rằng tất cả các trường hợp khó đều chuyển về bệnh viện này, các giáo sư, tiến sĩ đều tập trung lên đây. Nhưng những người khoác lên mình áo trắng, cả bác sĩ lẫn nữ hộ sinh ít ai hết mình vì bệnh nhân nếu không có tiền hay có người quen. Biết là công sức bỏ ra của họ sẽ xứng đáng với đồng tiền họ nhận được nhưng họ làm ăn đôi khi quá vô trách nhiệm và ẩu.

Một nữ hộ sinh chính làm việc tại khoa đã lâu, đã có kinh nghiệm vậy mà làm ăn còn vô trách nhiệm khi thực hiện tiêm tại phòng cho bệnh nhân sai sót. Hai bệnh nhân cùng một loại thuốc như nhau, nữ hộ sinh lấy 2 ống tiêm và để sẵn trên khay đi đến giường bệnh và tiêm cho bà mẹ A xong, đi sang bà mẹ B để tiêm thì lại lấy ông tiêm của bà mẹ A chọc vào. Bà mẹ B lúc đó đã bực mình vì sự thiếu trách nhiệm và làm việc ẩu của nữ hộ sinh. Cô ta nhanh chóng nói lời "xin lỗi" và về lấy bệnh án của người kia cho bà mẹ xem các kết quả xét nghiệm máu. Bà mẹ đi gặp ngay Y tá trưởng và Bác sĩ. Biết rằng trong công việc ai cùng có sai sót, nhưng sai sót như vậy không chấp nhận được.

... Ngày lại qua ngày, tôi được chỉ định cho đi điện tim vì truyền Sambu nhiều quá sợ ảnh hưởng đến tim. May là không sao cả, tim vẫn bình thường, nhiều bà mẹ truyền nhiều quá dẫn đến trụy tim. Mẹ và chồng tôi hàng ngày vẫn vào, nhìn ánh mắt của mẹ tôi hiểu nhưng không dám hỏi. Mẹ lo và thương cho tôi lắm.

Tôi chỉ biết cố gắng và đếm từng ngày trôi qua. Và rồi khi dịch sốt rubella, rồi H1N1 được phát hiện ở trong khoa thì hầu hết các bà mẹ thấy ổn ổn là xin ra viện hết, bệnh viện vắng người qua lại. Trong phòng chỉ còn lại có ba người, tôi và chị H, cùng một bà mẹ nữa. Các phòng khác đều có người sốt và đưa đi cách ly vì bệnh viện khử khuẩn, chúng tôi phải ra hết hành lang nằm chờ ba tiếng để khử trong phòng. Nằm ngoài hành lang như những người tị nạn, nhìn thảm cảnh mà không nghĩ mình đang ở giữa thủ đô, các bà mẹ đeo khẩu trang người thì ngồi, người thì nằm. Không hiểu sao tôi lại bị dị ứng, người tôi cảm thấy khó chịu lắm.


Đến đêm ngày 25/2 tôi đau bụng liên tục, khi hết chai truyền, tôi phải sang gặp y tá để thay tiếp chai và để với mức cao nhất nhưng không giảm các cơn co. Đau quá, tôi lại phải sang phòng thủ thuật để kiểm tra. Tôi biết là không giữ bé được nữa rồi.

Nhìn đồng hồ lúc đó đã là 5h sáng ngày 26/2 rồi, tôi vừa bước sang tuần thứ 25. Cố gắng nhưng không thể vượt qua được nữa. Tôi gọi điện báo với mẹ và chồng tình hình, rồi họ chuyển thẳng tôi xuống nhà đẻ.

Họ cho tôi nằm lên bàn đẻ ở đó từ lúc đó, đau lắm nhưng chẳng thấy ai cả, mãi đến 6h hơn gì đó có một cô vào kiểm tra và nói là: " Mở hết rồi không giữ được bé nữa đâu cháu có biết chưa?"...

7h kém bé chào đời, tôi nấc lên từng tiếng, nước mắt cứ chảy hoài. Bé có khóc tôi nhìn thoáng qua có thấy, rồi họ chuyển bé đi, tôi biết là bé không thể ở lại được với mẹ rồi. Lúc đó tôi không có cảm giác của đau đẻ mà đau của nỗi xa con, không được bồng con. Tôi được chuyển xuống Sản II để nằm, gia đình có mặt để động viên và trấn an ngay tinh thần tôi. Và dường như tôi không còn cảm giác gì nữa, xung quanh chỉ toàn màu trắng thôi.

Mọi người nói số phận cả rồi, ông trời không cho bé làm người, nên không được trách bản thân mình. Tôi đã cố gắng hết sức để giữ con ở lại nhưng không thể.

Tôi không trách ai cả, nhưng tôi biết bản thân mình cũng đã quá chủ quan nhiều, sai lầm lớn đã đánh mất đi đứa con chăng? Bệnh viện đã không chẩn đoán đúng bệnh cho tôi ngay từ đầu, một bệnh viện duy nhất của trung ương với những giáo sư và thạc sĩ như vậy.

Vào viện từ tuần thứ 18 mà đến mãi sau này mới chuẩn đoán ra bệnh.Thực sự tôi mất lòng tin ở các bác sĩ nơi đây. Từ chẩn đoán nhẹ chuyển sang chẩn đoán nặng và đã dùng biết bao loại thuốc .

Biết sao khi đã vậy, tôi chỉ biết số phận không may với một bà mẹ trẻ như tôi. Vẫn phải gạt đi nỗi đau để bước tiếp trong cuộc sống. Và...

Giữ vững lòng để bớt lo âu
Giữ suy nghĩ để không mất niềm tin
Giữ niềm tin để còn hy vọng
Giữ kí ức để không lạc mất nhau
Giữ nước mắt để không lăn dài trên má,
Giữ chặt cõi lòng không nản trước trái ngang
Giữ và giữ...
Nhớ và nhớ...


..

Chia sẻ