Sulli tự tử vì chứng bệnh hơn 4% dân số mắc phải, dân văn phòng cũng là đối tượng dễ bị tấn công

Louis,
Chia sẻ

Với những căng thẳng, áp lực đến từ công việc và sự bí bách của môi trường văn phòng, dân công sở là đối tượng rất dễ mắc trầm cảm.

Mới đây, cộng đồng mạng Việt nói chung và người hâm mộ K-pop nói riêng đã vô cùng bàng hoàng khi hay tin nữ ca sĩ Choi Sulli đã qua đời ở tuổi 25. Nguyên nhân ban đầu được xác định là tự tử do trầm cảm.

Là một cô gái trẻ trung, tài năng và nhan sắc đang độ rực rỡ nhất, những tưởng con đường sự nghiệp của “công chúa nhà SM” sẽ rộng thênh thang phía trước; tuy nhiên, cựu thành viên f(x) lại chọn cách tự tử để kết thúc tất cả.

Qua đó mới thấy, trầm cảm thực sự là một “kẻ sát nhân” giấu mặt, ẩn thân; từ từ khiến tinh thần con người ta mệt mỏi, suy kiệt để rồi thúc đẩy khổ chủ đi đến những quyết định đáng tiếc.

Sulli tự tử vì chứng bệnh hơn 4% dân số mắc phải, dân văn phòng cũng là đối tượng dễ bị tấn công - Ảnh 1.

Theo WHO, tỷ lệ người mắc trầm cảm chiếm khoảng 4% dân số, tức có khoảng 250 triệu người trên Trái Đất và số lượng vẫn đang không ngừng gia tăng. WHO dự báo đến năm 2020, bệnh trầm cảm có thể sẽ đứng thứ hai về gánh nặng bệnh lý của nhân loại sau các bệnh về tim mạch.

Không chỉ riêng những cá nhân hoạt động trong làng giải trí như Sulli mới là đối tượng hàng đầu của chứng trầm cảm, người làm việc trong môi trường công sở cũng khá dễ mắc bệnh này bởi những căng thẳng và áp lực đến từ công việc hàng ngày.

Chứng bệnh chẳng hiếm đối với dân công sở

H. (25 tuổi) hiện đang là nhân viên của một công ty truyền thông. Ở cái tuổi đam mê cống hiến và chứng tỏ năng lực bản thân, H. lao đầu vào công việc một cách điên cuồng, quên hết ngày giờ và mọi thứ xung quanh. Không thể dục thể thao; không bạn bè, quan hệ xã hội; H. dành hết cho công việc, quên cả ăn ngủ.

Sulli tự tử vì chứng bệnh hơn 4% dân số mắc phải, dân văn phòng cũng là đối tượng dễ bị tấn công - Ảnh 2.

Đáp lại, cô thăng tiến nhanh và là cá nhân được Ban giám đốc tin tưởng giao cho những công việc quan trọng. Tuy nhiên, mọi việc cũng chẳng kéo dài được lâu khi sức khỏe của H. có dấu hiệu đi xuống rõ rệt bởi làm việc quá sức. Do mất ngủ lại chán ăn nên trong các cuộc họp quan trọng, H. không thể duy trì sự tập trung và liên tục phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.

Từ đỉnh cao vinh quang so với những người cùng tuổi, H. tuột dốc không phanh và không còn được “sủng ái” như ngày trước. Tình trạng sức khỏe H. càng đi xuống khi cô vẫn tiếp tục mất ngủ, chán ăn, buồn bã, mất cân và chẳng thèm giao tiếp. Tìm đến bác sĩ, cô được chẩn đoán mắc phải trầm cảm.

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, những cá nhân càng xuất sắc càng dễ mắc phải trầm cảm. Bởi lẽ, việc tập trung làm việc với cường độ cao khiến cơ thể, đầu óc mệt mỏi, căng thẳng đồng thời gặp phải những cú sốc, vượt ngưỡng chịu đựng là nguyên nhân hàng đầu khiến dân công sở mắc phải căn bệnh này.

Sulli tự tử vì chứng bệnh hơn 4% dân số mắc phải, dân văn phòng cũng là đối tượng dễ bị tấn công - Ảnh 3.

Mặc dù không gây đau đớn tức thời và gây tử vong ngay cho nạn nhân; tuy nhiên, trầm cảm là chứng bệnh vô cùng nguy hiểm bởi nó hủy hoại bên trong con người, vắt kiệt tinh thần và làm rối loạn cảm xúc, có thể dẫn đến những ý nghĩ tiêu cực như tổn hại bản thân hoặc tự tử.

Chị em công sở đang khỏe mạnh bình thường nhưng đột nhiên có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn bã, chán ăn, thường xuyên mất ngủ, sụt cân, ngại giao tiếp… trong thời gian 2 tuần liên tiếp thì nên cẩn thận bởi đó là những dấu hiệu của trầm cảm.

Duy trì lối sống tích cực để tránh trầm cảm

Đối với người làm việc trong môi trường phải đối mặt với căng thẳng và áp lực hàng ngày như dân văn phòng, chị em công sở cần có cái nhìn tường tận về trầm cảm để điều chỉnh thói quen, sinh hoạt, tần suất công việc hợp lý nhằm mục đích cân bằng cuộc sống.

Sulli tự tử vì chứng bệnh hơn 4% dân số mắc phải, dân văn phòng cũng là đối tượng dễ bị tấn công - Ảnh 4.

Trước hết, chị em công sở không nên để bản thân mình lâm vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Khi cảm thấy quá áp lực và mệt mỏi với một vấn đề nào đó, hãy chọn cho mình một không gian riêng để thư giãn. Đừng ngần ngại rời khỏi văn phòng để nép mình vào góc nhỏ của một quán quen và tận hưởng điệu nhạc du dương hoặc tản bộ trong không gian trong lành, tươi mát ở một công viên gần đó. Điều quan trọng nhất chính là “bơ” đi những áp lực và những thứ làm mình căng thẳng.

Ngoài ra, chị em cũng đừng để bản thân rơi vào tính trạng thiếu ngủ, mất ngủ kéo dài bởi đó chính là thứ “bòn rút” năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần của chúng ta nhiều nhất. Bên cạnh đó, hãy dành một ít thời gian trong ngày cho việc luyện tập thể dục, thể thao. Điều này sẽ kích thích sự tuần hoàn máu, tạo nên một nền tảng tinh thần khỏe mạnh, thoải mái khi làm việc.

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý cũng là phương cách hữu hiệu giúp dân công sở tránh được trầm cảm. Hãy loại bỏ những thực phẩm có hại, chất kích thích ra khỏi thực đơn hàng ngày.

Sulli tự tử vì chứng bệnh hơn 4% dân số mắc phải, dân văn phòng cũng là đối tượng dễ bị tấn công - Ảnh 5.

Điều cuối cùng nhưng không thể bỏ lỡ đó chính là hãy duy trì những mối quan hệ xã hội tích cực. Gia đình và bạn bè chính là cái neo chắc chắn, níu giữ và giúp chúng ta đứng vững trong những thời đoạn khó khăn của cuộc sống. Dành thời gian cho bạn bè cũng như trò chuyện với những người thân yêu để thấy mọi thứ vẫn tốt đẹp và đâu đó vẫn có những con người đang yêu thương và mong ngóng chúng ta. Chỉ có như vậy, những quyết định đáng tiếc mới không có cơ hội xảy ra.

Chia sẻ