Vì sao nước bọt làm vết thương mau lành?
Kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy: Một số thành phần hóa học trong nước bọt con người có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương.
Đặc biệt, histatin - một protein có trong nước bọt còn được các nhà khoa học khẳng định không chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn mà còn góp phần vào việc phục hồi thương tổn. Để kiểm chứng hiệu quả của protein này, các nhà khoa học đã sử dụng các tế bào biểu mô trong miệng để làm thí nghiệm. Họ đã tạo ra một vết thương nhỏ đối với các tế bào này, sau đó chia chúng ra làm hai phần: Một phần được đặt trong chất khoáng dạng lỏng, còn một phần được đặt trong nước bọt con người.
Sau 16 tiếng theo dõi, các nhà khoa học nhận thấy, những tổn thương của các tế bào đặt trong nước bọt đã hoàn toàn biến mất. Trong khi đó, phần được đặt trong chất khoáng dạng lỏng thì những tổn thương tế bào gần như chưa có dấu hiệu gì thay đổi. Điều này đã chứng minh: Các thành phần trong nước bọt có khả năng phục hồi thương tổn cho tế bào.
“Khả năng hồi phục thương tổn này của nước bọt đã lý giải cho hiện tượng các loài động vật thường dùng lưỡi để liếm lên vết thương”, Giáo sư Gerald Weissmann, người tham gia công trình nghiên cứu này, nhận xét. Đơn giản, bởi những thành phần có trong nước bọt đã giúp cho những vết thương đó mau lành hơn. Trên thực tế, những vết thương bên trong miệng hay trên lưỡi cũng nhanh lành hơn những vết thương bên ngoài cơ thể.