Vì đâu mụn cứ nổi nhiều ở “bàn tọa”?

,
Chia sẻ

Tôi rất dễ ra mồ hôi, không biết có phải vì lý do trên mà ở “bàn tọa” (hai mông) bị nổi nhiều mụn đỏ, nhỏ rất khó chịu, khi hết thường để lại sẹo thâm, sần sùi?

Tôi là nhân viên văn phòng, do công việc nên phải ngồi một chỗ nhiều. Tôi lại rất dễ ra mồ hôi, không biết có phải vì lý do trên mà ở “bàn tọa” (hai mông) bị nổi nhiều mụn đỏ, nhỏ rất khó chịu, khi hết thường để lại sẹo thâm, sần sùi, cứ hết mụn cũ thì lại nổi mụn mới.


Tôi có nghe các chị đồng nghiệp khuyên dùng phấn trị rôm sảy của em bé nhưng vẫn không đỡ hơn. Sắp tới, tôi chuẩn bị lập gia đình, và cảm thấy rất mặc cảm vì điều này. Đôi khi tôi cũng không dám đi bơi vì ngại mặc áo bơi người khác sẽ thấy, khiến tôi mất tự tin. Tôi nên làm gì hay dùng loại thuốc nào để giảm tình trạng trên? (dreamgirl)

Trả lời:

Vùng da quanh mông luôn được bao phủ bởi mấy lớp trang phục nên thường tụ mồ hôi, lỗ chân lông dễ bị bít gây nên mụn ở mông. Mông cũng là vùng thường xuyên tiếp xúc với mặt phẳng cứng, luôn bị tỳ đè (do ngồi nhiều) nên có khuynh hướng thô dày.

Do đó khi bị mụn càng dễ trở nên chai sần và thâm đen. 70% mụn ở mông là mụn trứng cá. Ngoài ra, cũng có thể có mụn nhọt, mụn bọc do viêm nang lông. Nguyên nhân có thể do nội tiết thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, do thuốc (dị ứng, tác dụng phụ của thuốc), do thay đổi nội tiết liên quan đến kỳ kinh, thai nghén, do sinh cá nhân mặc quần áo quá chật, dùng xà phòng có tính ăn mòn, do stress…

Để điều trị mụn và tránh thâm ở vùng này cần chăm sóc da thật cẩn thận.

- Rửa và làm sạch vùng da nhiều lần trong ngày. Có thể dùng các loại sữa rửa có tính dịu nhẹ như Cetaphill, physiogel, cleanclear...

- Nếu bị mụn nhọt, nên vệ sinh da với xà phòng kháng khuẩn: Safeguard, Dd betadine, thuốc tím pha loãng, nước muối pha loãng. Khi mới nổi mụn bôi ngay thuốc chống bội nhiễm Eosine, Fucidine… Với mụn trứng cá dùng các thuốc điều trị mụn tinh dầu tràm, Eclaran (benzoyl peroxyl 5%), Differrin cream…

 - Giữ cho vùng da thông thoáng, mặc quần lót mềm mại, thấm mồ hôi, nên dùng loại vải cotton, không nên dùng quần lót có nhiều chất nylon thường hay bí và không thấm mồ hôi. Nếu công việc phải ngồi nhiều nên hạn chế mặc quần jean dày và bó.

- Tránh ngồi kéo dài, nên đứng dậy và đi bộ mỗi giờ nếu có thể.

- Lau rửa vùng mông và đùi với xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh, thay đồ lót mới thường xuyên.

- Để cho da không bị thô chai có thể dùng muối biển với lotion để massage tẩy tế bào chết và làm cho da vùng mông mềm mại.

-  Chế độ dinh dưỡng với nhiều rau xà lách, uống nhiều nước, tránh các loại thức ăn nhanh, đồ chiên xào, nước ngọt, đồ ngọt.


- Kiểm soát trọng lượng hợp lý.

- Theo dõi nếu có mụn phải điều trị ngay để  tránh mụn trở nên thâm đen và sần sùi, bôi thuốc chống thâm sau viêm (hyrudoid, despigmen…).

Tóm lại, mụn ở mông tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị và chăm sóc đúng sẽ gây trở ngại trong sinh hoạt và thẩm mỹ, làm ta mất tự tin. Nếu đã thử các biện pháp trên nhưng không đỡ bạn cần đi khám và việc dùng thuốc nên tham khảo tư vấn của bác sĩ.

BS Nguyễn Thị Hoàng Mai
(Công ty Tư vấn Sức khỏe Tâm Tâm An)

Theo PNO
Chia sẻ