Tự hành hạ bản thân để "răn" chồng

,
Chia sẻ

Đưa vợ đến bệnh viện trong tình trạng mất máu nhiều vì vết thương vợ tự rạch ở mắt cá chân, anh Hào không khỏi bàng hoàng.

Anh không tin nổi vào tai mình khi nghe vợ tâm sự với cô bạn thân trong phòng cấp cứu, vì trong gia đình không có ai để chia sẻ, nên vợ anh đã tự làm đau bản thân để vơi bớt nỗi cô đơn, căng thẳng do áp lực gia đình.

Anh Hào còn choáng váng vì vợ anh nói, trước đây cô ấy đã tự hành hạ mình mấy lần mà anh không phát hiện. Đúng là vài tháng gần đây, vợ chồng anh có chuyện cãi vã nhau nhưng anh không thể hình dung việc vợ tự hành hạ, ngược đãi bản thân để tìm cách giải tỏa tâm lý.
 
Tự làm đau mình để giảm gánh nặng tâm lý, giải tỏa những bức xúc trong cuộc sống là biểu hiện ban đầu của bệnh trầm cảm.

Khi mới lấy nhau, anh Hào thường nghe vợ dọa, nếu không theo ý của vợ anh thì cô ấy sẽ tự gây tổn thương để anh phải chịu trách nhiệm trước gia đình hai bên nội, ngoại. Anh luôn chiều lòng vợ nên không nghĩ sẽ có lúc vợ mình có thể có hành động tiêu cực như thế. Vậy mà khi khỏe lại, vợ anh “hồn nhiên” kể: “Em chỉ làm thế để vơi bớt căng thẳng thôi chứ không hề có ý nghĩ tự tử đâu. Với lại, làm vậy thì anh sẽ quan tâm đến em nhiều hơn, không cãi cọ với em nữa!”. Anh Hào nhẹ cả lòng, vừa thầm trách vợ, vừa thấy thương vợ nhiều hơn. Sao cô ấy suy nghĩ nông cạn thế không biết? Nếu anh về nhà muộn ít phút nữa thôi, hậu quả sẽ thế nào? Suy cho cùng, anh cũng có phần lỗi.

Tìm hiểu thông qua tư vấn tâm lý, anh mới biết, không ít phụ nữ hiện đại đã chọn cách tự làm đau mình để giảm gánh nặng tâm lý, giải tỏa những bức xúc trong cuộc sống như vợ mình. Đây là biểu hiện ban đầu của bệnh trầm cảm. Cũng có những trường hợp do sống trong điều kiện môi trường gia đình thuận lợi, ít va vấp, thường được mọi người chiều chuộng, nên khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, họ đã không biết phải giải quyết tình huống ra sao. Từ đó, họ đã tự ngược đãi bản thân để dùng nỗi đau thể xác trấn áp sự căng thẳng của tinh thần.

Với tư cách là trụ cột của gia đình, anh Hào tự hứa sẽ không để vợ phải một mình đối mặt với những lo lắng, bức xúc trong gia đình. Anh sẽ là điểm tựa tinh thần để vợ chia sẻ, thổ lộ những tâm tư, tình cảm. Anh cũng sẽ động viên để vợ bày tỏ những ấm ức bị dồn nén. Bên cạnh đó, anh sẽ tranh thủ thời gian về nhà giúp đỡ việc nhà cho vợ, giảm bớt gánh nặng công việc cũng như tinh thần của vợ, cố gắng đáp ứng những mong muốn (có thể được) của vợ. Đồng thời qua đó, anh sẽ chỉ ra cho cô ấy biết, dù thế nào cũng không nên tự hành hạ mình như thế. Là người rất yêu vợ và có trách nhiệm với gia đình, anh đã nửa đùa nửa thật đưa cho vợ số điện thoại và địa chỉ của một số trung tâm tư vấn tâm lý, bảo vợ: “Từ giờ trở đi, nếu em gặp phải những vấn đề bức xúc không chia sẻ được với anh và mấy cô bạn thân, em hãy gọi để xin tư vấn, đừng tự làm đau mình như thế nữa. Vợ đau một, chồng đau mười đấy!”.
 
Theo PNO
Chia sẻ