Tiêu chảy cấp: Mùa hè là mùa bệnh

H. N (Tổng hợp),
Chia sẻ

Nếu bị tiêu chảy mà chỉ đi tiêu 2-5 lần/ ngày thì bạn có thể tự điều trị tại nhà. Còn nếu đi tiêu trên 5 lần, kèm theo sốt, đau bụng bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.

Chị V. – mẹ bé Kh. (Khâm Thiên – Hà Nội) khi thấy con có dấu hiệu đi ngoài liên tục lại nghĩ rằng do con mọc răng, đi tướt nên chỉ mua men tiêu hóa cho con uống. Đến hôm sau, cả nhà chị ai cũng có dấu hiệu đi ngoài liên tục. Nghĩ đơn giản là do hôm trước chị mua món mực về ăn lạnh bụng nên cả nhà bị, chị liền mua thuốc ở hiệu về cho cả nhà uống. Nhưng đến 3 - 4 hôm mà không ai có dấu hiệu thuyên giảm, cả nhà chị đi khám mới biết bị bệnh tiêu chảy cấp và mọi người đều bị lây nhau, lây từ bé Kh. con chị.

Bệnh tiêu chảy là bệnh rất hay gặp vào mùa hè, và có thể xảy ra ở bất kì đối tượng này, đặc biệt là trẻ em. Theo số liệu thống kê, mỗi năm, trên thế giới có hơn 610.000 trẻ em tử vong do nhiễm Rotavirus mà hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, mỗi năm virus này gây ra khoảng 125.000 trường hợp nhập viện, 195 trường hợp khám ngoại trú và 6.050 trường hợp tử vong; cứ trong 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có một là do nhiễm Rotavirus.

Vào thời điểm cuối tháng 3, số trẻ nhập viện do tiêu chảy tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP. HCM) tăng lên, trong đó có 1 trẻ tử vong và 8 trẻ khác trong tình trạng cấp cứu.
 

Theo bác sĩ Đ. (Viện Y học Phòng không) thì bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy thường là do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn kém bị ôi thiu hoặc không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt vào mùa hè, việc bảo quản thức ăn phức tạp hơn nên khả năng thực phẩm bị ôi thiu, bị hỏng rất dễ xảy ra.

Trẻ em ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi rất hay bị nhiễm virus Rota vì hay ngậm hoặc sờ vào các đồ vật nhiễm khuẩn. Khi bị tiêu chảy nặng hơn thì sẽ chuyển sang thành tiêu chảy cấp. Trẻ bị mắc tiêu chảy cấp do virus có các triệu chứng mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn, có bé đi ngoài đến 20 lần/ ngày, “miệng nôn, chôn tháo” khiến cơ thể suy kiệt. Tiêu chảy cấp và tiêu chảy cấp nguy hiểm đều có triệu chứng khởi đầu là đi phân lỏng nhiều lần, kèm theo ói, mất nước, đôi khi có sốt và đau quặn bụng. Riêng đối với tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh nhân thường không sốt và đau bụng nhưng cơ thể mất nước trầm trọng, có thể bị trụy mạch trong vài giờ và nguy hiểm tính mạng.

Bị tiêu chảy, khi nào thì cần đi khám bác sĩ?

Nếu bị tiêu chảy mà chỉ đi tiêu 2-5 lần/ ngày thì bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước và dùng các loại thuốc điều trị thông thường như: Smecta, Actapulgite… và các men vi sinh. Nếu bị đi tiêu trên 5 lần, kèm theo sốt, đau bụng bạn nên đến khám ở các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Bệnh tiêu chảy có lây không?

Bệnh tiêu chảy hoàn toàn có thể lây lan từ người này sang người khác, qua nguồn nước bị ô nhiễm. Để tránh lây lan bệnh tiêu chảy, chúng ta nên làm theo những hướng dẫn sau của Bộ Y tế:

- Sử dụng nước uống và nước sinh hoạt đã được khử khuẩn bằng cloramin B
- Xử lý phân và chất thải bằng cloramin B 10%
- Ăn chín uống sôi
- Nếu có tiếp xúc với người bệnh phải được uống kháng sinh dự phòng.
- Giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn.
 

Một số khuyến cáo của Bộ Y tế khi bị tiêu chảy cấp:

1. Các biện pháp dự phòng chung

- Vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch

- Vệ sinh thực phẩm tốt: Ăn chín uống sôi, bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn. Không nên ăn hải sản tươi sống, đồ ăn sống, mắm tôm sống… vì có thể có nguồn bệnh trong đó.

- Sử dụng vắc-xin tả uống cho những vùng có nguy cơ dịch theo chỉ đạo của cơ quan y tế dự phòng.

2. Biện pháp khi bị tiêu chảy

- Khi có bệnh nhân bị tả phải thông báo dịch cho y tế cấp trên và hệ y học dự phòng.

- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly bệnh nhân và tránh tiếp xúc.

- Xử lý phân và chất thải bằng cloramin B 10% tỷ lệ 1:1 hoặc vôi bột.

- Khử khuẩn quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân, phương tiện chuyên chở bệnh nhân bằng dung dịch cloramin B 1-2%, nước Javen 1-2% hoặc nước sôi.

- Ngâm tay bằng dung dịch cloramin B, hoặc rửa tay bằng các dung dịch khử khuẩn sau khi thăm khám, chăm sóc bệnh nhân.

- Vệ sinh buồng bệnh ít nhất 2 lần/ngày bằng các dung dịch cloramin B, nước Javen 1-2% hoặc các chế phẩm khử khuẩn khác.

- Các chất thải phát sinh trong buồng cách ly phải được thu gom, xử lý như chất thải y tế lây nhiễm.
Chia sẻ