Thuốc tây bị phơi dưới nắng, người bệnh chịu thiệt

,
Chia sẻ

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, rất nhiều nhà thuốc tư nhân tại Hà Nội chỉ bảo quản sơ sài trong những tủ kính, hoặc bày luôn lên kệ, đôi khi không khác gì các quầy tạp hóa.

Vào một hiệu thuốc nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo mua thuốc hạ sốt cho con, chị Châu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngần ngại khi thấy gói thuốc nóng rực trên tay, trong khi trên vỏ hộp ghi: Bảo quản nơi khô, mát, tránh ánh nắng.

Sợ thuốc bị phơi nắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, chị Châu hỏi người bán thuốc thì được giải thích: "Không ảnh hưởng gì đâu, thuốc để trong tủ kính mà, cứ về cho con uống đi". Dù vẫn trả tiền và nhận gói thuốc nhưng chị Châu chưa yên tâm nên lại phải đi mua thuốc ở nơi khác.

Trong cái nắng có khi đến 38-39 độ mấy ngày vừa qua, rất nhiều nhà thuốc tư nhân tại Hà Nội chỉ bảo quản sơ sài trong những tủ kính, hoặc bày luôn lên kệ, đôi khi không khác gì các quầy tạp hóa. 

Tại một cửa hàng thuốc trên đường Ngọc Khánh (Hà Nội), khi được hỏi mua vitamin D dùng cho trẻ, người bán thuốc lấy ra một lọ nhỏ từ chiếc tủ kính mà nắng chiếu trực tiếp vào. Khi người mua thắc mắc "trên hộp ghi bảo quản dưới 25 độ C, mà trời nóng, nắng thế này thì thuốc có sao không?", thì nhận được câu trả lời: "Em yên tâm, trong nhà có quạt vù vù, thuốc lại đựng trong tủ nên không sao".

Còn cách bảo quản thuốc khi mua về, chị bán hàng hồn nhiên bảo: "Nếu nhà không có tủ lạnh, em cứ cất vào gậm giường, gậm tủ là được". 
Nhà thuốc tốt phải bảo quản thuốc đúng và tư vấn cho người sử dụng cách dùng và cất trữ thuốc phù hợp. Ảnh: Hoàng Hà.

Khảo sát tại các quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn (TP HCM) cũng cho thấy, nhiều nhà thuốc chỉ có diện tích khoảng 3 mét vuông, tủ chứa thuốc vì thế luôn bị nắng chiếu vào. "Trang bị hệ thống trong điều kiện phòng ốc bé thế này là không thể", một dược tá tại quận 12, nói.

Khi được hỏi tại sao nhà sản xuất đã có hướng dẫn bảo quản ở nhiệt độ 25 độ C mà cả nhà thuốc lại nóng bức thế này, nhiều chủ nhà thuốc cho rằng đây là việc làm tốn kém. 

"Đầu tư máy lạnh không đáng là bao, nhưng việc tiền điện mỗi tháng là một khoản chi khá lớn đối với những nhà thuốc nhỏ như chúng tôi", một chủ nhà thuốc trên đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, nói.

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, trưởng phòng đảm bảo chất lượng hệ thống nhà thuốc ECO - một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn nhà thuốc tốt (GPP), điều kiện bảo quản tối ưu của mỗi loại thuốc luôn được nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì và phải được tuân thủ tuyệt đối, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, làm giảm hoặc không còn hiệu quả điều trị và gây tác hại cho người bệnh. 

Chẳng hạn, vitamin C là một loại thuốc phổ biến, có nhiều dạng bào chế như: viên nén, viên sủi, viên nang, dạng chích... nếu bảo quản không đúng điều kiện sẽ làm vitamin C bị ôxy hoá, khi đó thuốc không còn tác dụng trị liệu nữa mà thậm chí có thể gây ảnh hưởng có hại. Hoặc Tetracycline (kháng sinh) ở nhiệt độ không thích hợp, bị phân hủy thành dihydro-tetracycline sẽ độc với thận. Penicilline (kháng sinh) nếu bị phân huỷ có thể gây dị ứng thuốc...

Bởi vậy, theo bà Mai, bảo quản thuốc đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các giai đoạn từ sản xuất, phân phối cho đến tận tay người sử dụng. 

Thông thường, để bảo quản tốt thuốc, các nhà thuốc phải bảo đảm nhiệt độ trong phòng dưới 30 độ C, độ ẩm dưới 75%. Ngoài ra, còn phải có các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bảo quản đối với một số thuốc đòi hỏi điều kiện đặc biệt như: 

- Thuốc bảo quản ở 2 - 8 độ C (ví dụ: Epoetin beta, Peginterferon, Insulin chích...)

- Thuốc bảo quản ở 8 - 15 độ C (ví dụ: Oxytocine , Mazipredone HCl...)

- Thuốc bảo quản tránh ẩm, tránh ánh sáng (ví dụ: thuốc dạng viên sủi, một số vitamine...)

Tất cả những tiêu chí này hiện nay chỉ có nhà thuốc GPP mới đáp ứng đầy đủ, trong khi tới nay cả nước mới chỉ có khoảng 400 nhà thuốc GPP, trong tổng số 40.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Theo lộ trình, đến ngày 1/1/2011, tất cả nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, việc chưa bảo quản thuốc tốt, chưa đảm bảo điều kiện nhiệt độ đối với các nhà thuốc nhỏ lẻ là một thực tế. 

Theo thống kê của phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP HCM, trong số hơn 3.300 nhà thuốc trên toàn thành phố, chỉ có 175 nhà thuốc đạt chuẩn GPP. 

"May mắn là 175 nhà thuốc GPP này do tập trung tại các bệnh viện và các doanh nghiệp lớn nên đã chiếm khoảng 70% thị phần. Tuy nhiên, gần 3.100 nhà thuốc nhỏ lẻ còn lại vẫn là vấn đề đáng quan tâm", bà Lan nói. 

Cũng theo bà Lan, trong quá trình kiểm tra, nếu thuốc bị nhiệt độ quá nóng làm hỏng thì Sở sẽ giải quyết theo hướng xử phạt. Còn yêu cầu các nhà thuốc nhỏ lẻ phải cải tạo hệ thống bảo quản, theo bà Lan, không phải là chuyện một sớm một chiều. Trước mắt, Sở chỉ yêu cầu nhà thuốc phải tìm cách nào đó để thuốc không bị hỏng.

                                                                                                             Theo Thiên Chương - Minh Thùy
                                                                                                                                                   Vnexpress
Chia sẻ