Tẩm quất sai dễ gây tử vong, chấn thương nguy hiểm

,
Chia sẻ

Giẫm chân lên lưng, bẻ cổ... là những động tác tẩm quất rất nguy hiểm, có thể gây chấn thương cột sống, dẫn đến tử vong. Các bệnh viện từng tiếp nhận nhiều nạn nhân của tẩm quất.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Chi, Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh biện Y học cổ truyền Trung ương, tẩm quất thực chất cũng là một hình thức xoa bóp, vận động thư giãn có tác động lên da, các cơ, xương - khớp, và việc thực hiện nó đòi hỏi có những kiến thức nhất định về y khoa.

Tẩm quất cũng cần chuyên môn

Trong y học cổ truyền, các hình thức xoa bóp có tác dụng lớn và hiện được sử dụng rất phong phú, như xoa bóp trong chữa bệnh, phòng bệnh, xoa bóp trong thể thao và xoa bóp thẩm mỹ. Mỗi hình thức xoa bóp lại yêu cầu những thủ thuật riêng, cần được đào tạo chuyên môn.

Các bác sĩ ở khoa Châm cứu dưỡng sinh khi tiếp đón bệnh nhân đều phải kiểm tra xem họ có bệnh lý về cột sống hay không rồi mới chỉ định châm cứu hay xoa bóp. Vì mỗi người có một bệnh lý khác nhau, phải chú ý đến tình trạng sức khỏe và cơ địa của từng người khi tác động đến các cơ, xương, khớp, đặc biệt là khi tác động đến cột sống có tiết đoạn thần kinh như đốt sống lưng, cổ.

Tẩm quất thư giãn cũng cần có các thủ thuật.

Tuy nhiên trên thực tế, khách hàng thường tự tìm đến các dịch vụ tẩm quất tự phát khi cảm thấy đau mỏi mình mẩy. Người hành nghề cũng không quan tâm khách hàng có bệnh lý về cột sống hay không mà thường “đối xử̀” với ai cũng như nhau.

Hầu hết động tác tại các cửa hàng tẩm quất hiện nay như đấm, chặt đều là do các nhân viên truyền lại cho nhau, chủ yếu là qua kinh nghiệm chứ họ không có kiến thức về y học. Điều này có thể gây tác động xấu đến sức khỏe khách hàng. Không chỉ ở các cơ sở dịch vụ, người dân nhiều khi cũng tự tẩm quất cho nhau (người nhà, bạn bè...). Việc những người không có chuyên môn tẩm quất với những động tác mạnh và có thể dẫn đến tai nạn chết người như trường hợp anh Sáu ở Hà Nội. Bác sĩ Phương Chi cho rằng, anh Sáu tử vong có thể do đã có sẵn tiền sử thoát vị đĩa đệm, khiến cột sống dễ bị tổn thương khi bị tác động mạnh. Tuy nhiên, để khẳng định, cần phải chụp X-quang.

Dễ chấn thương nặng

Sự tùy tiện trong dịch vụ tẩm quất đã gây ra các trường hợp chấn thương cho khách hàng, nhẹ là tăng đau mỏi, nặng thì chấn thương cột sống. Những người tuổi cao thường bị loãng xương, do đó nên thận trọng khi đi tẩm quất vì dễ dẫn đến gãy xương. Tẩm quất còn có thể gây giãn dây chằng đối với những bệnh nhân lão hóa khớp, hư khớp, gây chấn thương cột sống đối với bệnh nhân thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ Chi cũng lưu ý, hành động giẫm chân lên lưng khi tẩm quất rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến giãn dây chằng, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm hay chấn thương cột sống. Nếu bệnh nhân đã có sẵn bệnh về xương khớp mà phải chịu một lực lớn bằng cả trọng lượng cơ thể người thì sẽ khó chịu đựng nổi.

Một số trường hợp sau có chống chỉ định với việc tẩm quất: bệnh về cơ, xương, khớp mạn tính, lao xương, ung thư xương. Không nên đưa trẻ em, phụ nữ có thai hay những người bị bệnh ngoài da đi tẩm quất. Thực tế có một số người đi tẩm quất trong tình trạng say xỉn để tìm cảm giác thư giãn. Những trường này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Thạc sĩ Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể dục thể thao Việt Nam, cũng cho biết cơ sở này đã nhiều lần điều trị cho những trường hợp chấn thương “hậu tẩm quất”. Ông cũng nhấn mạnh, tình trạng chấn thương do tẩm quất sai phương pháp diễn ra khá phổ biến. Bác sĩ Kha khuyên nên dừng tẩm quất ngay nếu thấy đau nhức về cơ xương.

Theo Lan Hương
Baodatviet
Chia sẻ