Tác dụng ngược vì dùng thuốc vô tội vạ

,
Chia sẻ

Kháng sinh, thuốc nội tiết, thuốc bổ… được mua bán tràn lan vô tội vạ ở mọi nơi. Người dân vô tư dùng thuốc mà không hề nhận được bất cứ cảnh báo gì về tác hại ngược của thuốc.

Không cần báo cáo, thuốc dùng “vô tư”!

Tại một hội nghị liên quan đến Thông tin thuốc ở Việt Nam, do Bộ Y tế tổ chức mới đây, một báo cáo đáng giật mình được đưa ra: hầu hết các chủng loại thuốc đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được sử dụng rất “vô tư”, gần như không có những thông tin liên quan đến việc báo cáo phản ứng có hại của thuốc được đưa ra. Chỉ khi nào những phản ứng ngược của thuốc gây ra khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc tư vấn bác sĩ thì những thông tin này mới được ghi nhận lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng thừa nhận: Hoạt động Thông tin thuốc tại Việt Nam không có định hướng lâu dài, thiếu hẳn đội ngũ triển khai Thông tin thuốc và cảnh giác dược.

BS Hoàng Thanh Mai, Chuyên viên phòng Quản lý thông tin quảng cáo thuốc (Cục Quản lý Dược Việt Nam) cho biết: Những ghi nhận đã thu thập được về phản ứng ngược của thuốc cho thấy nhóm kháng sinh chiếm nhiều nhất, gần 46%; các nhóm thuốc khác như NSAID 9%, Morphin và dẫn chất 1,1%, thuốc y học cổ truyền 2,7%, thuốc điều trị lao 14,7%...

Nhưng hầu hết các báo cáo đều không ghi đầy đủ thông tin về tên thuốc, liều dùng. Ngoài ra, mô tả diễn biến bệnh và các biểu hiện phản ứng còn sơ sài, thậm chí một số báo cáo còn nhẫm lẫn phần chẩn đoán và điều trị.

Nói về hiện trạng Thông tin thuốc ở Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Đăng Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, cho rằng. Đây là vấn đề hầu như bị bỏ ngỏ từ bấy lâu.

Về phía các nhà sản xuất, phân phối thuốc thì chỉ chú trọng đến phần quảng bá sản phẩm, xem nhẹ Thông tin thuốc và phản ứng có hại của thuốc. Về phía các bệnh viện, mặc dù ở những đơn vị lớn đều có khoa Dược chịu trách nhiệm tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến thuốc nhưng vấn đề là trưởng khoa ở đâu quan tâm đến việc này thì nó sẽ phát triển mạnh còn ngược lại trưởng khoa nào chỉ quan tâm đến cung ứng thuốc thì hoạt động Thông tin thuốc hầu như bỏ quên hoặc hoạt động theo kiểu đối phó. Còn một số bệnh viện khác, dù có trung tâm Thông tin thuốc nhưng không có cán bộ chuyên trách, hoặc kiến thức của cán bộ chuyên khoa rất hạn chế.

“Đơn cử ngay tại Cục quản lý Dược. Công việc thu thập dữ liệu liên quan đến Thông tin thuốc cũng chỉ do bộ phận nhỏ gồm 2 người làm việc tại một phòng. Do nhân sự quá ít nên họ hầu như không thể làm được gì ngoài việc tiếp nhận thông tin báo từ các bệnh viện về rồi… để đấy. Vậy mà số lượng báo cáo cũng lên tới gần 2.000 thông tin.

Cho tới gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mới mời chuyên gia thẩm định lại những báo cáo này xem đó là tác hại của thuốc hay sai sót trong sử dụng”, ông Hoà bức xúc.

Thiếu thông tin, bệnh nhân chịu vạ

Bác sĩ David Lee, Giám đốc Chất lượng và Kỹ thuật, Tổ chức Khoa học quản lý về sức khỏe Hoa Kỳ, cho biết: “Mỗi năm, ở Mỹ các sai sót trong điều trị gây tổn hại đến 1,5 triệu người với thiệt hại lên tới 3,5 tỉ USD. Riêng năm 2008, cơ quan chức năng đã phải bỏ ra 6.500.000 USD bồi thường cho các nạn nhân bị ngộ độc Diethylene Glycol”. Nhưng ở Việt Nam không có một báo cáo cụ thể nào về các ca tử vong hàng năm do phản ứng có hại của thuốc.

TS Hòa xác nhận thực trạng này và cảnh báo: tình trạng sử dụng thuốc trong bệnh viện kiểu mù mịt thông tin là vậy nhưng ngoài cộng đồng, thói quen mua và sử dụng thuốc còn đơn giản hơn rất nhiều. Tất cả các loại thuốc từ kháng sinh, chữa bệnh nặng hay thuốc bổ đều được mua bán trao tay, không cần đơn. Do không được tư vấn của bác sĩ về tác dụng, về cách sử dụng thuốc nên nhiều người chỉ biết uống theo lời căn dặn của người bán hàng (đa số không có chuyên môn).

“Ví dụ có những loại thuốc tác dụng kéo dài từ 12 - 24 giờ và cần phải giải phóng từ từ thì người sử dụng lại nhai, bẻ phá vỡ cấu trúc thuốc dẫn đến giải phóng ồ ạt các hoạt chất gây đau đầu chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp. Như vậy, đó không phải là tác dụng phụ của thuốc mà do sai sót sử dụng, do thiếu thông tin. Không ít bệnh nhân tự mua kháng sinh uống, đáng lẽ phải dùng trong vòng 7 ngày thì mới uống có 2 ngày đã dừng do thấy đỡ bệnh. Vậy là dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc. Đến lần sau mắc bệnh lại, họ sẽ phải tăng liều lên rất nhiều hoặc chuyển loại khác mới khỏi được. Còn vào viện thì chỉ là số người bị phản ứng thuốc rất nặng. Tất cả cũng vì thiếu thông tin”, TS Hòa nói.

Trước những thực trạng này, Trường Đại học Dược Hà Nội đã đề nghị Bộ Y tế (và đã được đồng ý) xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Cảnh báo thuốc, với kỳ vọng thu thập Thông tin thuốc và những cảnh báo dược rồi đưa đến trung tâm khu vực, qua hệ thống y tế xã, phường xuống tận cộng đồng. Kỳ vọng lớn là vậy những dự án này cũng mới dùng ở mức... khởi động. Bởi còn thiếu cả kinh phí lẫn nhân lực!

Theo P. Thanh
Dân trí
Chia sẻ