Sống khoẻ và kéo dài tuổi trẻ

,
Chia sẻ

2 lý thuyết đáng quan tâm để sống khoẻ và kéo dài tuổi trẻ

Lý thuyết thăng bằng kiềm toan

Vì sao có tình trạng toan hoá cơ thể? Cơ thể có cơ chế trung hoà những axit thừa để duy trì sự cân bằng kiềm toan trong máu, ví dụ như huy động canxi của xương để chống lại các axit. Tuy nhiên, nếu khi mất cân bằng kiềm toan quá nặng và kéo dài thì phát sinh mỏi mệt, đau cơ, đau khớp và ảnh hưởng cả đến dự trữ xương, làm mất dần chất khoáng ở xương, nhất là với phụ nữ. Tóm lại, sự toan hoá cơ thể sẽ làm cho tiến trình lão hoá đến sớm và có diễn biến từ từ, giống như bệnh cao huyết áp hay bệnh tiền tiểu đường gặm nhấm dần dần cơ thể cho đến khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng.
 

 
Làm thế nào chống lại sự toan hoá cơ thể? Trạng thái stress (căng thẳng, tức giận, đau buồn…) là nguyên nhân gây toan hoá cơ thể do làm tăng hormon cortisol; ít vận động cũng vậy nhưng vận động quá nhiều lại cũng làm phát sinh nhiều axit. Thực phẩm là yếu tố chính yếu để lập lại cân bằng kiềm toan.
 
Mỗi loại thực phẩm đều chứa đựng tiềm năng gây axit hoặc kiềm và theo bác sĩ Hervé Grosgogeat, tác giả của lý thuyết thăng bằng kiềm toan thì một bữa ăn thăng bằng hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhiều thức ăn giàu chất đường (glucide), giàu đạm gây toan hoá, rượu vang đỏ có tính chất kiềm nhẹ, càphê và sôcôla không gây ra vấn đề gì đặc biệt… nhưng vấn đề không phải là tránh các thức ăn có tiềm năng gây axit mà quan trọng hơn là biết tạo ra một bữa ăn cân đối với 70% đem lại kiềm và 30% đem lại axit.
 
Có thể so sánh sự toan hoá cơ thể cũng nguy hại như toan hoá trái đất: mưa axit, mặt đất bị nhiễm toan…; các đại dương giữ được cân bằng là nhờ có san hô chứa rất nhiều canxi và đóng vai trò như canxi của xương trong cơ thể. Các dặng san hô dưới đáy đại dương có thể biến mất nếu như nước biển bị toan hoá. Vậy hình như con người đã chểnh mảng săn sóc chính cơ thể và cả môi trường sống của mình.
 

Lý thuyết về gốc tự do và chất chống ôxy hoá

Cơ thể con người là nơi diễn ra hàng ngày một cuộc đấu tranh gay go giữa các chất chống ôxy hoá với các gốc tự do -  những chất phát sinh từ tiến trình chuyển hoá trong cơ thể và gây hại cho các tế bào.Trong  cuộc đời của một người sống  tới 70 tuổi, có chừng 17 tấn gốc tự do được tạo ra. Gốc tự do được tạo ra bằng nhiều cách, có thể là sản phẩm của những căng thẳng tâm thần, bệnh tật, mệt mỏi, ô nhiễm môi trường, thuốc lá, dược phẩm, tia phóng xạ mặt trời, thực phẩm có chất màu tổng hợp, nước có nhiều chlorine và ngay cả oxygen.

Khi các gốc tự do (còn gọi là những chất ôxy hoá) quá nhiều và hệ thống chất chống oxy hoá bị suy yếu thì sẽ nguy hại cho cơ thể (tiến trình lão hoá đến sớm và dễ phát sinh nhiều bệnh mãn tính, gồm cả ung thư và bệnh tim mạch, làm suy yếu hệ thống miễn dịch nên dễ nhiễm trùng, làm giảm trí tuệ…). Tuổi già là một trong những nguyên nhân chính làm số lượng các gốc tự do tăng lên. Chính vì vậy mà những người già và những người mắc các bệnh mạn tính này cần bổ sung nhiều chất chống oxy hoá hơn so với những người khoẻ mạnh.

Thông thường, hệ thống các chất chống oxy hoá đã có sẵn trong cơ thể để trung hoà, vô hiệu hoá các gốc tự do, giúp “thanh lọc” cơ thể, đó là những chất dinh dưỡng cụ thể, các enzym, khoáng chất, thảo mộc. 5 chất chống ôxy hoá được nói đến nhiều nhất là betacarotene, vitamines C và  E, chất kẽm và selenium (đều có trong nhiều loại rau quả và thực phẩm). Còn nhiều các chất chống ôxy hoá khác mà thầy thuốc sẽ giúp lựa chọn.

Lối sống tích cực giúp tạo ra sự thăng bằng kiềm toan cho cơ thể và có nhiều các chất chống ôxy hoá. Duy trì thói quen vận động, khoảng 10.000 bước mỗi ngày - Có thể thêm 3 buổi tập thể thao mỗi tuần để tăng cường cơ bắp - Một cuộc sống không có stress bằng cách tập thiền, yoga - Chế độ lành mạnh, hợp lý, cân đối (ít thịt, nhiều rau quả, bổ sung vi chất dinh dưỡng nếu cần, bỏ rượu, thuốc lá…).

 
 
Theo BS Đào Xuân Dũng
Lao động
Chia sẻ