Sản phẩm làm đẹp tóc: Đẹp đâu chưa thấy…

,
Chia sẻ

Theo khuyến cáo của DS Phạm Hữu Hiền – Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, 70% thuốc nhuộm tóc có chứa thành phần hắc ín (coal tar) tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Thực tế, ngoài những bệnh nhân bị viêm da dị ứng do các sản phẩm làm đẹp tóc, BV Da liễu TP.HCM cũng thường tiếp nhận bệnh nhân là những thợ làm tóc, thợ phụ trong các tiệm uốn tóc, làm móng. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy, khoảng 50% thợ làm tóc mắc các bệnh ngoài da.

Tự nguyện dùng “hóa chất” rẻ tiền

Tại một số tiệm uốn tóc, chúng tôi đã ghi nhận được sự dễ tính của khách hàng vì đa số đều đồng ý với bất kỳ loại thuốc nhuộm tóc nào do chủ tiệm đưa ra. Đến một tiệm uốn tóc khu vực “bình dân” ở P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM, trên các kệ trưng bày mỹ phẩm dành cho chị em, chủ yếu là các loại thuốc nhuộm của Nhật, nhưng bà chủ tiệm lại “quảng cáo” là của Đức, rất tốt cho tóc bạc. Hỏi vì sao không dùng các loại thuốc nhuộm tóc khác nổi tiếng hơn, chị này cho biết, loại khác chỉ là thời trang, không “ăn bạc”. Hơn nữa, những loại mà tiệm đang sử dụng khách hàng có thể “kham” được và tiệm cũng có lời.

Tại một cơ sở chuyên về tóc khác trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3), một người thợ tên T. cho biết, thời gian trên các hộp thuốc nhộm tóc đa số quảng cáo: sau năm phút là có một bộ tóc hoàn hảo, màu ưng ý… nhưng thực tế thì chừng ấy thời gian làm sao để biểu bì tóc nở ra vừa đủ cho thuốc ngấm sâu bên trong, không mất màu sau nhiều lần gội.


Người tiêu dùng cần cẩn trọng trước "rừng" sản phẩm làm đẹp tóc

Trong vai một người chủ tiệm tóc đi mua thuốc cho tiệm, chúng tôi được các “chuyên gia” về sản phẩm nhuộm tóc ở các chợ đầu mối như: Tân Bình, Kim Biên, Bình Tây… giới thiệu một số sản phẩm duỗi, nhuộm với giá rất ưu đãi. Ông T. – chủ một sạp hàng mỹ phẩm và nguyên liệu thuốc làm tóc trong chợ Tân Bình, giới thiệu với chúng tôi nhiều loại sản phẩm chăm sóc tóc khác nhau, trong đó có sản phẩm Revlon (Trung Quốc) với giá chỉ từ 50.000đ – 65.000đ/hộp, còn của Mỹ sản xuất thì có giá khá cao từ 300.000đ – 400.000đ/hộp. Một số mặt hàng thuốc duỗi như Kanas giá 130.000đ/hộp. Qua một thợ làm tóc đi mua nguyên liệu làm tóc ở chợ Bình Tây, chúng tôi biết thêm, những người thợ hoặc chủ tiệm tóc khi mua nguyên liệu thường tập trung vào một số hàng có giá rẻ, được người tiêu dùng chuộng, ít để ý đến các mặt hàng có chất lượng tốt, không gây hại cho da, có giá quá cao …

Ngoài một số sản phẩm có tên tuổi, hiện nay trên thị trường còn có một số loại thuốc nhuộm, duỗi do các chủ tiệm hoặc những người buôn bán tự pha chế từ thuốc uống và thuốc ép tóc với giá chỉ từ 10.000đ – 15.000đ/lít. Các loại thuốc nhuộm, duỗi này thường được tiêu thụ tại các tiệm tóc bình dân. Các thợ làm tóc chuyên nghiệp cũng thừa nhận thuốc nhuộm tóc có chứa hắc ín chủ yếu là các loại rẻ tiền. Hầu hết những người đã từng dùng qua thuốc nhuộm này, tóc coi như đã “chết”.

Không thử phản ứng da

Theo BS Huỳnh Huy Hoàng (BV Da Liễu TP.HCM), so với các loại mỹ phẩm khác, các sản phẩm như thuốc nhuộm tóc, thuốc duỗi tóc tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn: “Thuốc nhuộm tóc sử dụng trên da đầu có thể gây phản ứng dị ứng từ nhẹ là ngứa đỏ tại chỗ, nặng hơn là ngứa đỏ toàn thân thậm chí có thể gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Tôi từng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ, 27 tuổi, bị rụng toàn bộ tóc. Trước đó, bệnh nhân này đi duỗi tóc ở một cửa hiệu làm đẹp ở Q.1. Khi về nhà, da đầu cô phát ngứa, vài ngày sau, tóc bắt đầu rụng dần đến mức… rụng sạch không còn một cọng”.

BS Trần Ngọc Anh (giảng viên Bộ môn Da liễu - Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch) khuyến cáo: “Hầu như tuần nào, BV Da Liễu cũng tiếp nhận vài trường hợp dị ứng với mỹ phẩm làm đẹp tóc, đa số là do nhuộm tóc. Nặng tới mức mù mắt (từng xảy ra tại nước ngoài) thì chưa thấy, nhưng rụng tóc thì rất nhiều. Cấu trúc tóc của các bệnh nhân này đều bị hư, tóc không mọc được suốt một thời gian dài. Tất cả các trường hợp được hỏi, hóa ra đều không có thói quen thử thuốc lên da trước khi đổ cả một lượng hóa chất mấy trăm ml  lên đầu.”

Theo các BS da liễu, trước khi nhuộm tóc, phải thử thuốc theo cách  sau: Pha một ít thuốc nhuộm, sau đó bôi một chấm vào mặt trong cánh tay, để thuốc trong vòng 24 giờ rồi rửa sạch. Nếu da không bị đỏ ngứa thì bôi lần nữa và cũng để trong 24 giờ. Nếu vùng da thử thuốc nhuộm hai lần vẫn bình thường, bạn có thể nhuộm tóc. Ngược lại, nếu vùng thử bị đỏ, cần rửa sạch và không nên nhuộm tóc để tránh bị dị ứng nặng hơn có thể xảy ra.

Không nên nhuộm khi da đầu bị trầy, khi đang hành kinh hoặc có thai. Nên thận trọng khi có bệnh về máu hoặc thận. Tuyệt đối không được nhuộm ở lông mày, lông mi. Khi thuốc nhuộm dính vào mắt, phải rửa ngay với nước sạch và đi khám tại bác sĩ nhãn khoa. Không nên nhuộm thường xuyên, không để thuốc nhuộm kéo dài quá thời gian quy định.
 
Theo PNO
Chia sẻ