Polymer - không phải loại nào cũng gây độc (?)

,
Chia sẻ

“Việc kiểm tra được chính xác nguồn gốc polymer là rất quan trọng. Vì trên thực tế, không phải loại polymer nào cũng gây độc cho cơ thể”, GS Diệu - Trung tâm NC vật liệu Polymer nói.

Theo GS Trần Vĩnh Diệu, Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polymer trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội), ngành y tế cần kiểm tra rõ nguồn gốc polymer trong hạt trân châu.

“Việc kiểm tra được chính xác nguồn gốc polymer là rất quan trọng. Nó sẽ cho câu trả lời là hạt trân châu chứa thành phần này có độc hại cho cơ thể hay không. Vì trên thực tế, không phải loại polymer nào cũng gây độc cho cơ thể”, GS Diệu nói.

GS Diệu đưa ra dẫn chứng, như chất Xenlulo có trong rau quả, thực ra, đây cũng là một dạng polymer. Tuy nhiên, nó lại có vai trò rất quan trọng cho sức khỏe con người. Chính dạng polymer này giúp mọi người tiêu hóa thức ăn tốt, tống chất thải ra ngoài một cách dễ dàng. Nếu thiếu hoặc quá ít xenlulo, sẽ sinh ra hiện tượng táo bón.

Hay như loại giấy bóng làm từ tinh bột mà người ta dùng làm giấy gói kẹo chống dính (có thể ăn luôn), đây cũng là một dạng polymer nhưng không gây hại cho sức khoẻ.

Có loại polymer có thể tan trong nước. Một loại phổ biến ở Việt Nam như PVA sản xuất ra ở dưới dạng xơ dừa phơi khô. PVA này có tác dụng tăng độ nhớt của sản phẩm. Nó được dùng trong dược phẩm để sản xuất thuốc nhỏ mắt (được sử dụng rộng rãi như nước mắt nhân tạo). Trong sản xuất thực phẩm, nhiều người cũng dùng lượng rất nhỏ tăng độ nhớt của sản phẩm. Và ở tỷ lệ rất nhỏ như thế, nó cũng không gây độc cho cơ thể.

“Không phải loại polymer nào cũng gây độc cho cơ thể. Những loại polymer mà sản xuất không gây độc hại, không có chứa những chất độc hại, với một lượng nhỏ thì polymer không độc hại, không gây chết người. Vì thế, việc kiểm tra nguồn gốc polymer có trong hạt trân châu là rất quan trọng để đánh giá sản phẩm này tốt hay gây hại cho sức khỏe người dùng”, GS Diệu nói.

Theo Hồng Hải
Dân trí
Chia sẻ