Những rắc rối sức khỏe thường gặp trong mùa lễ hội

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Sau Tết Nguyên đán cũng là dịp lễ hội diễn ra ở mọi miền tổ quốc. Tuy nhiên, giữ sức khỏe trong mùa lễ hội cũng là điều mà không phải ai cũng biết cách.

Có rất nhiều người chưa lường hết được những rắc rối sức khỏe thường gặp trong mùa lễ hội sau Tết Nguyên  Đán.

Đi khai xuân đầu năm nhiều người gặp họa vào thân

Bác Lan (Khu đô thị mới Mê Đình –Từ Liêm) nhớ lại năm ngoái gia đình tổ chức đi chùa đầu năm. Bác vốn có bệnh hen suyễn nên rất ít đi đến chỗ đông người, không khí ngột ngạt. Thời tiết lạnh càng làm bệnh của bác trở nên nặng hơn. Được sự động viên của con cháu, hơn nữa lại đi xe gia đình sẽ đỡ vất vả nên bác quyết định đi. Mặc dù có chuẩn bị thuốc men đầy đủ nhưng do gia đình bác đi đúng vào ngày khai hội, người người đông nghịt, chen lấn, xô đẩy nhau, không khít ngột ngạt cộng với khói nhang bao trùm xen lẫn khói thuốc lá… khiến bệnh hen suyễn của bác tái phát. Gia đình vội vàng đưa bác đi cấp cứu, chuyến đi lễ chùa cũng bị bỏ dở. Rút kinh nghiệm năm nay bác ở nhà cho, để con cháu đi cho yên tâm.

Những rắc rối sức khỏe thường gặp trong mùa lễ hội 1
Giữ sức khỏe trong mùa lễ hội cũng là điều mà không phải ai cũng biết cách. Ảnh minh họa

Khác với bác Lan, anh Đình Thành (Quang Trung-  Hà Đông) lại gặp rắc rối trong lần đi lễ đầu năm chỉ vì chuyện ăn uống. Nhân dịp đầu năm, cơ quan anh tổ chức đi lễ hội đầu xuân nên anh cũng đăng kí tham gia. Vì không mang đồ ăn nên mọi người đều ăn đồ hộp hoặc gặp đâu ăn đấy trên đường đi. Sau khi ăn, một số người có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài ngay lập tức. Còn anh Thành thì về nhà mới đau bụng, kèm theo sốt, đi ngoài. Anh phải dùng thuốc và truyền dịch 4 ngày mới khỏi. Được biết, một thành viên đi cùng đoàn với anh cũng có biểu hiện giống anh. 

Theo các chuyên gia về sinh an toàn thực phẩm, ở các lễ hội bao giờ cũng có nhiều điểm bán hàng ăn, quán ăn tạm bợ. Các món ăn nhanh như: xúc xích, bò viên, chè, bánh cuốn, trứng, bún phở, vịt… được bày bán sát lề đường, bên cạnh bước chân của hàng vạn du khách thập phương, lại không hề được che đậy và bốc bằng tay… nên không thể đảm bảo vệ sinh. 

Các lễ hội diễn ra chủ yếu vào mùa xuân khi thời tiết nóng, lạnh thất thường nên thực phẩm dễ bị ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn bình thường. Người dân lại chưa nhận thức và ý thức đầy đủ về mối nguy từ thực phẩm không an toàn nên không ít người tặc lưỡi ăn cho qua bữa. Kết quả là nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm tăng lên trong thời điểm này.

Không bị bệnh tái phát hay ngộ độc thực phẩm, nhưng bác Nguyễn Bình (Thịnh Liệt- Hoàng Mai) lại phải nằm một chỗ khi mới vào đầu năm mới cũng chỉ vì đi lễ hội. Trong một lần cùng các đồng chí trong tổ dân phố đi lễ đầu năm, chẳng may bác Bình bị bước hụt ở bậc tam cấp tại một chùa nên bị ngã. Khi được đưa đến bệnh viện thì bác mới biết mình bị rạn xương hông, phải nằm nghỉ ngơi. 

Hệ thống xương khớp của người già bị thoái hóa, xương trở nên giòn hơn do chất collagen và đạm giảm, vỏ xương bị mỏng do thiếu canxi... Vì thế, chỉ cần một tác động nhẹ cũng có thể gây chấn thương, rạn hoặc gẫy xương.

Những rắc rối sức khỏe thường gặp trong mùa lễ hội 2
Nếu tham gia các hoạt động du lịch, bạn nên có thiết bị hỗ trợ, mang theo thuốc men đầy đủ và luôn liên lạc với người cùng đoàn để được hỗ trợ khi cần thiết. Ảnh minh họa

Những người bị bệnh không nên đi lễ hội

Theo bác sĩ Đặng Đình Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Chương Mỹ, người tham gia các hoạt du lịch, lễ hội đòi hỏi phải có sức khỏe để đi tàu, xe và leo lên núi cao hoặc xuống hang sâu... Mặt khác, tại nhiều lễ hội, số người tập trung đông đúc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ăn nghỉ thất thường nên càng cần phải có sức khỏe mới có thể đi được. Đối với người cao tuổi rất dễ bị ngã khi phải đi bộ nhiều thì nên tránh những khu du lịch đông người phải chen lấn, xô đẩy. Đặc biệt, những người bị các bệnh như viêm phổi, nhồi máu cơ tim, mắt kém, tai kém, huyết áp dao động... càng dễ bị ngã hoặc phát bệnh khi đến những nơi này nên phải thận trọng hơn. Bị ngã là một tai nạn nguy hiểm đối với người cao tuổi khi đi lễ hội vì họ dễ bị gãy xương, dẫn đến các hậu quả khác.

Các triệu chứng như tai biến tim mạch, đột quỵ cũng dễ xảy ra khi phải vận động quá sức, ăn nghỉ thất thường, kèm theo hít phải nhiều khói hương, nhiễm lạnh trên hành trình như đường lên chùa Hương, lên núi Yên Tử… Do vậy, những người mắc các chứng bệnh này nên hạn chế hoặc tránh đi du lịch, lễ hội… ở những nơi đông người, điều kiện khí hậu không thuận lợi. Ngoài ra, người mắc các bệnh phổi mạn tính, hen suyễn, đái tháo đường, bệnh nhân mới phẫu thuật… cũng không nên đi du lịch lễ hội vì sức khỏe còn yếu và tránh bệnh tái phát.   

Nếu tham gia các hoạt động du lịch, bạn nên có thiết bị hỗ trợ, mang theo thuốc men đầy đủ và luôn liên lạc với người cùng đoàn để được hỗ trợ khi cần thiết. Nên thực hiện các động tác nhẹ nhàng và chậm để giúp cơ thể tránh những lực tác động mạnh và bất ngờ. Khi người cao tuổi khi bị các chấn thương do ngã, dù nhẹ cũng nên đưa đến bệnh viện để được kiểm tra và  xác định rõ bệnh. Không nên tự ý uống thuốc, bó thuốc vì có thể làm bệnh nặng hơn. Chú ý nhẹ nhàng khi thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng cho người già. 
Chia sẻ