Những điều cần biết về sốc phản vệ – một dạng tai biến y khoa

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Sốc phản vệ là tai biến y khoa rất nguy hiểm, có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Vì vậy phòng tránh sốc phản vệ là điều vô cùng quan trọng.

Để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa sốc phản vệ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Lê Thị Phương Huệ bệnh viên Thanh Nhàn.

1. Thưa bác sĩ thế nào gọi sốc phản vệ?

ThS.BS Lê Thị Phương Huệ: Sốc phản vệ còn được gọi là sốc quá mẫn (anaphylactic shock), đây là một thể đặc biệt của tình trạng dị ứng thuốc. Sốc phản vệ thường xảy ra phần lớn do sau khi dùng thuốc tiêm. Nó xảy ra tức thì, thường trong hoặc ngay sau khi tiêm thuốc và là một loại tai biến nghiêm trọng nhất, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

2. Những đối tượng nào dễ bị sốc phản vệ, thưa bác sĩ?

ThS.BS Lê Thị Phương Huệ: Mọi dạng thuốc đều có thể gây ra sốc nhưng tần suất và độ nặng thường tăng lên theo quy trình từ thuốc uống - tiêm bắp - tiêm tĩnh mạch - tiêm truyền. Chính vì thể khi sử dụng các loại thuốc chúng ta cần chọn dùng dạng thuốc có ít nguy cơ gây sốc hơn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Sốc phản vệ có thể gặp ở bất cứ ai. Tuy nhiên, đối tượng dễ bị sốc và dị ứng thuốc thường là người có cơ địa dị ứng là những người dễ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc trị bệnh.

Ngoài ra sốc phản vệ thường xảy ra nhiều hơn với người có thể trạng yếu như trẻ nhỏ, người già… Với đối tượng này khi dùng thuốc cần phải cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ,  mỗi khi dùng thuốc cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chọn cách dùng thuốc an toàn nhất.

3.  Thưa bác sĩ một số biểu hiện để nhận biết bị sốc phản vệ?

ThS.BS Lê Thị Phương Huệ: Biểu hiện của phản ứng thuốc rất đa dạng, có thể từ nhẹ buồn ngủ, hơi mệt, chân tay lạnh, đến nặng,  khó thở, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, mắt trợn và lờ đờ, thường đi kèm với hiện tượng giãn đồng tử... thậm chí có thể tử vong.

Sốc phản vệ hay dị ứng thuốc có khi xảy ra ngay tức thì hoặc có thể xảy ra muộn hơn sau một vài giờ tiếp xúc với chất lạ, đôi khi nó chỉ có thể xảy ra ở các lần tiếp xúc sau. Biểu hiện của phản ứng dị ứng có thể ở một cơ quan, nhưng đôi khi biểu hiện ở nhiều cơ quan cùng lúc, có thể quy thành hội chứng được ghi nhận trong y văn thế giới như hội chứng Steven – Johnson hoặc hội chứng Lyell...

Những điều cần biết về sốc phản vệ – một dạng tai biến y khoa 1
Sốc phản vệ là tai biến y khoa rất nguy hiểm, có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Ảnh minh họa

4. Khi bị sốc phản vệ chúng ta nên xử lý như thế nào thư bác sĩ?

ThS.BS Lê Thị Phương Huệ: Nếu bạn nghi ai đó bị sốc sau khi dùng thuốc, hãy để người đó nằm ngửa, đặt chân lên vị trí cao hơn đầu, nghiêng về một bên. Không để cho nạn nhân có cử động nhiều. Sau đó, nới lỏng quần áo và đắp chăn lên mình nạn nhân. Không được cho nạn nhân uống bất cứ thứ gì. Thực hiện tất cả các thao tác đó xong, bạn mới nên gọi bác sĩ.

Ngoài ra, cần tiến hành các biện pháp hồi sinh tổng hợp, nếu có ngừng tim, ngừng thở phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt hoặc bóp bóng hơi hỗ trợ hô hấp.  Xử trí sốc phản vệ là một biện pháp cần tiến hành khẩn cấp, nhanh, nhạy, kịp thời... Đưa người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, mang theo thuốc và các giấy tờ, thông tin liên quan để thông báo cho nhân viên y tế, gọi điện tới trung tâm chống độc để được hướng dẫn, thông báo cho bác sỹ đã kê đơn và dược sỹ liên quan... 

5. Những loại thuốc nào hay gây nên sốc phản vệ thưa bác sĩ?

ThS.BS Lê Thị Phương Huệ: Nhiều loại thuốc có thể gây nên sốc phản vệ như kháng sinh, vaccin và huyết thanh, một số vitamin tiêm tĩnh mạch, thuốc tê, thuốc chống viêm không steroide... Phản ứng thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc theo các đường khác như: tiêm bắp thịt, uống, nhỏ mắt, bôi ngoài da...

Hoặc loại thuốc hết hạn hoặc hạn dùng còn rất ngắn (chỉ còn 1/3, 1/4 hạn dùng ghi trên nhãn), có những biểu hiện khác thường so với thuốc lúc nguyên thủy như gãy cạnh, dễ vỡ nát, ẩm ướt, biến màu, không trong suốt, không đồng nhất, mùi vị khác thường... Trường hợp này, thuốc đã biến chất dễ gây sốc. Nếu có một trong những yếu tố trên không được dùng dù ở dạng thuốc nào.

6. Thưa bác sĩ, làm cách nào để phòng tránh tốt nhất nguy cơ sốc phản vệ?

ThS.BS Lê Thị Phương Huệ: Trước khi dùng thuốc hoặc dùng thêm một thuốc mới, bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế đầy đủ quá trình bệnh tật của mình đang bị, đặc biệt là ở những phụ nữ có thai, cho con bú, người dị ứng các thành phần của thuốc, những người có  bệnh mắc trước đây. Thuốc bao gồm thuốc bệnh nhân tự mua hoặc mua theo đơn, vitamine, chế phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Khi chưa rõ, người bệnh cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ các câu hỏi liên quan đến thuốc sẽ dùng, diễn biến bệnh tật khi dùng thuốc, cách theo dõi khi dùng thuốc, chế độ ăn, uống, sinh hoạt.

Không nên sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chia sẻ